Tên lửa Spyder-SR che đầu để máy bay chiến đấu xuất kích thế nào?

Bình Nguyên - Huy Phong |

Trong tương lai, chắc chắn bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam sẽ phải đối mặt với các loại máy bay bay thấp, đánh lén, liệu tên lửa phòng không tầm ngắn Spyder-SR sẽ giúp được gì?

Spyder-SR có thể làm nhiệm vụ gì?

Thực tiễn chiến tranh cho thấy trước mỗi cuộc tập kích đường không, lực lượng máy bay tiêm kích của địch thường vào trước, bắn phá và khống chế khu vực đỉnh sân bay và 2 đầu loa cất hạ cánh để vô hiệu sân bay cũng như lực lượng không quân tiêm kích của ta.

Do vậy, trang bị tổ hợp Spyder-SR sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ đỉnh và 2 đầu loa sân bay căn cứ, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng không chống địch phong tỏa sân bay, tạo điều kiện cho các biên đội máy bay tiêm kích xuất kích chiến đấu.

Ngoài ra, Spyder-SR có thể làm tốt nhiệm vụ phục kích đánh mục tiêu bay thấp, đánh lén đột kích bất ngờ, xứng đáng là "móng tay nhọn" đối phó với "vỏ quýt" dày của đối phương.

Xe bệ phóng tên lửa Spyder-SR.

Xe bệ phóng tên lửa Spyder-SR. Ảnh: Militarytoday.com.

Spyder-SR thực hiện nhiệm vụ thế nào?

Spyder-SR có thể khai thác tình báo đường không từ mạng tình báo phòng không quốc gia, hoặc tự đảm bảo khi hoạt động tự lập và bán tự lập nhờ đài radar trinh sát EL/M-2106 gắn trên xe chỉ huy (CCU) và các đài radar quang điện tử TOPLITE gắn trên các xe phóng.

Đài radar quang điện tử đa kênh TOPLITE cung cấp nhiều chức năng khác nhau cho xe phóng (MFU), trong đó quan trọng nhất là trinh sát, phát hiện và bắt bám mục tiêu trong mọi điều kiện khí tượng, thời tiết để phục vụ tính toán ngắm bắn cho đạn tên lửa trên xe phóng.

Nó có khả năng trinh sát và bắt bám mục tiêu ngay cả khi xe phóng đang cơ động. Khối camera quang tuyến màu của đài TOPLITE có độ phân giải cao. Khối máy đo xa lade của đài sử dụng máy phát tia lade không gây hại cho mắt người.

Radar EL/M-2106 là khí tài trinh sát và chỉ thị mục tiêu chủ yếu của Spyder-SR, có khả năng phát hiện mục tiêu bay cỡ F-16 từ cự lý từ 70-110km, còn cự li phát hiện tối đa theo vạch cự li trên màn hiện sóng là 180km.

Nó có thể hoạt động độc lập trên cơ sở tình báo xa của các mạng tình báo đường không quốc gia, hoặc phối hợp với các đài radar cảnh giới khác trong mạng radar phòng không, cũng như liên kết tình báo nội mạng với các đài EL/M-2106 khác trong hệ thống.

Đài hoạt động trên băng sóng đề xi mét, ứng dụng công nghệ bán dẫn hoàn toàn cho các khối thu phát và công nghệ tạo, xử lý tín liệu kĩ thuật số, có thiết kế anten mảng pha quét điện tử chủ động đa chùm, tự động phát hiện, nhận dạng kiểu loại, phân biệt địch ta.

Nó có thể phát hiện mọi loại mục tiêu bay, bao gồm cả các mục tiêu khó phát hiện và bám sát như máy bay tiêm kích bay tầm thấp, trực thăng bay treo tại chỗ, phương tiện bay có hoặc không có người lái bay tốc độ chậm, tên lửa hành trình...

EL/M-2106 có khả năng phát hiện và quản lí đồng thời tới 100 mục tiêu qua chế độ bám sát điện tử trong vùng quét cảnh giới của đài (TWS = track-while-scan). Trong chế độ TWS, ăng ten của ra đa vẫn thực hiện chế độ quét tròn cảnh giới để phát hiện mục tiêu mới.

Một khi Spyder-SR phối hợp với Spyder-MR thì không một mục tiêu nào có thể thoát được.

Một khi Spyder-SR phối hợp với Spyder-MR thì không một mục tiêu nào có thể thoát được.

Đồng thời, máy tính sẽ quản lí các mục tiêu đã phát hiện được trước đó qua các tham số góc, cự li được cập nhật sau mỗi vòng quét, đồng thời tính toán tốc độ, hướng bay, độ cao, nhận diện kiểu loại nhờ thư viện tín hiệu số và phân biệt địch ta nhờ máy hỏi tích hợp.

Trên cơ sở tình báo mục tiêu do chế độ bám sát điện tử của radar cung cấp, máy tính của hệ thống chỉ huy tự động hoá trên xe chỉ huy sẽ đánh giá mức độ nguy hiểm của từng mục tiêu để ưu tiên xạ kích khi (các) mục tiêu này đi vào vùng diệt mục tiêu của xe phóng tương ứng.

Khi phân công và chỉ thị mục tiêu cần xạ kích cho xe phóng, xe chỉ huy của tổ hợp đồng thời tính toán luôn góc ngắm mục tiêu cho đài ra đa quang điện tử TOPLITE và bệ phóng để qua kênh quang điện tử xác nhận mục tiêu trước khi phóng.

Điều này cho phép sĩ quan chỉ huy và điều khiển bắn của phân đội có thể chỉ huy bắn ngay tại xe chỉ huy và tránh bắn nhầm, bắn lặp mục tiêu.

Xe chỉ huy chỉ thị mục tiêu cho xe phóng trong 2 chế độ phóng: phóng tự động hoá từ xe chỉ huy và phóng có xác nhận mục tiêu từ trắc thủ xe phóng.

Trong cả 2 chế độ phóng này, hệ thống chỉ huy tự động hoá trên xe chỉ huy sẽ truyền tình báo mục tiêu và dữ liệu ngắm bắn xuống xe phóng theo lệnh của chỉ huy phân đội hoặc lệnh tự động.

Tuỳ chế độ phóng, xe phóng sẽ gửi dữ liệu đồng bộ ngắm bắn và xác nhận mục tiêu qua mạch hồi tiếp vòng kín ở chế độ phóng tự động hoá hoặc qua mạch hồi tiếp vòng hở ở chế độ phóng có xác nhận của trắc thủ xe phóng.

Xe chỉ huy có thể đồng thời chỉ thị nhiều mục tiêu cho nhiều xe phóng trong tổ hợp, với cự li bố trí giữa xe CCU và các xe phóng lên tới 10km.

Với cự li và toạ độ 3D (kinh, vĩ và cao độ) của xe chỉ huy và các xe phóng được xác định từ khâu trinh sát trận địa trên cơ sở dữ liệu bình đồ ảnh số, việc chỉ thị mục tiêu và điều khiển ngắm bắn từ xa được thực hiện một cách chính xác, tự động và bí mật, an toàn.

Tóm lại, sự kết hợp giữa cả 2 phiên bản Spyder-SR và MR sẽ mang đến sức mạnh cho bộ đội phòng không của bất cứ quốc gia nào. Mỗi loại đều có ưu điểm riêng và khi hoạt động cùng nhau, chúng sẽ bổ trợ tốt hơn cho nhau rất nhiều.

Với Việt Nam, có lẽ cả 2 phiên bản này đều thích hợp bởi chúng phù hợp cả về con người lẫn hạ tầng cơ sở, giúp đưa Bộ đội tên lửa phòng không lên một tầm cao mới, đủ sức đánh bại bất kỳ cuộc tập kích đường không nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại