Thương vụ Mistral: Nga đã có phương án thay thế

Huy Bình |

Theo truyền thông Nga, nước này đã có kế hoạch biên chế các thủy thủ được đào tạo vận hành tàu sân bay trực thăng Mistral lên những chiến hạm khác.

Mới đây nhất, đại diện của hải quân Nga tuyên bố, thủy thủ đoàn “Mistral” sẽ mang những kiến thức đã học được ở Pháp về nước, tiếp tục phục vụ trên những chiến hạm mới của Hải quân Nga.

Đây có thể xem là dấu chấm hết cho thương vụ mua sắm đã tốn không ít giấy mực của báo giới này.

Thực chất, trong bối cảnh tình hình Ukraine vẫn chưa có những biến chuyển lớn, tiếng súng vẫn ngày đêm vang lên ở khu vực Donbass, Pháp chắc chắn sẽ không bàn giao cho hải quân Nga 2 chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp "Mistral", mang tên "Vladivostok" và "Sevastopol".

Về vấn đề này, đại diện Bộ quốc phòng Nga ngày 8-5 đã thông qua quyết định mời các thành viên thủy thủ đoàn của các tàu sân bay trực thăng này tiếp tục phục vụ trên những chiến hạm thế hệ mới của hải quân Nga - "Interfax" dẫn nguồn từ Bộ Tư lệnh Hải quân Nga.

"…Trong tình hình này, tiếp nhận đội ngũ đã qua huấn luyện, đào tạo tốt khoảng 500 người (cơ số hai thủy thủ đoàn của 2 tàu Mistral cộng với đội dự bị) hoàn toàn không phải là thiệt hại của Hải quân Nga.

Các thủy thủ sẽ được tiếp tục phục vụ trên những chiến hạm mới" - đại diện Hải quân Nga nói.

Ngoài ra, tháng trước đại diện của Bộ quốc phòng Nga cũng cho biết họ đã có kế hoạch biên chế những máy bay trực thăng tấn công Ka-52K chế tạo riêng cho các tàu đổ bộ trực thăng Mistral trên những căn cứ đất liền.

Điều này cho thấy, quân đội nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án hủy bỏ hợp đồng.

Đại diện Bộ ngoại giao Nga cũng tuyên bố, Moscow đánh giá cao lập trường của Tổng thống Pháp Francois Hollande, khi mới đây ông tuyên bố trước thềm chuyến thăm Erevan (Thủ đô Armenia) rằng, Paris sẵn sàng hoàn lại khoản tiền vì không hoàn thành hợp đồng cung cấp “Mistral”cho Nga.

Nga đã chấp nhận hủy bỏ thương vụ Mistral?
Nga đã chấp nhận hủy bỏ thương vụ Mistral?

Theo các chuyên gia quân sự Nga, việc hủy bỏ hợp đồng Mistral cũng không ảnh hưởng gì tới sức mạnh của hải quân nước này, bởi đây là những con tàu phục vụ cho hoạt động đổ bộ tầm xa, trong bối cảnh đang bị phương Tây bao vây, cấm vận, hải quân Nga cũng không có nhu cầu triển khai các hoạt động đổ bộ viễn dương.

Ngoài ra, cũng có nguồn tin cho rằng, trong quá trình đóng phần đuôi tàu, nhà máy đóng tàu Baltic của Nga cũng đã tiếp cận được bản vẽ kỹ thuật của Mistral và hoàn toàn có thể tự đóng các tàu tương tự.

Bởi vậy, trong điều kiện hiện nay, nhận lại tiền và tự chế tạo tàu đổ bộ kiểu Nga là một phương án tối ưu.

Được biết, hợp đồng mua sắm 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral giữa Pháp và Nga, có trị giá 1,2 tỷ Euro (giá trị tương đương lúc đó là 1,66 tỷ USD) đã được ký kết vào năm 2011. 2 con tàu được đóng với những yêu cầu kỹ thuật riêng giành cho hải quân Nga để hoạt động ở những khu vực lạnh giá của cực Bắc.

Theo truyền thông Nga và Pháp, tàu được đóng phần thân trước tại nhà máy đóng tàu của hãng STX France ở cảng Saint Nazaire, phần thân sau do nhà máy Baltic (St. Petersburg) thuộc Tập đoàn đóng tàu Thống nhất của Nga (UAV), sau đó phần thân ở Nga được kéo sang Pháp để đấu ráp tổng thành.

Tờ báo Pháp Le Figaro dẫn nguồn tin từ cơ cấu quốc phòng Pháp cho biết, trong thương vụ này Paris đã nhận của Moscow 890 triệu euro tiền đặt cọc.

Nếu phá hợp đồng, Paris sẽ hoàn trả số tiền này và bồi thường thêm 300 triệu Euro.

>>> “Ác mộng” đáng sợ của HQ Pháp khi Nga không nhận được tàu Mistral

>>> Phương án "sốc nhất" của Pháp nếu phải hủy giao Mistral cho Nga

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại