Mối đe dọa với tàu sân bay Mỹ
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 3/11, các quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ cho biết mặc dù tàu sân bay là “xương sống” để Mỹ duy trì sự hiện diện toàn cầu nhưng họ lại đang đứng trước nguy cơ không thể duy trì một hạm đội tàu sân bay đủ lớn.
Song, một bản báo cáo mới về tương lai của tàu sân bay chỉ ra rằng vấn đề mà Hải quân Mỹ gặp phải không chỉ đơn thuần nằm ở số tàu sân bay hay số máy bay triển khai trên những “sân bay di động” đó.
Theo chuyên gia hải quân Jerry Hendrix, tác giả bản báo cáo, Lầu Năm Góc đang đâm đầu phát triển một loại máy bay ôm đồm quá nhiều chức năng trong lúc các đối thủ của Mỹ đã phát kiến ra những công nghệ có thể đánh chìm tàu sân bay.
Điều đó có thể khiến những con tàu đắt đỏ trở nên không hiệu quả trong những năm tới.
Tàu sân bay Mỹ có thể trở nên không hiệu quả trong những năm tới.
Sự lớn mạnh của những cường quốc mới đang đe dọa buộc Hải quân Mỹ phải hoạt động xa bờ hơn, vượt quá tầm chiến đấu của các máy bay trên tàu sân bay. Điều này sẽ hạn chế khả năng triển khai lực lượng của Hải quân Mỹ, từ đó làm suy giảm uy tín của nước Mỹ.
Quyết định sai lầm của Mỹ
Hạm đội tàu sân bay cùng lực lượng không quân trên tàu được xem là nền tảng cho sức mạnh Hải quân Mỹ kể từ cuối Thế chiến 2.
Hơn 70 năm qua, Lầu Năm Góc đã mở rộng và nâng cấp hạm đội tàu sân bay, cùng các máy bay trên tàu. Khoản chi phí “khủng” (khoảng 12 tỷ USD mỗi tàu) đã cho phép Hải quân Mỹ triển khai sự hiện diện quân sự thường trực trên toàn cầu.
Tuy nhiên, bản báo cáo chỉ trích rằng, trong hơn 20 năm trở lại đây, Lầu Năm Góc đã có quyết định sai lầm.
Đó là ưu tiên phát triển máy bay tấn công hạng nhẹ, tầm ngắn, thay vì các máy bay có khả năng tấn công thọc sâu và tầm xa trong lúc một số quốc gia “không thân thiện” phát triển công nghệ tên lửa mới, có khả năng chống tàu.
Điều đó gây nguy hiểm cho những chiếc tàu của Mỹ.
“Khả năng triển khai sức mạnh tầm xa của những chiếc tàu sân bay ngày nay và lực lượng không quân trên tàu đã suy giảm, cho thấy những bài học lịch sử quan trọng đã bị lãng quên trong 25 năm qua” – Hendrix nhận định.
Tên lửa chống hạm đang là mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay Mỹ.
Theo bản báo cáo, thiệt hại 7 tàu sân bay trong Thế chiến 2 ban đầu đã thôi thúc Hải quân Mỹ ưu tiên phát triển loại máy bay có tầm hoạt động xa để tấn công các mục tiêu trên bộ và cho phép tàu sân bay duy trì khoảng cách an toàn với lãnh thổ của đối phương.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, ngưỡng cửa tiến vào các đại dương thế giới của Mỹ không còn bị “ngáng đường” và vì thế, hướng phát triển ngành hàng không đã tái chú trọng vào các loại máy bay tấn công hạng nhẹ, tầm ngắn trong hơn 2 thập kỷ qua.
Các máy bay tấn công hạng nhẹ, đa năng đang được sử dụng và phát triển thường có chi phí bảo trì thấp hơn và chúng có thể được triển khai từ tàu sân bay với tốc độ nhanh hơn so với loại máy bay tầm xa chuyên dụng trước đây.
Hendrix cho biết, Hải quân Mỹ và lực lượng không quân trên tàu phần lớn vẫn được nhìn nhận là lực lượng mạnh nhất trên thế giới.
Song, những thay đổi trong năng lực của chúng khi các cường quốc mới đang phát triển lớn mạnh, đặc biệt là Trung Quốc và tên lửa “sát thủ tàu sân bay” tầm xa, có thể gây trở ngại cho các hạm đội tàu sân bay của Mỹ.
Nhân lúc Mỹ quyết định từ bỏ khả năng tấn công tầm xa và thọc sâu, những tên lửa này đã buộc các con tàu và máy bay chiến đấu của Mỹ phải tác chiến xa hơn tầm hoạt động cho phép của chúng.
Điều đó sẽ làm giảm khả năng của Mỹ trong việc triển khai lực lượng và suy tính những chiến lược “lật đổ” đã chi phối nhiều cuộc chiến tranh hiện đại của Mỹ.
Hải quân Mỹ đang thiếu các máy bay có khả năng hoạt động tầm xa.
Theo Hendrix, Nga, Triều Tiên và Iran cũng đang đầu tư phát triển công nghệ tên lửa chống hạm tương tự để tái áp đặt các vùng lãnh hải từng tồn tại nhiều thập kỷ trước khi Liên Xô sụp đổ.
Song, Hải quân Mỹ cho biết họ tin tưởng vào khả năng của lực lượng không quân trên hạm và các tàu sân bay vẫn sẽ là lực lượng thiết yếu, bất chấp nỗ lực của các quốc gia đối địch.
Người phát ngôn của Hải quân Mỹ William Marks nói với hãng tin CNN: “Tàu sân bay là lực lượng duy nhất đủ khả năng thực thi các chiến dịch quân sự cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Hải quân Mỹ vẫn cam kết duy trì hạm đội tàu sân bay và lực lượng không quân trên hạm, mang lại cho các chỉ huy khả năng phản ứng và linh hoạt không gì bằng trong hàng loạt quyết định quân sự”.
Để đối phó với mối đe doạ ngày càng tăng từ tên lửa chống hạm tiên tiến, Hải quân Mỹ đã tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại trên các tàu khu trục và tàu tuần dương mới nhất của nước này.
Đồng thời, họ hiện đại hóa các chiến hạm và máy bay chiến đấu bằng các cảm biến và hệ thống chỉ thị mục tiêu cho phép chỉ huy, phi công và kíp thủy thủ chia sẻ dữ liệu với nhau trong thời gian thực.
Marks cho biết, những hệ thống này cho phép phát hiện, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu đang tiến đến từ khoảng cách hàng trăm km ngoài đường chân trời.
Tuy nhiên, chuyên gia Hendrix cho rằng, nâng cấp năng lực phòng thủ là chưa đủ.
Theo Hendrix, Hải quân Mỹ nên đánh giá lại các loại máy bay mà họ đang có kế hoạch mua và khôi phục thêm sự cân bằng cho lực lượng không quân trên hạm, bằng cách đầu tư vào các loại máy bay thay thế có tầm hoạt động xa hơn.
Một bản báo cáo khác gần đây của Viện Hudson cũng chỉ ra rằng Hải quân Mỹ cần tăng cường phạm vi tấn công của các máy bay để bảo vệ tàu sân bay trong môi trường tác chiến ngày càng nguy hiểm.
Dakota Wood, người phục vụ trong lực lượng Thuỷ quân lục chiến Mỹ đồng thời là một chuyên gia của Tổ chức Heritage Foundation, đã nhất trí với sự đánh giá của Hendrix.
Theo ông Wood, Hải quân Mỹ phải điều chỉnh tư duy về tàu sân bay khi năng lực chống hạm ngày của các quốc gia đối địch được cải thiện.
Song, chuyên gia này cho rằng, có phần hấp tấp nếu cho rằng tàu sân bay không còn tồn tại được, bởi hiện nay mới chỉ có một số quốc gia sở hữu các hệ thống vũ khí đủ chính xác để trở thành mối đe doạ chết người với các hạm đội tàu sân bay.