Thực lực quân đội Trung Quốc và mối "liên minh" với Nga

Đức Dũng |

Quân đội Trung quốc với quân số khoảng 2,5 triệu quân nhân cùng hệ thống vũ khí hiện đại với hơn 7.500 xe tăng, 4.500 xe bọc thép, 3.000 máy bay chiến đấu...

Chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc

Hiện tại, Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc có khoảng 2,5 triệu quân nhân, lớn nhất ở khu vực Á – Âu, là một hệ thống quân đội hiện đại. Vũ khí bao gồm các loại thông thường và tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.

Lực lượng mặt đất (lục quân) gồm 1, 6 triệu binh sĩ, chia thành 89 đơn vị với hệ thống vũ khí lớn: gồm hơn 7.500 xe tăng, 4.500 xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh, 17.500 khẩu đại bác và thiết bị phóng tên lửa.

Phần lớn là các loại vũ khí hiện đại. Thời gian gần đây, Trung Quốc tích cực xây dựng các lực lượng cơ động để hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong các cuộc xung đột địa phương ở vùng biên giới.

Không quân Trung Quốc có hơn 3.000 máy bay chiến đấu (70% số đó là máy bay tiêm kích), thực hiện các nhiệm vụ phòng không và hỗ trợ một phần nhỏ cho lục quân.

Lực lượng hải quân bao gồm 100 tàu chiến và tàu sân bay, 50 tàu ngầm diesel, 600 máy bay và trực thăng. Khoảng 900 tàu tuần tra nhỏ làm nhiệm vụ bảo vệ các vùng biên giới biển đảo của đất nước.

Lực lượng hạt nhân chiến lược được trang bị cho cả hải quân, không quân và lục quân.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc có khoảng 240 đầu đạn hạt nhân (180 đầu đạn trong số đó tham gia chiến đấu), trở thành kho vũ khí hạt nhân lớn thứ tư trên thế giới.

Các đầu đạn này được đặt trên tên lửa liên lục địa trên mặt đất và trên biển (có tới 6 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân).

Hàng không chiến lược gồm 80 máy bay ném bom được chế tạo dựa trên nguyên mẫu Tu-16 của Nga. Hiện nay, Trung Quốc đang tự mình hoàn thiện các lực lượng hạt nhân.

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc bị tụt hậu khoảng 15 năm so với các nước tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực cảnh báo sớm nguy hiểm, kiểm soát quân sự, chiến tranh điện tử và vũ khí có độ chính xác cao.

Mặc dù khai thác thành công công nghệ của phương Tây và Nga, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu các thiết bị quân sự.

Năm 2009 lượng máy móc, thiết bị Nga xuất sang Trung Quốc chiếm 9% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu cả nước, năm 2012 – là 12%.

Trung Quốc đạt được thành tựu đáng kể trong ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất xe bọc thép và hệ thống pháo binh. Nhưng các sản phẩm điện tử, hàng hải hay hàng không của Trung Quốc vẫn không thể cạnh tranh với Nga và phương Tây.

Vì vậy, Trung Quốc phải nhập khẩu các linh kiện quan trọng để hoàn thiện khâu sản xuất các sản phẩm trong nước.

Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Thủy thủ Trung Quốc dàn hàng trên boong tàu sân bay Liêu Ninh.
Thủy thủ Trung Quốc dàn hàng trên boong tàu sân bay Liêu Ninh.

Vào lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức 9 tháng 5 vừa qua, quân đội Nga tiến hành duyệt binh cùng quân đội Trung quốc trên Quảng trường Đỏ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ duyệt binh. Đây là câu trả lời rõ ràng nhất cho các nước phương Tây đang chống lại Nga và Trung Quốc.

Liên minh quân sự Nga – Trung: Thách thức thực sự cho Mỹ, phương Tây?

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội đàm, Bộ trưởng phát biểu:

“Mối quan hệ hợp tác chiến lược Nga  - Trung quốc đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình đã nói, dân tộc Nga và Trung Quốc phải kề vai sát cánh bảo vệ hòa bình thế giới. Nga hoàn toàn ủng hộ quan điểm này”.

Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov (áo đen)

Nga và Trung quốc mới đây đã tổ chức cuộc tập trận chung mang tên “Hợp tác trên biển 2015” tại Địa Trung Hải. Trung Quốc có 2 tàu chiến Lâm Nghi và Duy Phường tham gia tập trận.

Trung quốc cũng mời quân đội Nga tham gia diễu hành danh dự trong lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Thế giới II tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới.

Phương Tây đánh giá sự hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Trung Quốc là một thách thức mới cho trật tự thế giới và gần như làm suy yếu nền tảng văn minh Thế giới do tình hình căng thẳng ở Ukraine gần đây. Thực tế, mối quan hệ Nga – Trung mới nóng lên trong vài thập kỷ gần đây.

Hiện tại, Nga và Trung Quốc tổ chức các trận diễn tập hàng năm trên biển và đất liền, chuẩn bị hành động chung trong trường hợp tình hình khu vực Trung Á căng thẳng hơn.

Các trường quân sự Nga huấn luyện cho các quân nhân Trung Quốc, đào tạo thủy thủ lái tàu ngầm và tàu nổi, đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không cho Trung Quốc. Hai bên tăng cường trao đổi quân sự và các loại tàu chiến.

Quan hệ Nga – Trung dựa trên Hiệp ước láng giềng, thân thiện và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực cơ bản. Hiệp ước quy định, trường hợp có bất kỳ mối đe dọa nào về hòa bình hay xâm lược Moscow, Bắc Kinh, hai bên lập tức liên hệ và tiến hành tham vấn để loại bỏ các mối đe dọa này.

Hợp tác Nga – Trung trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự có quy mô lớn. Nga cung cấp cho Trung Quốc hàng trăm máy bay chiến đấu, trong đó có Su-27.

Nga còn cấp giấy phép sản xuất máy bay cho Trung quốc, tạo điều kiện thuận lợi để Trung quốc tự chế tạo các chiến đấu cơ cho tàu sân bay của mình. Thỏa thuận cung cấp chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 cho Trung quốc cũng được thực hiện.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc chưa tự sản xuất được động cơ máy bay hiện đại như Nga.

Tiêm kích Su-35 của Không quân Nga

Nga đã cung cấp cho Lực lượng phòng không Trung Quốc 15 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 Favorit.

Đến tháng 9 năm 2014, cả 2 bên lại ký kết hợp đồng. Nga sẽ cung cấp 4 hệ thống S-400 Triumf cho Trung quốc.

Ngoài ra, phòng không TQ còn được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm ngắn như "Tor", "Buk" và "Tunguska".

Bằng cách gián tiếp, Nga đã giúpTrung Quốc xây dựng các hạm đội hải quân. Trung Quốc đã mua siêu tuần dương hạm lớp "Varyag" chưa hoàn thành của Liên Xô, sau đó cải tạo nó thành tàu sân bay đầu tiên của mình mang tên Liêu Ninh.

Và máy bay chiến đấu J-15 ra đời phục vụ cho tàu sân bay Liêu Ninh. Trung Quốc còn mua 4 tàu ngầm diesel lớp Lada của Nga.

Loại tàu ngầm phi hạt nhân này có thể được trang bị thêm tên lửa "Club-S" để tấn công các tàu ngầm, các mục tiêu mặt đất và trên biển.

Nga đồng ý cùng Trung Quốc phát minh và chuyển giao công nghệ, trước hết là các loại máy bay trực thăng vận tải hạng nặng và thân rộng.

Hai bên đang có kế hoạch liên kết các lực lượng trong lĩnh vực chế tạo động cơ tên lửa và linh kiện điện tử, định vị vệ tinh, nghiên cứu, thăm dò mặt trăng và vũ trụ.

Quan hệ quân sự Nga – Trung đã phát triển từ trước khủng hoảng chính trị Ukraine. Nhưng thay vì quan hệ đối tác trước đó, hiện tại 2 nước là những đồng minh hoàn hảo.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc phòng STAR, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nga - ông Alexei Pushkov nói “Liên minh giữa Nga và Trung Quốc đang thực sự lớn mạnh. Đây là thách thức cho chính quyền Obama”.

Quân nhân Nga và Trung Quốc trong một lần tập trận hải quân chung

Tuy nhiên, cả Moscow và Bắc Kinh đều kiên quyết phủ nhận việc tạo lập khối quân sự mới giống như NATO.

Sự phối hợp hành động của Moscow và Bắc Kinh sẽ dẫn đến hình thành bức tường quân sự. Trung Quốc đang đầu tư gần 600 tỷ đô la trên toàn thế giới, lượng công dân Trung Quốc làm việc tại nước ngoài khoảng vài triệu người.

Trong trường hợp khó khăn, Nga sẽ chung tay giải quyết với Trung Quốc. Đến giờ, chỉ có người Mỹ có khả năng sử dụng vũ khí và sức mạnh toàn cầu. Nếu có lực lượng muốn phá vỡ sự độc tôn này, thì chính là Nga và Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại