Ông và đồng đội đã lập nhiều chiến công xuất sắc với nhiều trận đánh nổi tiếng, được coi như thần kỳ...
Lập công kỷ niệm chiến thắng trận đầu
Hưởng ứng thi đua lập công kỷ niệm 3 năm Ngày Quân chủng Hải quân đánh thắng trận đầu (2 và 5-8-1964), Đội trưởng Đội 1 Mai Năng nhận lệnh chỉ huy hai tổ chiến đấu.
Tổ 1 do ông Tình, Độ, Tâm đánh tàu vận tải LST 5.800 tấn đang dỡ hàng ở cảng Cửa Việt; Tổ 2 có nhiệm vụ đánh sập cầu Đông Hà.
Ông Tình được giao phụ trách đội hình, vừa trinh sát vừa chỉ huy Tổ 2. Ông dẫn đội hình vượt qua mấy ổ phục kích của địch đến địa bàn nắm tình hình lần cuối cùng trước khi xuống nước.
Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình (tháng 12-2014).
Đã thống nhất ám hiệu: Nếu đèn dầu thắp sáng tức là trong nhà có địch; không thắp đèn là an toàn. Ông Tình và Độ, Tâm lợi dụng địa hình tiếp cận nhà cơ sở.
Ven đường làng có nhiều bụi tre, ông Tình quan sát từ hàng rào, tiếp là vườn cây, rồi sân nhà, thấy ngọn đèn dầu để trên cao; trước cửa nhà có một người cao gầy, đội mũ lưỡi trai, mặc quân phục ngắn tay đang trao đổi với một người thấp...
Ông đoán là tên Mỹ và tên ngụy... Khẳng định trong nhà có địch, ông ra ám hiệu báo cho Độ và Tâm, rồi quay người ra, ông thấy một vật sáng lờ mờ trước mặt, nhẹ nhàng để tay vào vật sáng đó, bất ngờ một bàn tay to tóm chặt lấy tay ông.
Bình tĩnh để nguyên tay cho nó nắm, ông nói giọng Nam Bộ: "Gác lạnh quá, anh Hai cho xin điếu thuốc hút coi”.
Tên địch hất tay ông Tình ra, giọng ngái ngủ: "Thuốc men gì cha nội, để tao ngủ, mệt thấy bà...”, rồi hắn ném bao thuốc lá “bụp” một cái, ông Tình bắt được, bình tĩnh lấy bật lửa châm thuốc hút.
Ông kéo sụp mũ xuống mặt, tranh thủ ánh sáng ngọn lửa châm thuốc, liếc nhanh quan sát, thấy dọc theo các bụi tre có rất đông địch mắc võng ngủ. Bình tĩnh đưa điếu thuốc vừa châm cho Độ và Tâm, rồi ra hiệu “cứ nghênh ngang bước ra xa”.
Đến đầu vườn thấy hai tên lính đứng gác, ông lại ra hiệu cho hai đồng đội “cứ đàng hoàng, vừa đi, vừa hút thuốc như lính đi tuần”.
Khi khuất hai tên lính gác đó, ông ra hiệu tắt thuốc, trườn nhanh xuống ruộng, bò ra bãi tha ma; gặp Đội trưởng Mai Năng và đội hình đang chờ ở đó, nhanh chóng cơ động sang làng khác.
Sau này, cơ sở báo: "Hôm đó, một tiểu đoàn ngụy đi càn về nghỉ tại làng”...
Hôm sau, đêm 4, rạng sáng 5-8-1967, cơ sở báo tin: “Có địch phục kích”. Đội trưởng Mai Năng quyết định: Tổ 1 rút về cứ, không đánh cầu Đông Hà nữa; Tổ 2 bổ sung thêm lực lượng do ông Tình chỉ huy tiếp tục thực hiện trận đánh.
Vượt sông lên đất Triệu Phong, ém quân bí mật chờ đến đêm thì đội hình trườn xuống nước. Mục tiêu gần cảng Đông Hà. Xung quanh khu vực đó, địch bố phòng dày đặc, gắt gao.
Ông Tình quan sát thấy, cứ 15 phút địch lại ném lựu đạn và nhả đạn xuống xung quanh tàu, khởi động máy tàu tốc độ cao để chân vịt quay thật nhanh nhằm cuốn đặc công vào chân vịt...
Ông ra hiệu chuẩn bị sẵn sàng, ngay sau khi địch hoạt động theo quy luật thì đặc công xuất phát, bơi ngược dòng nước, đánh lạc hướng địch, vì chúng thường hay cảnh giác đặc công bơi xuôi dòng nước.
Độ và Tâm đặt mìn ở thân tàu; ông Tình trực tiếp đặt mìn phá khoang máy, nơi hiểm yếu nhất. Hẹn giờ, điểm hỏa xong, ông lặn một hơi ra đến giữa dòng sông là điểm tập kết, chờ đủ quân số rồi cùng bơi về cứ an toàn.
15 phút sau, từ phía con tàu ở cảng Đông Hà, 3 tiếng nổ dữ dội cùng lúc nhấn chìm hoàn toàn con tàu vận tải LCU của Mỹ.
Phân đội chiến đấu do ông Tình chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lập công để kỷ niệm chiến thắng trận đầu của Quân chủng Hải quân.
Mở 18 km đường biển
Sau cuộc Tổng tiến công đợt 2 năm 1968, chỉ với 20 km bờ biển từ Cửa Việt đến Đông Hà, Mỹ bị đánh chìm nhiều tàu, tổn thất nặng nề nên chúng ráo riết tăng cường bố phòng cẩn mật trên biển, trên không, trên bộ; bịt đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam...
Trước tình hình đó, Đội 1 nhận lệnh đánh một trận quyết định giải phóng khu vực biển Cửa Việt, chi viện cho Khe Sanh, Quảng Trị...
Ông Tình, khi đó là Phân đội trưởng, phụ trách Phân đội trinh sát và thực hiện nhiệm vụ thả thủy lôi ở Cửa Việt.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng chiến đấu viên Nguyễn Văn Tình (bên trái) nhân dịp đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1969. Ảnh tư liệu.
Chuẩn bị cho kế hoạch thả thủy lôi, ông Tình phải trinh sát, nghiên cứu, nắm chắc quy luật hoạt động của tàu địch. Ba ngày đêm khi ngụp lặn dưới biển, khi lên bờ chôn mình dưới cát bỏng, chờ thời cơ thuận lợi lại xuống biển.
Ông đã tìm ra con đường vận chuyển vũ khí dưới nước dài 18 km từ Cửa Tùng đến Cửa Việt để đánh tàu địch và nắm chắc thủ đoạn mới của chúng hòng ngăn chặn bộ đội đặc công tiếp cận tàu.
Sau khi trinh sát kỹ, ông Tình chỉ huy đội hình kéo ba quả thủy lôi, mỗi quả nặng hơn 500 kg cùng lỉnh kỉnh các trang bị của đặc công, lợi dụng đêm tối trườn xuống biển.
Ông cùng đồng đội vượt qua Cửa Tùng đến Cửa Việt qua bao tình huống nguy hiểm, phòng thủ dày đặc của địch cả trên bờ, trên biển, trên không.
Đêm đầu tiên kéo thủy lôi đến vị trí đã định, ông Tình lệnh cho đội hình tiến hành xì hơi phao, tháo vũ khí, chôn, đánh dấu rồi trườn lên bờ vùi mình dưới cát trắng chờ thời cơ lại xuống nước, tìm vũ khí...
Ông Tình cho biết, mấy ngày đêm ngâm mình dưới nước, cả ngày nằm dưới cát trắng bỏng rát... cũng không thấy vất vả, lo lắng, công phu bằng khi lặn xuống biển tìm thủy lôi, kéo lên gần bờ, vừa nằm vừa lắp ráp vũ khí.
Khó nhất là khi nằm dưới nước, ghé miệng lên cao để thổi phao dài hơn 2 m, sao cho vừa bí mật lại vừa đủ áp suất để thủy lôi “bơi” theo sự hướng dẫn của đặc công, không nổi lên cao quá, dễ bị lộ; bơm phao không đủ áp suất thì thủy lôi “không chịu đi”...
Đêm đầu tiên đó, khi vừa lắp ráp vũ khí xong thì pháo địch từ ngoài khu trục bắn vào bờ như vãi đạn. Lúc đó, chỉ cần một mảnh nhỏ rơi trúng thủy lôi thì hậu quả thật khôn lường.
Nhưng may mắn, hôm đó, địch chỉ bắn pháo theo quy luật chứ không phải đội hình bị lộ. Đội hình an toàn. Sau ba ngày đêm bơi theo 18 km dưới biển, cả ba quả thủy lôi thả trên vùng biển Cửa Việt đã đánh chìm ba tàu chiến của Mỹ.
Trận đánh mở đường đó thành công ngoài dự kiến; khai thông đường tiếp tế chi viện cho chiến trường miền Nam, giải phóng Khe Sanh, làm bàn đạp cho bộ đội chủ lực hành tiến.