Ngày 10-03, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Xinhua, phó kỹ sư trưởng phụ trách các hệ thống máy bay thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không (AVIC), ông Tang Changhong cho biết;
Quá trình chế tạo hàng loạt máy bay vận tải Y-20 sẽ bắt đầu sau khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm trong điều kiện khó khăn và môi trường khắc nghiệt.
Máy bay vận tải Y-20 Kunpeng thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 26-01-2013. Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên bao gồm kiểm tra các đặc tính khí động học trong các điều kiện tải trọng khác nhau.
Giai đoạn 2 trong năm vừa qua đã thực hiện thử nghiệm với radar, các hệ thống dẫn đường, hệ thống lái tự động, hệ thống kiểm soát và ổn định trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Giai đoạn 3 sẽ bao gồm thử nghiệm hoạt động của máy bay trong môi trường nóng, lạnh cũng như cất/hạ cánh từ đường băng không chuẩn bị trước ở độ cao lớn.
Máy bay vận tải Y-20 tại triển lãm hàng không Chu Hải 2014.
Đã có 4 nguyên mẫu Y-20 được chế tạo. Hiện nay, các máy bay Y-20 được trang bị động cơ D-30KP2 do Nga sản xuất.
Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đã đặt mua tổng cộng 239 động cơ D-30KP2, trong đó 50 động cơ dự định trang bị trên các máy bay ném bom H-6K và số còn lại sẽ được trang bị cho máy bay vận tải Y-20.
Sau này, các máy bay Y-20 sẽ được lắp đặt động cơ WS-20 do Trung Quốc sản xuất.
Các nguồn tin của Trung Quốc cho biết, nước này hiện đang có 3 chương trình phát triển động cơ cho máy bay vận tải quân sự và dân sự.
Y-20 là kết quả của chương trình kéo dài gần 20 năm (bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ XX) nhằm phát triển một loại máy bay vận tải quân sự chiến lược cho quân đội Trung Quốc.
Vào năm 2009, một lãnh đạo của AVIC công bố hoàn thành mẫu thiết kế máy bay vận tải hạng nặng và bắt đầu chế tạo các nguyên mẫu đầu tiên.
Các chỉ huy quân đội Trung Quốc dành nhiều sự quan tâm đến dự án này. Hiện tại, phi đội vận tải của Trung Quốc bao gồm các máy bay Y-7, Y-8 và các biến thế của chúng.
Máy bay vận tải Y-7 được chế tạo dựa trên máy bay vận tải An-24 của Liên Xô, trong khi Y-8 dựa trên An-12. Những chiếc máy bay này không có khả năng chuyên chở các loại xe bọc thép hạng nặng và xe tăng.
Ngoài ra, không quân Trung Quốc còn có 20 chiếc Il-76 và đặt hàng thêm 30 chiếc khác.
Theo báo cáo quốc phòng của Trung Quốc, việc độc lập phát triển máy bay vận tải hạng nặng giúp tăng cường khả năng vận chuyển binh lính và hàng hóa cũng như hỗ trợ các hoạt động nhân đạo.
Chiều dài của khung thân Y-20 sẽ giúp vận chuyển các loại xe thiết giáp của quân đội Trung Quốc ở khoảng cách xa.
Tuy nhiên, theo bản báo cáo của Đại học Quốc phòng Trung Quốc năm 2014, Quân đội Trung Quốc cần ít nhất 400 máy bay vận tải Y-20 mới bắt kịp được khả năng triển khai lực lượng của Mỹ, Nga và Ấn Độ.
Hiện tại, Không quân Mỹ có 700 máy bay vận tải chiến lược, Không quân Nga có 800 máy bay vận tải hạng trung và Không quân Ấn Độ có 200 máy bay.
Báo cáo chỉ ra rằng, Không quân Trung Quốc cần ít nhất 400 máy bay vận tải Y-20 để có thể vận chuyển cùng lúc 10 trung đoàn thực hiện nhiệm vụ ở các chiến trường khác nhau ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Y-20 là loại máy bay thân rộng với cánh đuôi chữ T. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử và định vị hiện đại.
Theo truyền thông Trung Quốc, khối lượng cất cánh tối đa của Y-20 là 200 tấn, dài 47m, sải cánh 45m, khối lượng hàng hóa mang theo tối đa là 66t, tầm hoạt động tối đa 4.400km, tốc độ hành trình 630km/giờ, phi hành đoàn 3 người.