Những người anh em cùng cha khác mẹ của tiêm kích F-16

Phi Yến |

(Soha.vn) - Dựa trên tiêm kích F-16 của Mỹ, một số quốc gia đã tự sản xuất những biến thể máy bay chiến đấu của riêng mình.

F-16 Fighting Falcon là một máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm hạng nhẹ do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ. Hiện nay F-16 đang giữ vị trí xương sống trong lực lượng Không quân Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Với hơn 4.500 chiếc đã được sản xuất, F-16 chính là tiêm kích có số lượng sản xuất nhiều thứ 2 trong thế kỷ 20 chỉ sau MiG-21. Dựa trên tiêm kích F-16, một số quốc gia đã tự sản xuất những biến thể máy bay chiến đấu của riêng mình.

Đầu tiên là Mitsubishi F-2, đây là sản phẩm hợp tác giữa Mitsubishi Heavy Industries và Lockheed Martin, đây cũng là biến thể giống với F-16 nguyên bản nhất. Ban đầu theo dự kiến sẽ có khoảng 60 chiếc F-2 được sản xuất ở Nhật Bản và 40 chiếc được sản xuất ở Hoa Kỳ.

So với F-16 thì F-2 có một số khác biệt như: cánh lớn hơn 25%, sử dụng vật liệu composite để làm giảm trọng lượng bản thân, cánh đuôi đứng và cánh đuôi ngang lớn hơn, cửa hút khí lớn hơn, sử dụng buồng lái 3 mảnh ghép. Ngoài ra F-2 còn được trang bị những thiết bị điện tử hàng không tối tân nhất của Nhật, một số phi công Mỹ sau khi bay thử trên F-2 đã nhận xét rằng loại máy bay này còn vượt trội so với F-16 của Mỹ.

Tuy nhiên F-2 cũng có nhược điểm là giá thành quá đắt đỏ, lên tới 108 triệu USD/chiếc khiến cho chỉ có 98 được chế tạo cho tới khi ngừng sản xuất vào năm 2004. Trong trận động đất và sóng thần lịch sử năm 2011 đã có 12 chiếc F-2 bị hư hỏng nặng nề và vẫn chưa thể khôi phục hoạt động. Trong ảnh: F-2 bay cùng F-4J.

Tiếp theo là AIDC F-CK-1 Ching-kuo (Kinh Quốc hiệu chiến cơ), loại máy bay tiêm kích hạng nhẹ do Đài Loan sản xuất, nó mang tên của Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc là Tưởng Kinh Quốc. Máy bay chính thức hoạt động vào năm 1994, đã có tất cả 131 chiếc được sản xuất tính đến thời điểm năm 1999.

Được thiết kế với mục đích đối đầu các máy bay tiêm kích của Không quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc như J-7 hay J-8 sau khi thất bại trong việc đặt mua những máy bay chiến đấu thế hệ mới do sức ép từ phía Đại lục, F-CK-1 Ching-kuo của Đài Loan có hình dáng bên ngoài khá giống với F-16 đặc biệt là phần mũi, đuôi và cánh. Tuy nhiên máy bay lại sử dụng kết cấu 2 động cơ và cửa hút khí cũng gồm 2 chiếc nhỏ nằm 2 bên thân chứ không phải là 1 cửa hút khí lớn dưới bụng như F-16.

F-CK-1 Ching-kuo tồn tại khá nhiều hạn chế đặc biệt là vấn đề động cơ không cung cấp đủ sức mạnh. Thêm vào đó việc mua được 150 chiếc F-16 Block 20 A/B và 60 chiếc Mirage 2000-5 E/F đã khiến những chiếc chiến đấu cơ nội địa này không còn nằm trong ưu tiên phát triển của Không quân Đài Loan nữa.

T-50 Golden Eagle hay tên đầy đủ KAI TA-50 là một máy bay huấn luyện / tấn công siêu âm hạng nhẹ được Hàn Quốc - Hoa Kỳ hợp tác thiết kế chế tạo. Nó được phát triển bởi Korean Aerospace Industries cùng với sự hợp tác của Lockheed Martin.

Thiết kế của T-50 Golden Eagle chủ yếu dựa trên F-16 Fighting Falcon, chúng tương tự nhau về cách thức trang bị động cơ, tốc độ, kích thước, giá thành và tầm hoạt động. Ban đầu, chương trình tập trung vào phát triển máy bay huấn luyện phản lực nhằm sử dụng để đào tạo phi công lái F-16 do các lực lượng không quân trên khắp thế giới, bao gồm cả Không quân Hàn Quốc.

T-50 có biến thể cường kích hạng nhẹ A-50 và FA-50 mạnh hơn. A-50 là phiên bản vũ trang của T-50 như một nền tảng ổn định cho vũ khí tự do cũng như vũ khí dẫn đường chính xác. FA-50 là phiên bản A-50 sửa đổi với radar AESA và một đường truyền dữ liệu chiến thuật chưa xác định chủng loại. 60 chiếc A-50 dự kiến sẽ được sản xuất cho Không quân Hàn Quốc để thay thế cho A-37.

Không như những người anh em cùng cha khác mẹ ở châu Á, tiêm kích IAI Lavi của Israel có số phận khá hẩm hiu khi bị chính phủ Hoa Kỳ khước từ chi trả đa số khoản tiền phát triển vì lo ngại có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với những máy bay xuất khẩu của họ. Chỉ 2 nguyên mẫu Lavi còn tới ngày nay - một chiếc triển lãm tại bảo tàng Không quân Israel (IAF) và chiếc kia (Lavi TD, trình diễn kỹ thuật) hiện nằm tại cơ sở của IAI tại sân bay Ben Gurion.

Lavi có thiết kế theo cấu hình cánh tam giác với cánh mũi điều khiển được ở phía trước. Tuy kiểu thiết kế này cho máy bay khả năng cơ động tuyệt hảo nhưng cũng tạo ra tình trạng bất ổn định tự nhiên trong khi bay. Để khắc phục tình trạng đó, Lavi được trang bị một hệ thống bay bằng dây dẫn kỹ thuật số (digital fly-by-wire) cho phép tận dụng tất cả những ưu thế của thiết kế cánh tam giác cùng cánh mũi trong khi vẫn hạn chế được những nhược điểm cố hữu. Lavi là một trong những máy bay đầu tiên chú trọng tới kiểu cấu hình này và đã gây ảnh hưởng lớn tới việc thiết kế và phát triển máy bay trên khắp thế giới.

Mặc dù dự án Lavi bị hủy bỏ nhưng nhiều hệ thống phụ và các chi tiết khác của loại máy bay này tiếp tục được ngành công nghiệp hàng không Israel phát triển và hiện đang có mặt trên thị trường vũ khí như những hệ thống riêng biệt. Trong ảnh: Lavi bay sóng đôi cùng tiêm kích Kfir.

Ngoài ra, đầu những năm 1990 đã có thông tin cho rằng Israel bí mật bán thiết kế Lavi cho Trung Quốc để họ phát triển thành tiêm kích J-10. Thực tế thì J-10 có thiết kế khí động học hoàn toàn giống với Lavi, tuy nhiên cả hai bên đều từ chối thông tin này.

Máy bay chiến đấu FA-50

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại