Trong một bài viết đăng trên tạp chí IHS Aerospace Defense & Security, chuyên gia quân sự Edward Hunt cho hay: Được đưa vào hoạt động trong Không quân Mỹ vào năm 2005, F-22 Raptor đã đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên máy bay chiến đấu chiến thuật thế hệ thứ năm.
F-22 của Mỹ tiếp nhiên liệu trên không chuẩn bị không kích IS.
Đặc biệt, chuyên gia tin rằng trong tương lai gần, trên thị trường thế giới sẽ có sự hiện diện của các máy bay chiến đấu thế hệ năm F-35 Lightning II của Mỹ, Sukhoi T-50 của Nga và Thành Đô J-20 của Trung Quốc. Những loại chiến cơ này sẽ đem đến sức mạnh vượt trội cho những quốc gia sở hữu chúng.
Với những cải tiến mang tính cách mạng như khả năng giảm độ bộc lộ radar, hệ thống quan sát hồng ngoại, khả năng di chuển với tốc độ siêu thanh, các máy bay chiến đấu thế hệ 5 mang lại một sự tăng cường đáng kể cho bất cứ lực lượng không quân nào trên thế giới.
Tuy nhiên, theo phân tích của IHS, sự phát triển và triển khai các tiêm kích thế hệ 5 còn kéo theo nhiều loại chi phí khác nhau.
Các quốc gia với ngân sách quốc phòng hạn hẹp nên suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định mua những tiêm kích thế hệ mới này.
Có rất nhiều yếu tố quyết định quy mô thị trường và định hướng. Trong một số trường hợp, những loại máy bay cũ và rẻ hơn, bao gồm những mẫu được nâng cấp hay các loại phương tiện bay không người lái (UAV) có thể trở thành một sự lựa chọn hợp lý hơn.
Trên thực tế, những kỳ vọng cho việc mua bán tiêm kích thế hệ 5 đã suy giảm. Theo những dự đoán ban đầu, sẽ có khoảng 5.000 chiến đấu cơ thế hệ 5 được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, cho tới nay, chỉ có 430 chiếc, chưa đầy 1/10 con số kỳ vọng, được các quốc gia khác cam kết mua hoặc đã mua.
Chiến đấu cơ F-35B của Mỹ.
Theo Edward Hunt, máy bay chiến đấu thế hệ năm có những điểm nổi bật sau:
Tàng hình trước radar và cảm biến hồng ngoại;
Trang bị cảm biến tích hợp với radar với anten mảng pha tích cực theo từng giai đoạn;
Kết nối điện tử để trao đổi dữ liệu với các máy khác;
Tốc độ siêu âm;
Hệ thống điện tử và động cơ tiên tiến.
Tàng hình cơ thế hệ năm T-50 của Nga.
Theo dự báo mới nhất của IHS, Mỹ sẽ trang bị 2.616 máy bay chiến đấu thế năm, một lực lượng hỗn hợp gồm F-22 cho Không quân và F-35 với các biến thể khác nhau cho Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến (trước đây có thông tin cho rằng Lầu Năm Góc sẽ có tổng cộng 3.200 chiếc). Các nước Đồng minh NATO (Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada) sẽ mua hơn 600 chiếc F-35 trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc mua khoảng 300 chiếc.
Có thể, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ mua hơn 1.500 máy bay chiến đấu thế hệ năm để thay thế cho các tiêm kích Su-27, Su-30, MiG-29 và những máy bay đã lỗi thời khác. Trung Quốc có kế hoạch mua từ 200 đến 300 tiêm kích J-20 và hơn 400 J-31. Trong khi đó, Nga dự kiến đưa vào trang bị khoảng 200 tàng hình cơ T-50 PAK FA và hơn 300 máy bay chiến đấu để thay thế cho MiG-29.
J-20 Trung Quốc
Ngoài những chiến đấu cơ thế hệ năm kể trên, đến năm 2030, có thể các máy bay mới chẳng hạn như KF-X của Hàn Quốc và TF-X Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đưa vào sử dụng. Nhật Bản cũng đã có kế hoạch trang bị 40-50 máy bay thế hệ năm ATD-X Shinshin.
Xem thêm: [Video] F-35B và AV-8B tiếp dầu trên không
Xem F-35B và AV-8B tiếp dầu trên không