Tiểu đoàn tên lửa 77: Những giây phút ngộp thở đối mặt B-52

Đại tá Trần Danh Bảng - Mai Anh |

Chúng tôi vừa có 2 giờ "ngộp thở" cùng với Đại tá Đinh Thế Văn - người nắm giữ bí quyết bắn rơi B-52, để được nghe về những trận đánh sống động như vừa mới diễn ra hôm qua.

Diệt cả những mục tiêu khó "xơi" nhất

Trong hành trình đi đến chiến thắng 12 ngày đêm, Tiểu đoàn tên lửa 77 của chúng tôi đã đọ sức và bắn rơi gần như tất cả những loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ, kể cả những loại mà Mỹ cho rằng tên lửa Việt Nam không thể đánh được.

Đầu tiên, phải kể đến máy bay A-6A của Không quân Hải quân Mỹ. Nó là một trong những loại máy bay cường kích có khả năng bay cực thấp, chuyên hoạt động ban đêm theo kiểu "bay thấp đánh lén", thường được bộ đội ta gọi là "kẻ phá đám".


Anh hùng LLVT, Đại tá Đinh Thế Văn - nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 77.

Anh hùng LLVT, Đại tá Đinh Thế Văn - nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 77.

Vì nó bay rất thấp nên radar và tên lửa SAM-2 (S-75) rất khó phát hiện sớm và tóm được nó để phóng đạn.

22h01 đêm ngày 24/3/1967, 2 qủa tên lửa của chúng tôi như "bò" sát mặt đất, vít cổ thằng giặc trời A-6A ở độ cao chỉ 200m. Nó nổ tung và rơi ngay tại chỗ phía đông sân bay Kép, ngay sát một đơn vị dân công đang làm đường ở gần đó. May mà không ai bị thương.

Kíp trắc thủ gồm có tôi - sĩ quan điều khiển, trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Cư, trắc thủ cự ly Kiều Thanh Tịnh và trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Đức, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Điền, .

Đây là chiếc A-6A bị bắn rơi tại chỗ đầu tiên của đơn vị, chúng tôi đã góp phần cùng lực lượng phòng không đánh thắng thủ đoạn bay thấp, đánh lén ban đêm của địch.

Thứ hai là đánh máy bay trinh sát tầng cao SR-71 có tốc độ cao nhất thế giới lúc bầy giờ. Từ tháng 7 năm 1967, là lần đầu tiêu SR-71 được tung vào trinh sát miền Bắc.

Chuyên gia Liên Xô khi ấy đã chọn Tiểu đoàn 77 làm đơn vị đánh SR-71 để kiểm nghiệm tính năng của tên lửa SAM-2 nhằm thu lượm những điều hữu ích để chế tạo vũ khí mới, đủ sức tiêu diệt của loại máy bay này.

SR-71 thường bay ở độ cao 20-24km với tốc độ lên tới 1.000m/s và được trang bị nhiều loại máy gây nhiễu hiện đại, trong khi SAM-2 của chúng ta chỉ có tốc độ tối đa 750m/s. Đánh chúng quả thật rất khó.

Nhờ mạng radar cảnh báo kịp thời, tiểu đoàn chúng tôi đã nhiều lần chuyển cấp kịp thời, đài điều khiển bắt được nó vào từ cự ly 120km, thậm chí từ 130km, nhưng rất tiếc là nhờ tốc độ cao, chúng đã nhanh chân trốn thoát khỏi sự trừng phạt.

Tuy nhiên, từ những trận đánh "hụt" đó, chúng tôi cũng rút tỉa được nhiều kinh nghiệm. Chuyên gia nước bạn lúc đó tâm sự với chúng tôi: Liên Xô giúp bộ đội tên lửa Việt Nam đánh máy bay Mỹ, nhưng các bạn cũng giúp chúng tôi thử nghiệm vũ khí.

Thứ ba là bắn máy bay địch đã khó, đánh tên lửa của chúng lại càng khó hơn vì tín hiệu chúng rất nhỏ lại bay tốc độ cao. Ấy thế mà chúng tôi đã bắn được.

Số là hôm ấy, có tốp mục tiêu xuất hiện, phán đoán đây là tốp F-4, trắc thủ bám sát rất chuẩn, dù mục tiêu cơ động nhanh, nhưng chúng tôi đã kịp phóng đạn, bắn rơi tại chỗ. Chỉ đến khi anh em phân công nhau đi tìm xác máy bay, mới phát hiện ra nó, chính là tên lửa chống radar Standard (AGM-78).

Từ đây, tôi có niềm tin là bộ đội tên lửa ta hiện nay hoàn toàn đủ khả năng bắn hạ bất cứ loại tên lửa hành trình nào. Bởi tên lửa siêu âm (AGM-78 có thể bay nhanh gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh), trong khi tên lửa hành trình thường là loại bay dưới âm.

Đấy là những trận đánh tiêu biểu nhất, còn thì các loại F chỉ là chuyện thường ngày. Cho đến trước 12 ngày đêm tháng 12/1972, chúng tôi đã đánh được và đánh thắng tất cả các loại máy bay , nào A, nào F của Mỹ đưa vào Việt Nam.


Tiểu Đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ) đang thuyết minh cách đánh B.52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tiểu Đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ) đang thuyết minh cách đánh B.52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những khó khăn khi đánh B-52

Thứ nhất, Mỹ lúc đó huy động tổng lực các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, đặc biệt là các loại máy gây nhiễu liên tục được cải tiến.

Chúng dùng tất cả các loại nhiễu, gồm nhiễu trong đội hình là bản thân máy bay vào đánh phá miền Bắc mang máy gây nhiễu và nhiễu ngoài đội hình từ hạm tàu ngoài khơi, máy bay gây nhiễu điện tử chuyên nhiệm lượn lờ ở ngoài xa, nhiễu ngắm, nhiễu râu, nhiễu kim loại… nhằm "bịt mắt" các loại radar của ta.

Thứ hai, đi kèm B-52 là các loại máy bay hộ tống, vừa giả dạng B-52 hòng nhử tên lửa ta phát sóng, để phóng tên lửa diệt radar.

Việc phân biệt B-52 thật, B-52 giả rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã năm rất chắc đặc tính kỹ chiến thuật của các loại máy bay địch nên nhận ra chúng ngay, cho dù chúng mưu mô, thủ đoạn đến đâu đi chăng nữa.

Các loại F giả dạng hầu hết chỉ bay được ở độ cao 8.000m trở xuống và, hiếm khi chúng leo lên hoạt động ở độ cao thường thấy của B-52 là 10km.

Chúng không bao giờ bay dười tầm ném bom của B-52 mà thường bay trước và thoát ly khi B-52 vào tầm cắt bom.

Để phân biệt, chúng tôi kiểm tra chúng bằng cách phát lệnh điều khiển giả, khi bọn F thấy có tín hiệu điều khiển đạn, chúng thường nhanh chóng cơ động và như thế là “lộ hàng”.


Kíp chiến đấu đầu tiên bắn bằng phương pháp Vượt nửa góc (từ phải sang): Đỗ Đình Tân (trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (tiểu đoàn trưởng), Nguyễn Văn Đức (sĩ quan điều khiển), Lưu Văn Mộc (trắc thủ góc tà), Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly).

Kíp chiến đấu đầu tiên bắn bằng phương pháp Vượt nửa góc (từ phải sang): Đỗ Đình Tân (trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (tiểu đoàn trưởng), Nguyễn Văn Đức (sĩ quan điều khiển), Lưu Văn Mộc (trắc thủ góc tà), Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly).

Điều gì làm nên những chiến thắng

Để có được kết quả bắn rơi 25 máy bay Mỹ, trong đó có 20 chiếc rơi tại chỗ, Tiểu đoàn 77 của chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ, nhiều đồng đội đã hy sinh.

Điều tôi tâm đắc nhất là tự tay tuyển chọn và huấn luyện được các kíp trắc thủ giỏi, giàu kinh nghiệm. Tất cả các sĩ quan điều khiển của chúng tôi đều "ăn nên làm ra".

Trong các sĩ quan điều khiển xuất sắc nhất thì đã có 1 người được phong tặng Anh hùng LLVT là đồng chí Kiều Thanh Tịnh và đang đề nghị đồng chí Nguyễn Văn Đức, cũng như trắc thủ PA-00 dũng cảm, liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh.

Đây là những sĩ quan điều khiển có bàn tay vàng, thông minh những cũng hết sức gan dạ, đã đánh là phải chắc thắng.

Vì vậy, kíp chiến đấu của chúng tôi đều tự tin chọn phương pháp bắn vượt nửa góc, tức là bắt được mục tiêu, điều khiển đạn diệt máy bay địch. Trong số họ, nhiều người là những sinh viên đại học, từ biệt giảng đường, xung phong vào quân đội.

Chúng tôi luôn sát cánh cùng nhau, nghiên cứu kỹ tính năng kỹ thuật của máy địch địch cũng như những thủ đoạn của chúng, phát huy cao độ tính năng khí tài nắm chắc các phương án chiến đấu và rất hiểu ý nhau.

Nếu cả kíp đều “ăn ý” trong mọi phương pháp bắn, thì đó là điều bảo đảm đánh chắc thắng. Để có được điều này, phải cọ sát, phải nghiêm túc, huấn luyện rất bài bản, không nương nhẹ một cá nhân nào.

Với B-52, chúng tôi tính toán cự ly địch vào đến đâu để phát sóng rất chính xác, đạt hiệu quả xạ kích mà địch không thể phản ứng, phóng sơ-rai vào trận địa.

Thường thì chúng tôi ngắm bắn vào chiếc B-52 đi đầu, vì nếu đạn nổ có lệch một chút thì 2 chiếc bên cạnh cũng lĩnh đủ.

Chúng tôi đã thắng được cảm xúc hồi hộp, căng thẳng đến nghẹt thở trước khi vào trận đấu quyết định với B-52 và liên tiếp đánh thắng. Tiểu đoàn được trên công nhận bắn rơi 4 B-52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ.

Ngày 22 tháng 12 năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới thăm trận địa Chèm của chúng tôi đúng vào giờ cao điểm (9-10h sáng), đây là quãng thời gian máy bay địch thường hoạt động tích cực nhất.

Đêm hôm trước (21/12), địch đánh vào trận địa, chúng tôi an toàn, nhưng xung quanh vẫn còn nhiều bom bi chúng tôi chưa “dọn” hết.

Đồng chí bảo vệ của Đại tướng hỏi, nếu địch đánh vào trận địa ngay lúc Đại tướng đang ở đó, các đồng chí sẽ bảo vệ thế nào?

Dù cũng rất lo lắng nhưng tôi vẫn khẳng định "Nếu địch đánh thì chúng tôi sẽ lấy thân mình che cho Đại tướng". Sau này, trong một dịp được gặp thân mật, tôi đã nói với Đại tướng điều này, Đại tướng xúc động lắm.

Nay tuy tuổi đã cao, người cựu sĩ quan tên lửa vẫn là người nhiệt tình với các phong trào của địa phương, đặc biệt là "truyền lửa" cho thế hệ trẻ khi quyết tâm khôi phục nghề múa rồi nước truyền thống của làng Đào Thục (Đông Anh) quê ông vốn đang dần bị mai một.

Ông trực tiếp viết nhiều kịch bản, đặc sắc nhất là vở rối “Hà Nội chiến thắng B52” khiến rất nhiều du khách thích thú.

 
ĐẠI TÁ ĐINH THẾ VĂN
Với những đóng góp, cống hiến của mình cho việc phát triển môn nghệ thuật múa rối truyền thống của quê hương. Tháng 10-2010, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội đã tặng ông danh hiệu Người bảo vệ di sản văn hóa do đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Năm 2013, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2014, ông được Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực- nhân tài Việt Nam tặng Bằng Tôn vinh Nhân tài Đất Việt bảo tồn và phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại