2 điểm yếu khiến "rồng lửa" Patriot chưa đánh đã loạn

Nhật Minh |

Các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Đức đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ bị hacker xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát.

Vụ tấn công xảy ra trên các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đặt gần biên giới Syria. Quân đội Đức bố trí các hệ thống này tại đây để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh cùng thuộc NATO.

Tờ The Local dẫn thông tin từ tạp chí Behörden Spiegel của Đức cho biết, các hệ thống Patriot đã thực hiện những mệnh lệnh bất thường nhưng không tiết lộ cụ thể về nội dung các mệnh lệnh này.

Tạp chí của Đức đặt nghi vấn về 2 điểm yếu trên hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà hacker có thể lợi dụng.

Một điểm yếu nằm ở thiết bị trao đổi thông tin thời gian thực giữa xe phóng tên lửa và hệ thống chỉ huy. Điểm yếu thứ 2 nằm ở một con chip máy tính kiểm soát hệ thống dẫn đường của tên lửa.

A Patriot missile battery

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot

Các hacker có lẽ đã xâm nhập bằng 2 cách khác nhau: chiếm quyền kiểm soát, vận hành hệ thống tên lửa và đánh cắp dữ liệu từ hệ thống.

Theo The Local, các hệ thống tên lửa Patriot được đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 1984 và tham chiến lần đầu tiên trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị các đồng minh NATO hỗ trợ an ninh, bằng cách bố trí các hệ thống tên lửa Patriot trên lãnh thổ nước này, sau khi cuộc nội chiến Syria lan tới gần biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Song, có vẻ các hệ thống Patriot chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi.

Tháng 3 năm nay, theo tờ Hurriyet Daily News, nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau khi các tổ hợp tên lửa Patriot do NATO bố trí tại 3 tỉnh thành của Thổ Nhĩ Kỳ không thể chặn được một tên lửa Syria bắn vào.

Đức cho biết họ cũng đang có kế hoạch thay thế Patriot bằng các hệ thống phòng không MEADS do nước này hợp tác với Mỹ và Italy chế tạo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại