Theo thông tin từ Sputnik, trong số các quốc gia tỏ ý quan tâm đến tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm BrahMos do liên doanh Nga - Ấn Độ chế tạo thì Indonesia, Venezuela và Việt Nam được coi là những khách hàng tiềm năng nhất.
Tuy nhiên cả 3 nước trên vẫn chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm chứ chưa chính thức đặt mua sản phẩm, nguyên nhân được lý giải là do chưa có phương tiện mang phóng thích hợp.
Cụ thể, cả Việt Nam và Venezuela đều chưa có kế hoạch trang bị BrahMos cho tàu chiến mặt nước, Indonesia sau khi lắp thử tên lửa Yakhont (nguyên mẫu thiết kế của BrahMos) lên khinh hạm Oswald Siahaan thì cũng không có ý định tiếp tục triển khai trên các tàu khác.
Ngoài ra, hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam cũng đã đủ cơ số đạn tên lửa Yakhont. Bên cạnh đó, BrahMos lại không có khả năng tác chiến theo nhóm, vì vậy nếu bổ sung loại tên lửa này sẽ làm suy yếu sức chiến đấu của tổ hợp.
Tên lửa Yakhont được phóng đi từ khinh hạm Oswald Siahaan (F354) của Indonesia
Theo nhận định của một số chuyên gia quân sự, 3 nước trên thực chất là đang quan tâm đến phiên bản phóng từ trên không của tên lửa BrahMos.
Hiện tại, Ấn Độ đã chế tạo thành công biến thể BrahMos-A trang bị cho Su-30MKI, tuy nhiên do trọng lượng quá nặng, lên tới 2,5 tấn nên chỉ có các máy bay đã trải qua quá trình gia cố đặc biệt về khung sườn mới mang nổi.
Trong khi đó, loại tiêm kích mạnh nhất và có sức tải tốt nhất của 3 quốc gia trên là Su-30MK2 lại không thể vác quả đạn có trọng tải quá 1,5 tấn. Do vậy, tên lửa BrahMos sẽ không thể tích hợp vào loại máy bay chiến đấu đa năng này.
Sơ đồ bố trí vũ khí trên Su-30MK2, có thể thấy loại đạn nặng nhất nó mang được là bom KAB-1500KR
Tuy nhiên điều đó sẽ thay đổi khi phiên bản BrahMos-M chính thức đi vào phục vụ. Loại tên lửa này xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 4/2014, nó có trọng lượng khoảng 1,5 tấn, chiều dài ước chừng 6 m, đường kính thân đoạn lớn nhất khoảng 0,5 m.
BrahMos-M có thể đạt tốc độ gấp 3,5 lần vận tốc âm thanh, mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường nặng 200 - 300 kg, tầm bắn tối đa 290 km.
Tên lửa BrahMos-M (BrahMos mini) bên cạnh phiên bản tiêu chuẩn
Với trọng lượng như trên, Su-30MK2 có thể vác theo tới 3 quả tại các mấu cứng hạng nặng chính giữa thân, tạo ra sức mạnh hủy diệt cực lớn, chỉ cần 1 máy bay là đủ khả năng tiêu diệt bất cứ chiến hạm hiện đại nào.
Sau vụ thử thành công vào năm ngoái, dự kiến trong năm 2015, Ấn Độ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều vụ phóng thử BrahMos-M để nhanh chóng hoàn thiện tên lửa.
Khi phiên bản tên lửa diệt hạm BrahMos-M chính thức đi vào phục vụ, các máy bay Su-30MK2 của Không quân Việt Nam sẽ có thêm một vũ khí tấn công tầm xa cực kỳ lợi hại.
BrahMos-M kết hợp với biến thể BrahMos-A lắp trên Su-30SM (có thể mua) sẽ tạo ra bộ đôi "song sát" đủ sức nhấn chìm mọi tham vọng của các thế lực có ý định xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.