Pháp có thể không bao giờ chuyển giao tàu Mistral cho Nga

Vy Lam |

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho hay, Pháp có thể không bao giờ chuyển giao 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral cho Nga.

Tờ France 24 đưa tin, phát biểu trên kênh truyền hình BFM TV của Pháp hôm thứ Sáu (5/12), ông Le Drian cho rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại miền đông Ukraine đã dẫn tới thế bế tắc hiện nay.

"Chúng tôi không thể nghĩ tới việc chuyển giao tàu trong tình hình căng thẳng mà chính bản thân chúng tôi cũng đang bị vướng vào", ông Le Drian nói.

"Chúng tôi có thể không bao giờ chuyển giao các con tàu, người Nga cần nhận thức rõ tình cảnh này" - ông Le Drian nhấn mạnh.

Tháng trước, Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố đình chỉ vô thời hạn việc chuyển giao tàu Vladivostok, chiếc đầu tiên trong số 2 tàu Mistral mà Pháp đóng cho Nga.

Lý do mà ông Hollande đưa ra cũng là “tình hình ở miền Đông Ukraine hiện tại” chưa cho phép.

Trước tuyên bố này của Tổng thống Pháp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho hay Nga tạm thời không có kế hoạch kiện Pháp.

“Chúng tôi không có kế hoạch kiện tụng gì vào lúc này. Mọi thứ đã được quy định trong hợp đồng và chúng tôi tuân thủ hợp đồng, như mọi người văn minh luôn làm” – ông nói.

Tuy nhiên, ông Borisov vẫn cảnh báo rằng sẽ kiện Pháp nếu họ thực sự không chịu giao tàu.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố Pháp có thể không bao giờ chuyển giao tàu Mistral cho Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố Pháp có thể không bao giờ chuyển giao tàu Mistral cho Nga

Theo tờ Le Figaro (Pháp), hợp đồng Pháp - Nga tuy chưa bị hủy bỏ nhưng việc đình hoãn bàn giao tàu vô thời hạn có thể tạo ra một nguy cơ tranh chấp kéo dài và tốn kém giữa hai bên.

Tuy nhiên, nguy cơ trực tiếp vẫn là các nhà thầu Pháp.

Le Figaro cho biết, thực tế không phải hai mà là ba công ty liên quan trực tiếp đến hợp đồng đóng các tàu Mistral cho Nga:

STX France có phần hợp đồng là 660 triệu euro, DCNS 430 triệu và NAVFCO (thuộc tập đoàn Tư vấn Quốc phòng Quốc tế Pháp - DCI) được trả 30 triệu với phần trách nhiệm chính là đào tạo các đơn vị hải quân Nga liên quan hai tàu nói trên.

Đối với DCNS, một tập đoàn mà Nhà nước Pháp nắm giữ hai phần ba cổ phần, được mất ở đây còn lớn hơn.

Hợp đồng 1,2 tỷ euro được bảo lãnh bởi Coface, một công ty chuyên bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Trong trường hợp hợp đồng bị trục trặc, các khoản phạt mà Coface áp dụng cho DCNS sẽ lên đến 20% tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu, tức là khoảng 240 triệu euro.

Khoản phạt này còn lớn hơn cả kết quả kinh doanh của DCNS vốn chỉ đạt 166 triệu euro năm 2013.

Tồi tệ hơn, nếu hồ sơ tranh chấp được đưa ra phán xử tại một tòa trọng tài, các khoản nộp phạt chắc chắn sẽ đội lên hơn một tỷ euro.

Còn một tổn thất nữa chưa thể xác định, đó là việc hiện nay, trong thời gian mòn mỏi chờ đợi lệnh bàn giao sản phẩm đầu tiên, DCNS sẽ phải chịu phí tổn cho việc bảo trì tàu Vladivostok trên cảng.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại