Tham vọng của Ấn Độ ở gói thầu mua máy bay mới

Tuấn Sơn |

Mới đây, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố thông tin về khả năng mở gói thầu tìm đối tác nước ngoài hợp tác sản xuất 90 máy bay chiến đấu mới tại Ấn Độ.

Đây chính là gói thầu tiếp nối hợp đồng tìm mua 126 máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng trung (MMRCA) với hãng chế tạo hàng không Pháp Dassault Aviation vốn kết thúc không được như mong đợi của New Dehli.

Yêu cầu tiên quyết của Ấn Độ tại gói thầu mới là máy bay trúng thầu phải được lắp ráp tại Ấn Độ.

Nhưng các vấn đề về khả năng công nghệ của đối tác Ấn Độ, nhu cầu cấp bách tìm kiếm máy bay mới thay thế các đơn vị MiG-21, MiG-27 và Mirage-2000 cũ đang đặt gói thầu trên có thể rơi vào vết xe đổ như hợp đồng MMRCA.

“Câu cá to, cần có mồi béo”

Tương tự như hợp đồng MMRCA, khi mở gói thầu mới, phía Ấn Độ đưa ra các điều kiện hấp dẫn như mua ngay 90 máy bay mới, trong đó có 54 chiếc phiên bản một chỗ ngồi, 36 chiếc phiên bản hai chỗ ngồi và tùy chọn trong hợp đồng mua thêm tới 45 máy bay.

Chỉ cần tính toán sơ bộ, hợp đồng trên sẽ có giá trị nhiều tỷ USD và không thua kém gì hợp đồng MMRCA với trị giá ước tính ban đầu tới 12 tỷ USD.

Máy bay chiến đấu Rafale - sản phẩm từng được Ấn Độ kỳ vọng trong hợp đồng MMRCA.

Mục tiêu chính của Ấn Độ ở gói thầu tìm mua máy bay chiến đấu mới vẫn là mong muốn được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hàng không hiện đại thông qua hợp đồng cả gói giá trị lớn.

Đây cũng là bước đi hợp lý đối với các quốc gia “đi sau” trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng.

Bản thân các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển muốn giảm “gánh nặng” chi phí phát triển công nghệ quốc phòng thì phải tìm cách xuất khẩu vũ khí, chia sẻ công nghệ “ở mức cho phép” cho các quốc gia khác chịu bỏ tiền.

Đây là một phương thức giảm chi phí nghiên cứu và sản xuất vũ khí và đảm bảo có nguồn kinh phí để tái đầu tư phát triển công nghệ vũ khí mới.

Hiện tại, quá trình chuyển giao công nghệ giữa các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển thường được áp dụng theo phương thức hợp tác cùng phát triển.

Phương thức này cho phép kế thừa các lĩnh vực thế mạnh của hai bên để đưa ra sản phẩm vũ khí ưu việt nhất với chi phí thấp nhất.

Đối với trường hợp của Ấn Độ là một bên chia sẻ công nghệ, một bên có sẵn tài chính, nhân công để cùng hợp tác. Ấn Độ cũng mong muốn thực hiện điều này thông qua hợp đồng MMRCA, nhưng bất thành.

Rào cản công nghệ của phía Ấn Độ

Khoa học, kỹ thuật quân sự là lĩnh vực công nghệ đặc thù, muốn hấp thu được cần có nền tảng khoa học cơ bản đạt ngưỡng nhất định.

Nếu thiếu điều này, quốc gia được chuyển giao công nghệ sẽ không tiếp thu được công nghệ chuyển giao để áp dụng vào các sản phẩm quân sự nội địa, mà thậm chí là lệ thuộc công nghệ vào quốc gia xuất khẩu. Ấn Độ đã lâm vào tình huống trên ở hợp đồng MMRCA với Dassault (Pháp).

Tất cả mọi thủ tục về tài chính và công nghệ được hai bên thông qua, nhưng phía Pháp từ chối cấp chứng chỉ kiểm soát chất lượng cho các sản phẩm máy bay chiến đấu Rafale do đối tác Ấn Độ là công ty HAL lắp ráp.

Dassault có lý do cho điều này. Máy bay chiến đấu Rafale là sản phẩm hàng không quân sự châu Âu có độ tinh xảo và yêu cầu quản lý chất lượng nghiêm ngặt, trong khi HAL khó có thể đáp ứng được các điều kiện trên.

Phía Pháp cũng quan ngại việc nếu “làm ngơ” chứng thực cho sản phẩm lắp ráp tại Ấn Độ, trong quá trình sử dụng sau này, máy bay Rafale gặp trục trặc sẽ là tiền lệ và ấn tượng xấu đối với vũ khí, trang bị có nguồn gốc Pháp.

Những vấn đề trên đã đe dọa làm đổ vỡ hợp đồng MMCRA. Cuối cùng, Ấn Độ đã chọn giải pháp mua 36 máy bay Rafale nguyên chiếc sản xuất tại Pháp và mở thầu tìm đối tác mới.

Mặt khác, công ty HAL cũng có nhiều tai tiếng xấu biến “lợn lành thành lợn què” trong quá trình duy tu, bảo dưỡng các đơn vị máy bay chiến đấu của Ấn Độ.

Nhiều đơn vị máy bay MiG-21, MiG-27 và Su-30MKI đang hoạt động tốt, sau khi được HAL bảo dưỡng đã gặp nhiều vấn đề kỹ thuật, thậm chí là tai nạn.

Dù nhiều lý do được đưa ra để giải thích, nhưng không thể phủ nhận việc trình độ công nghệ của hãng chế tạo hàng không hàng đầu của Ấn Độ này cũng còn nhiều hạn chế.

Nếu Ấn Độ không đưa ra lời giải cho “bài toán" trên thì gói thầu tìm đối tác hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu mới dù có thêm nhiều điều kiện khắt khe cũng sẽ lại đi vào “vết xe đổ” như hợp đồng MMRCA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại