Phần 1: Xe tăng lội nước của Hải quân đánh bộ VN đã đến lúc cần đầu tư
Hướng mua sắm các phương tiện xe cơ giới mới cho lực lượng hải quân đánh bộ chủ yếu là từ Nga. Trong đó nổi lên 2 đại diện có thể thay thế hoàn toàn, hoặc bổ sung cho xe tăng PT-76 của Việt Nam: Đó là xe chiến đấu bộ binh BMP-3F và pháo chống tăng tự hành Sprut-SD.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3F
BMP-3F là phiên bản dùng cho Hải quân đánh bộ của xe chiến đấu bộ binh BMP-3, do Phòng Thiết kế Tula phát triển. Xe dài 6,7m, cao 3,57m và rộng 3,15m, nặng 18,7 tấn, kíp lái 3 người, có thể chở theo 7 lính hải quân đánh bộ. Khác với BMP-3 dành cho bộ binh, BMP-3F có một số cải tiến để phù hợp hơn với lực lượng hải quân đánh bộ: bỏ thiết bị tự đào công sự, đồng thời lắp thêm các lá chắn sóng và ống xả kiểu mới.
BMP-3F được trang bị tổ hợp vũ khí gồm pháo 100mm 2A70, pháo tự động 30mm 2A72 và ba đại liên PKT 7,62mm. Pháo 100mm có thể bắn các loại đạn nổ phá mảnh và tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng pháo. Cơ số tên lửa chống tăng là 8 quả, 40 quả đạn pháo 100mm, 500 viên đạn pháo 30mm và 6.000 viên đạn đại liên PKT.
Hệ thống điều khiển bắn tự động trên BMP-3 bao gồm: hệ thống tìm kiếm - đo xa laser ID16 và máy tính dữ liệu đạn đạo; kính nhìn đêm/ngày 1K13-2 của xạ thủ cùng với đèn chiếu OU-5; kính tiềm vọng PPB-2 của xạ thủ; kính tiềm vọng 1PZ-10 của trưởng xe; thiết bị quan sát ngày/đêm TKN-3MB của trưởng xe kết hợp đèn hồng ngoại OU-3. Hệ thống này cho phép bắn pháo và tên lửa chống tăng qua nòng trong khi đang hành tiến, với độ chính xác cao.
Thân xe BMP-3F được làm chủ yếu bằng hợp kim nhôm, rất nhẹ, được thiết kế để cho khả năng bơi tốt với vận tốc 10km/h. Trang bị động cơ diesel UTD-29, BMP-3F có tốc độ tối đa 70km/h, dự trữ hành trình 600km. Xe cũng có được tích hợp hệ thống phóng đạn khói, hệ thống thông tin liên lạc và phòng chống vũ khí xạ - sinh - hóa (NBC).
Dù là một xe chiến đấu bộ binh nhưng hỏa lực của BMP-3 rất mạnh mẽ. Pháo 100mm có sức công phá rất mạnh, việc bắn được các tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng pháo 100mm cũng là một ưu thế lớn của BMP-3F.
Indonesia đã mua của Nga 37 xe chiến đấu bộ binh BMP-3F với giá 114 triệu USD. Ta có thể dự đoán giá thành của mỗi xe là khoảng từ 3-3,5 triệu USD.
Pháo chống tăng tự hành 2S25 Sprut-SD
Sprut-SD là mẫu pháo chống tăng tự hành đổ bộ đường không, được thiết kế trên cơ sở khung gầm của xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-3, với 7 bánh chịu lực thay vì 5 bánh.
Sprut-SD nặng 18 tấn, thân làm bằng hợp kim nhôm, bọc ngoài là vật liệu composite, còn tháp pháo làm bằng thép, có thể chống đỡ các loại súng cỡ nhỏ và mảnh pháo. Sprut-SD sử dụng pháo nòng trơn 2A75 cỡ nòng 125mm rất mạnh, tương đương với các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, T-80 hay T-90. Cơ số đạn 40 viên, gồm 20 viên đạn nổ mạnh, 14 viên đạn xuyên giáp và 6 viên đạn nổ chống tăng. Sprut-SD cũng có thể mang theo 6 tên lửa chống tăng có điều khiển 9M119 Svir bắn qua nòng, tầm bắn lên đến 6.000m. Vũ khí phụ là đại liên đồng trục PKT với 2.000 viên đạn.
Khả năng cơ động của xe rất cao, tổ lái 3 người có thể ngồi trong xe khi tiến hành đổ bộ đường không. Xe được thả dù từ máy bay vận tải và ngay sau đó có thể bắt đầu chiến đấu. Động cơ 2V06-2S 510 mã lực mạnh mẽ, cho phép xe đạt tốc độ tối đa 70km/h. Khả năng bơi của xe cũng rất đáng kinh ngạc, với tốc độ 9km/h. Tầm hoạt động của xe lên đến 500km. Giá thành của mỗi xe ước tính khoảng 2,5-3 triệu USD.
Phương án nào cho Hải quân đánh bộ Việt Nam?
Ưu thế của phương án mua mới xe là sức cơ động cao, bảo vệ tốt, hỏa lực mạnh, cùng khả năng bắn tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng, cho phép đối phó hiệu quả với tăng – thiết giáp hạng nặng và các công sự kiên cố của đối phương.
Hiện nay, trong biên chế mỗi Lữ đoàn Hải quân đánh bộ có 1 tiểu đoàn xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76, 1 tiểu đoàn xe thiết giáp BTR-60BP. Trong đó, mũi nhọn quan trọng nhất của Lữ đoàn là tiểu đoàn xe tăng lội nước. Tiểu đoàn tiên phong này sẽ gặp phải hỏa lực bảo vệ bờ biển mạnh mẽ nhất, đòi hỏi phải có sức đột kích cao, hỏa lực mạnh để tiến công mở đường chiếm đầu cầu. Do đó, việc hiện đại hóa tiểu đoàn xe tăng lội nước có tầm quan trọng hơn nhiều so với hiện đại hóa tiểu đoàn xe thiết giáp chở quân đi theo sau.
Sau khi hoàn thành việc nâng cấp, hiện đại hóa, hoặc thay thế các xe tăng PT-76, nếu như điều kiện kinh tế cho phép, Việt Nam cũng sẽ tiến hành “thay máu” cho các xe thiết giáp BTR-60BP, đảm bảo khả năng tác chiến mạnh cho Hải quân đánh bộ.
Trong điều kiện Việt Nam, có thể xây dựng các phương án nâng cấp – mua sắm mới như sau.
- Phương án 1: Nâng cấp xe tăng PT-76 lên chuẩn PT-76E. Với tổ hợp vũ khí mạnh, đặc biệt là pháo bắn nhanh AU-220 57mm, khả năng chế áp lực lượng phòng ngự bờ biển, cũng như khả năng phòng không của xe cũng sẽ được tăng cường. Phương án này có ưu điểm về chi phí, nhưng cũng khó giải quyết hết được những điểm yếu về động lực, về khả năng bảo vệ của xe tăng PT-76.
- Phương án 2: Sử dụng đội hình tiểu đoàn hỗn hợp gồm hai đại đội xe tăng PT-76E hiện đại hóa, cùng với một đại đội pháo chống tăng tự hành Sprut-SD. Phương án này có giá thành hợp lí và cho phép tạo mật độ hỏa lực cao nhất, đại đội Sprut-SD với hỏa lực cực mạnh sẽ đảm bảo đối phó hiệu quả với các mục tiêu kiên cố hay tăng – thiết giáp hạng nặng của đối phương. Đây có lẽ là phương án hợp lí nhất với Hải quân đánh bộ Việt Nam.
- Phương án 3: Bỏ hoàn toàn các xe tăng PT-76. Sử dụng đội hình tiểu đoàn hỗn hợp gồm hai đại đội xe chiến đấu bộ binh BMP-3F và một đại đội pháo chống tăng tự hành Sprut-SD. Giá thành của mỗi tiểu đoàn hỗn hợp này có thể lên đến 100 triệu USD, khá khó khăn với tài chính của Việt Nam hiện tại.
Như vậy, dù đã rất cũ kĩ, nhưng nếu được hiện đại hóa, sát cánh cùng các vũ khí hiện đại như pháo chống tăng tự hành Sprut-SD, xe tăng PT-76E vẫn có thể đảm bảo khả năng chiến đấu, sẵn sàng tác chiến cùng với Hải quân đánh bộ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.