Những tiêm kích cánh cụp cánh xòe mạnh nhất thế giới

Tuấn Trung |

Mặc dù thời hoàng kim của tiêm kích cánh cụp cánh xòe đã qua từ lâu nhưng dự kiến đôi cánh có khả năng biến đổi hình dạng sẽ còn hiện diện trên bầu trời thêm nhiều năm nữa.

Dưới đây là 3 mẫu tiêm kích cánh cụp cánh xòe nổi bật trong lịch sử hàng không quân sự.

1. F-14 Tomcat

Grumman F-14 Tomcat (mèo đực) là một loại máy bay tiêm kích siêu âm cánh cụp cánh xòe 2 động cơ 2 chỗ ngồi, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 21/12/1970.

F-14 có chiều dài 18,6 m; sải cánh 19/ 11,4 m khi cụp/ xòe; chiều cao 4,8 m; trọng lượng rỗng 19.000 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 32.805 kg.

Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực General Electric F110-GE-400, lực đẩy 72 kN (126 kN khi bật tăng lực), cho tốc độ tối đa 2.485 km/h; tầm bay 927 km; trần bay 16.000 m; tải trọng vũ khí 5.900 kg gồm 1 pháo M61 Vulcan 20 mm và các loại bom, tên lửa.

Tiêm kích F-14 của Hải quân Mỹ

F-14 được Hải quân Mỹ nghiên cứu để thay thế cho F-111B vốn là một đề xuất không hiệu quả cho dự án Tactical Fighter Experimental (TFX). Họ đã rút khỏi chương trình này vào tháng 8/1968 do thấy rằng F-111 quá nặng để sử dụng trên tàu tàu sân bay.

F-14 chính thức gia nhập Hải quân Mỹ vào năm 1972, trong suốt hơn 40 năm phục vụ nó đã thể hiện là một tiêm kích đánh chặn có ưu thế vượt trội.

Máy bay được tích hợp một cánh cụp cánh xòe có thể điều khiển bằng tay bởi phi công hoặc tự động thay đổi theo tốc độ của máy bay.

Đôi cánh di chuyển về phía trước để cho phép F-14 hạ cánh trên boong tàu sân bay tương đối nhỏ ở tốc độ thấp và gập lại phía sau khi hoạt động ở tốc độ lớn.

Mặc dù là một mẫu tiêm kích thành công nhưng F-14 cũng được ghi nhận là máy bay đánh chặn đắt nhất từng hoạt động trong quân đội Mỹ.

Tiêm kích F-14 của Không quân Iran

Có tất cả 712 chiếc F-14 các phiên bản đã được chế tạo, trong đó có 80 chiếc sản xuất để bán cho Không quân Hoàng gia Iran (79 chiếc đã chuyển giao) dưới thời kỳ cầm quyền của nhà vua Mohammad Reza Pahlavi.

Sau khi F-14 được Hải quân Mỹ cho nghỉ hưu vào năm 2006, Iran đã trở thành quốc gia duy nhất còn vận hành những chiếc tiêm kích cánh cụp cánh xòe này.

Thách thức phải duy trì hoạt động số F-14 Tomcat còn lại trong tình cảnh chịu lệnh cấm vận của Mỹ khiến nguồn cung phụ tùng và vũ khí bị cắt đứt hoàn toàn thực sự là một bài toán cực kỳ nan giải với Không quân Iran.

F-14 của Iran mang tên lửa không đối không R-77 do Nga sản xuất

Bên cạnh việc nỗ lực tự nghiên cứu sản xuất trong nước các phụ tùng thiết yếu, gần đây F-14 của Iran còn được hiện đại hóa bằng các thiết bị điện tử hàng không thế hệ mới của Trung Quốc.

Đặc biệt, sự sáng tạo tài tình của các kỹ sư Iran đã cho phép chiếc tiêm kích Mỹ này sử dụng cả các loại vũ khí do Nga sản xuất.

Nếu Mỹ hay Israel có ý định mở cuộc tập kích bằng không quân vào Iran thì những chiếc tiêm kích cánh cụp cánh xòe F-14 này sẽ là một đối thủ cực lớn mà họ phải tìm cách vượt qua.

2. Panavia Tornado

Panavia Tornado là loại chiến đấu cơ cánh cụp cánh xòe do liên doanh Anh, Đức và Italy sản xuất, Tornado thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 14/9/1974.

Tiêm kích Tornado IDS của Không quân Đức

Ban đầu Tornado được thiết kế với vai trò máy bay cường kích siêu âm tấn công mặt đất ở độ cao thấp, có khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn.

Tuy nhiên sau đó máy bay đã được phát triển thành 3 phiên bản chính gồm: Tiêm kích đánh chặn Tornado ADV (Air Defense Variant); Tiêm kích đa năng Tornado IDS (Interdictor/ Strike) và phiên bản chế áp phòng không Tornado ECR (Electronic Combat/ Reconnaissance).

Tiêm kích Tornado ADV của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia

Hiện tại Không quân Hoàng gia Anh đang duy trì hoạt động 35 chiếc Tornado ADV F3 cùng 108 chiếc Tornado IDS (86 chiếc GR4 và 22 chiếc GR4A).

Anh đã bán cho Không quân Hoàng gia Saudi Arabia tất cả 84 chiếc Tornado ADV F3 và Tornado IDS, chúng đang được thay thế bởi tiêm kích Eurofighter Typhoon hiện đại hơn.

Ngoài ra, trong biên chế Không quân Italy đang có 59 chiếc Tornado IDS và 15 chiếc Tornado ECR, con số này ở Không quân Đức lần lượt là 160 và 34 chiếc.

Tornado ECR - phiên bản chế áp phòng không mang theo tên lửa chống radar AGM-88 Harm

Máy bay chiến đấu Tornado IDS (GR4)/ Tornado ADV (F3) có chiều dài 16,72/ 18,7 m; sải cánh 13,91 khi xòe ở góc 250 và 8,6 m khi cụp ở góc 670; chiều cao 5,95 m; trọng lượng rỗng 13.890/ 14.500 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 28.000 kg.

Động cơ phản lực trang bị cho Tornado là loại Turbo-Union RB199-34R, lực đẩy 73 kN mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 2.418/ 2.338 km/h; tầm hoạt động 1.390 km ở chế độ thông thường hoặc 3.890/ 4.265 km khi mang theo 4 thùng dầu phụ; trần bay 15.240 m.

Vũ khí trang bị cho Tornado gồm pháo 27 mm Mauser BK-27 với 180 viên đạn (2 khẩu trên Tornado IDS và 1 khẩu trên Tornado ADV), các điểm treo trên cánh và thân mang được 9.000 kg vũ khí gồm bom và tên lửa.

3. MiG-23 Flogger

MiG-23 Flogger là tiêm kích siêu âm cánh cụp cánh xòe được thiết kế bởi Mikoyan-Gurevich của Liên Xô. MiG-23 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/6/1967, nó được coi là máy bay phản lực chiến đấu thế hệ thứ ba cùng với MiG-25 Foxbat.

Tiêm kích MiG-23 Flogger

MiG-23 là chiếc tiêm kích đầu tiên của Liên Xô thoát ra khỏi khái niệm "đánh chặn" truyền thống khi được trang bị radar phát hiện, theo dõi, ngắm bắn và tiêu diệt mục tiêu ở ngoài tầm nhìn và đã có khả năng quần vòng tìm kiếm mục tiêu trên không.

Việc sản xuất hàng loạt MiG-23 bắt đầu vào năm 1970 và kéo dài tới năm 1985 với 5.047 chiếc xuất xưởng. Ngoài những nước cộng hòa hợp thành Liên bang Xô Viết, MiG-23 còn được xuất khẩu tới 25 quốc gia đồng minh trên khắp thế giới.

Mặc dù là một tiêm kích mạnh mẽ nhưng MiG-23 lại gặp phải nhiều nhận xét tiêu cực hơn là tích cực, đáng kể nhất là việc máy bay rất khó điều khiển và động cơ cùng khung vỏ có tuổi thọ quá thấp.

Ngoài ra, thành tích chiến đấu của Flogger chủ yếu trong không quân Syria, Iraq và Libya là không có gì đặc sắc, gần như chắc chắn MiG-23 sẽ bị loại bỏ trước người tiền nhiệm của nó là MiG-21 Fishbed.

Cường kích MiG-27 Flogger-D/J

Ngoài những phiên bản tiêm kích phòng không, MiG-23 còn có một biến thể cường kích tấn công mặt đất được định danh là MiG-27 (NATO gọi là Flogger-D/J). Đặc điểm dễ nhận biết MiG-27 với MiG-23 nhất đó là phần mũi của MiG-27 khá "bẹt".

Tiêm kích/ cường kích MiG-23/ MiG-27 đều được điều khiển bởi 1 phi công; máy bay có chiều dài 16,7/ 17,1 m; sải cánh khi cụp - xòe 13,97/ 13,8 - 7,4 m; cao 4,82/ 5,0 m; trọng lượng rỗng 9.595/ 11.908 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 18.030/ 20.670 kg.

Động cơ trang bị trên MiG-23/ MiG-27 là loại Khatchaturov R-35-300/ R-29-300 có lực đẩy 83,6/ 81 kN ở chế độ thường và 127/ 123 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội, cho tốc độ tối đa 2.445/ 1.855 km/h; tầm bay 2.880/ 2.500 km; trần bay 18.500/ 14.000 m.

MiG-23 được trang bị1 pháo GSh-23L cỡ 23 mm với 200 viên đạn còn trên MiG-27 là pháo 30 mm GSh-6-30 với 260 - 300 viên đạn. MiG-23 có 6 giá treo, mang được 3.000 kg vũ khí đối không còn MiG-27 có 7 giá treo, mang được 4.000 kg vũ khí đối đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại