Trong một bài viết đăng trên tạp chí National Interest (trụ sở tại Washington), chuyên gia Christopher Sharman đã liệt kê 5 bước chính mà Trung Quốc đã thực hiện nhằm thiết lập một lực lượng hải quân toàn cầu kể từ năm 2004.
Tàu chiến của hải quân Trung Quốc.
Từ năm 2004 đến 2006, Hải quân Trung Quốc (PLAN) chỉ hạn chế các hoạt động của mình trong khu vực "Chuỗi đảo thứ nhất" ở Thái Bình Dương (kéo dài từ Alaska đến Philippines), nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ và các đối tác an ninh của Washington.
Tuy nhiên, PLAN đã tăng cường huấn luyện để có được khả năng tiến hành các hoạt động viễn dương - tại vùng biển cách xa bờ biển Trung Quốc.
Giai đoạn 2007-2009, PLAN đã tiến những bước đầu tiên vào Tây Thái Bình Dương khi mở rộng phạm vi các hoạt động huấn luyện của nước này vào vùng biển Philippines, nằm ngoài Chuỗi đảo thứ nhất.
Việc tổ chức nhiều cuộc tập trận tại khu vực này đã giúp tăng cường khả năng hoạt động của PLAN ở những vùng biển xa lạ, đồng thời giúp phát triển hệ thống hậu cần, chỉ huy và kiểm soát cần thiết cho các hoạt động xa bờ.
Tiếp đó, năm 2010-2012, PLAN tiến hành bình thường hóa các đợt triển khai của họ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Theo Sharman, PLAN đã tăng cường tần suất, mức độ phức tạp và tỏ ra tự tin hơn khi tiến hành các hoạt động viễn dương trong khu vực.
Đáng chú ý là, các cuộc tập trận ở vùng biển Philippines giai đoạn 2007-2009 dường như chỉ đơn thuần là các bài tập tàu nổi chống tàu nổi.
Còn các cuộc tập trận trong giai đoạn 2010-2012 có sự tham gia của máy bay, tàu mặt nước và tàu ngầm.
Hải quân Trung Quốc diễn tập chống cướp biển ở vịnh Aden cùng Hải quân Mỹ.
Sau đó, từ năm 2013 đến 2014, PLAN đã đưa cả các máy bay cánh cố định xuất phát từ đất liền đến tập trận ở vùng biển Philippines và tiến hành cuộc tập trận đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương với sự tham gia đồng thời của cả 3 hạm đội.
Không những thế, các tàu chiến mặt nước của PLAN còn lần đầu tiên được triển khai đến Ấn Độ Dương để thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ở khu vực vịnh Aden.
Theo ông Sharman, việc bình thường hóa các hoạt động của PLAN ở Tây Thái Bình Dương và kinh nghiệm thu được từ các nhiệm vụ chống cướp biển sẽ cho phép Trung Quốc hình thành một lực lượng hải quân với khả năng triển khai lực lượng toàn cầu.