Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đăng bài viết cho hay: Khi những nguyên thủ, cựu lãnh đạo các quốc gia, như ông Bill Clinton, có chuyến thăm Đài Loan, họ thường ở trong Grand Hotel tại Đài Bắc, một khách sạn tráng lệ với kiến trúc kiểu Trung Hoa truyền thống nằm trên đỉnh núi Yuan. Với góc nhìn toàn cảnh ra bờ sông và hồ bơi thơ mộng, những thượng khách tại đây có thể tưởng tượng mình đang ở tại một chốn rất yên bình.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay bên dưới chân họ là một trung tâm chỉ huy ngầm không lồ. Đây là nơi những lãnh đạo cấp cao của Đài Loan sẽ chỉ huy toàn bộ lực lượng vũ trang của hòn đảo trong trường hợp có chiến tranh với Trung Quốc. Và đây chỉ là 1 trong số nhiều cơ sở quân sự bí mật khác tại hòn đảo này, chúng cho thấy sức mạnh phòng thủ của Đài Loan thực sự mạnh hơn nhiều so với những gì công chúng thường nghĩ.
Có tên chính thức là Trung tâm chỉ huy 3 quân chủng Hengshan, công trình ngầm này được xây dựng nhằm đối phó với kho tên lửa đạn đạo khổng lồ của Trung Quốc, cho phép các quan chức chính phủ Đài Loan, cùng với hàng nghìn quân nhân, có thể sống và công tác trong nhiều tháng, bất chấp các cuộc không kích của Trung Quốc.
Sở chỉ huy này được kết nối với một mạng lưới nhiều cơ sở quân sự dưới lòng đất khác tại Đài Loan, và những đảo tiền tiêu, cũng như Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii. Hengshan có thể được xem là phủ tổng thống thời chiến của Đài Loan. Vì tầm quan trọng của nó, quân chủng tên lửa chiến lược của Trung Quốc từng tập trận giả định một vụ tấn công vào những cây cầu trên đường từ sở chỉ huy đến phủ tổng thống.
Nằm ở phía kia của thành phố, sâu bên trong một núi đá gần Đại học quốc gia Đài Loan là một tổ hợp quân sự ngầm khác, Trung tâm chỉ huy tác chiến phòng không. Thường được gọi bằng cái tên ‘Núi Cóc’, đây là nơi điều hành một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới. Xử lý một lượng thông tin khổng lồ từ các máy bay cảnh báo trên không, radar tầm xa, vệ tinh và máy bay không người lái, trung tâm chỉ huy ‘Núi Cóc’ chịu trách nhiệm bảo vệ không phận Đài Loan, điều động máy bay đánh chặn hoặc tên lửa phòng không để xử lý những tình huống xâm nhập. Cũng như mọi cơ sở quân sự quan trọng khác tại hòn đảo này, ‘Núi Cóc’ có vài sở chỉ huy dự phòng.
Một trong những cơ sở dự phòng nằm bên trong một ngọn núi ở phía đông hòn đảo, gần một hẻm núi đá cẩm thạch trắng, một địa điểm thu hút nhiều du khách nhưng tất nhiên, không ai được phép vào tham quan căn cứ ngầm trị giá hàng tỷ USD này. Theo lời một nhân chứng thì căn cứ này giống như một thành phố quân sự bên trong lòng ngọn núi. Không chỉ có đủ không gian để chứa và sửa chữa hơn 200 chiến đấu cơ, nó còn có một quân y viện, trạm tiếp nhiên liệu phản lực. Máy bay từ bên trong có thể di chuyển ra các đường băng bên ngoài thông qua 1 đường dẫn ngầm có 10 cửa kháng nổ. Bản thân đường dẫn ngầm cũng có thể đóng vai trò là đường băng.
Cách đó 150 km, cũng trên bờ biển phía đông hòn đảo, là Thạch Sơn, một tổ hợp quân sự dưới lòng đất khác, tuy nhỏ hơn những nó vẫn có thể chứa 80 chiến đấu cơ. Cả 2 căn cứ này còn có lợi thế chiến lược nhờ vào vị trí địa lý. Chúng nằm ở sườn bên kia của Ngọc Sơn, dãy núi cao nhất khu vực Đông Á. Tên lửa bắn đi từ Trung Quốc đại lục sẽ lao vào sườn bên kia của dãy núi mà không thể chạm tới những căn cứ này.
Vì lí do này mà Đài Loan rất thường xuyên diễn tập phân tán chiến đấu cơ từ các căn cứ ở phía tây, có thể bị tấn công, sang phía đông. Các đơn vị cũng thường xuyên hoán đổi nơi đóng quân, máy bay giả được đặt trên các đường băng và hầm chứa, nhằm gây khó khăn cho tình báo Trung Quốc.
Ngoài ra, để đối phó với đòn tấn công phủ đầu của Trung Quốc, không quân Đài Loan còn có kế hoạch sử dụng 5 tuyến đường cao tốc để máy bay có thể cất, hạ cánh, trang bị vũ khí, trong trường hợp các sân bay gần đó bị vô hiệu hóa. Bên cạnh đó, mỗi sân bay còn có lực lượng công binh hùng hậu. Không quân Israel từng giữ kỷ lục thế giới về thời gian sửa chữa đường băng bị hư hỏng vì hỏa lực đối phương. Nhưng đầu năm nay, Đài Loan đã giành được vị trí quán quân với cách biệt 1 giờ.
Phải đối mặt với mối đe dọa tồn vong từ một đối phương lớn mạnh hơn nhiều, đây chỉ là một số ví dụ cho thấy cách mà quân đội Đài Loan dùng chất lượng để bù trừ cho sự thất thế về số lượng. Sự thành bại của họ trong trường hợp nổ ra chiến tranh sẽ cực kỳ quan trọng đối với Mỹ và tương lai của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nếu xem cuộc xung đột chính của thế kỷ này là giữa Trung Quốc và Mỹ để kiểm soát Thái Bình Dương thì Đài Loan sẽ đóng vai trò trung tâm. Chỉ cần nhìn vào vị trí của hòn đảo trên bản đồ là ta có thể hiểu tại sao. Đài Loan nằm giữa Biển Đông và biển Hoa Đông, nằm gần tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới. Không chỉ tối cần thiết để ngăn hải quân Trung Quốc vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất và bảo vệ Nhật Bản, Philippines khỏi nguy cơ bị phong tỏa, Đài Loan còn là tiền đồn trong tác chiến phòng không.
Tên lửa từ Trung Quốc nếu nhắm bắn hạm đội Mỹ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương hay căn cứ Andersen ở Guam thì phải bay ngang không phận Đài Loan. Do đó, hòn đảo này có thể đóng vai trò là lá chắn trên không cho lực lượng Mỹ, nếu được vũ trang thích hợp.
Vai trò này được thể hiện ngoài dự kiến vào năm 2012, khi Bắc Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm xa vào khu vực biển Philippines. Hệ thống radar siêu cao tần mới của Đài Loan có thể theo dõi tên lửa và giúp tăng thời gian cảnh báo sớm của tàu chiến Mỹ và Nhật Bản thêm 120 giây, một khoảng thời gian rất lớn trong tác chiến phòng thủ chống tên lửa.
Trung Quốc xem Đài Loan là một trong những mối đe dọa chính từ bên ngoài. Chiến lược đối phó của Bắc Kinh kết hợp các biện pháp đe dọa và hợp tác để cách ly và khuất phục Đài Loan. Trong đó biện pháp nổi bật nhất là xây dựng một kho tên lửa khổng lồ nhằm đe dọa người dân Đài Loan và tác động đến chính sách của Mỹ.
Nhưng nếu không thể làm chủ trên không thì mọi chiến dịch đổ bộ hay phong tỏa hàng hải của Trung Quốc đều trở nên bất khả thi. Đây có thể là lí do vì sao cơ cấu lực lượng đổ bộ của Trung Quốc đã không tăng thêm kể từ 2007.
Tuy vậy, mối đe dọa từ trên không cho Đài Loan, cũng như Mỹ, là có thật và ngày càng nghiêm trọng. Quân chủng tên lửa chiến lược Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm những đầu đạn tên lửa chuyên dùng để tấn công sân bay, chứa nhiều đầu đạn con có khả năng xuyên phá. Cùng lúc đó, Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục 2 đời Tổng thống Mỹ và 3 đời Tổng thống Pháp không bán chiến đấu cơ cho Đài Loan, khiến cho lực lượng không quân tại đây ngày càng lạc hậu hơn.
Không có những chiến đấu cơ mới, Đài Loan có thể phải thất thế trong không chiến, cho dù phi công của họ được huấn luyện tốt hơn nhiều so với phi công Trung Quốc. Chất lượng tuy quan trọng, nhưng số lượng cũng quan trọng không kém. Dẫu vậy, chính quyền đảo Đài Loan đã thực hiện những biện pháp khác nhằm vô hiệu hóa ưu thế số lượng tên lửa và máy bay của Trung Quốc. Đài Loan có thể không làm chủ được bầu trời khi có chiến tranh, nhưng họ cũng có thể ngăn Trung Quốc làm điều tương tự. Bảo toàn lực lượng trước mưa tên lửa từ đại lục và không cho máy bay Trung Quốc hoạt động tự do là cách Đài Loan đối phó với nguy cơ chiến tranh từ Trung Quốc.