1. Chiến tranh Vùng Vịnh
Trong giai đoạn tấn công trên bộ của Chiến dịch Bão táp sa mạc, bắt đầu từ 24/2/1991, một trong những mũi tấn công chính do sư đoàn đổ bộ đường không 101 của Mỹ phụ trách.
Hơn 300 trực thăng, bao gồm Chinook, Black Hawk, Huey, Apache và Cobra đã đưa hơn 2.000 binh sĩ, 50 xe Humvee trang bị tên lửa chống tăng TOW, pháo binh, đạn dược và nhiên liệu từ Ả rập Saudi vào sâu 140km bên trong lãnh thổ Iraq.
Đây cũng là chiến dịch trực thăng vận lớn nhất từng được thực hiện. Ngoài ra, nó cũng đánh dấu lần đầu tiên quân đội Mỹ có nữ phi công trực thăng trực tiếp tham chiến.
Nhiệm vụ chính của mũi tấn công này là cắt đứt tuyến quốc lộ số 8, con đường huyết mạch nối Baghdad với lực lượng Iraq đang chiếm đóng Kuwait và thiết lập một căn cứ tiền phương lớn.
Đây lài nơi dùng để tập kết nhiên liệu và đạn dược trong trường hợp liên quân cần tiến sâu vào trong nội địa Iraq.
Đồng thời, nó cũng có vai trò bảo vệ sườn của các sư đoàn thiết giáp liên quân tham gia mũi tấn công chính hướng đến Kuwait.
Lực lượng Iraq đóng tại khu vực này khi đó đang chuẩn bị để đối phó với mũi tấn công của liên quân ở hướng ngược lại nên hoàn toàn bị bất ngờ.
Chỉ sau vài giờ giao tranh, hàng trăm binh sĩ Iraq bị bắt làm tù binh
2. Chiến dịch Junction City
Là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam, Junction City diễn ra từ ngày 22/2/1967 cho đến 14/5/1967 tại khu vực thuộc tỉnh Tây Ninh.
Với sự tham gia của hơn 30.000 lính Mỹ, mục tiêu của chiến dịch này là nhằm truy tìm và tiêu diệt Trung ương Cục Miền Nam.
Junction City mở màn với 8 tiểu đoàn bộ binh được di chuyển bằng hơn 240 trực thăng.
Phía Mỹ nhận định chiến dịch đã không đạt được mục tiêu ban đầu do Trung ương Cục đã kịp thời được di tản khỏi khu vực trên.
3. Chiến dịch quân sự tại Haiti
Với sự ủy quyền từ Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, liên quân 3 nước gồm Mỹ, Ba Lan và Argentina đã thực hiện một chiến dịch can thiệp quân sự vào đảo quốc Haiti từ tháng 9/1994 đến 3/1995.
Mục tiêu của chiến dịch này là nhằm loại bỏ chế độ độc tài quân sự đã nắm quyền tại đây từ sau cuộc đảo chính vào năm 1991.
Lực lượng liên quân được tập kết tại Puerto Rico, Florida và các tàu chiến thuộc Hạm đội Đại Tây Dương của hải quân Mỹ chuẩn bị đổ bộ bằng đường không và đường biển vào Haiti.
Trong đó, lữ đoàn 1, sư đoàn bộ binh sơn cước số 10, được trực thăng vận từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower vào đất liền.
Gần 2.000 binh sĩ được chuyên chở trên 54 trực thăng, biến nó thành chiến dịch đổ bộ từ biển vào đất liền bằng trực thăng lớn nhất từng được thực hiện.
Tuy nhiên vào phút chót, đối mặt với một đối phương có ưu thế áp đảo, chính quyền quân sự Haiti đồng ý từ bỏ quyền lực. Vì vậy, chiến dịch quân sự này được chuyển thành chiến dịch gìn giữ hòa bình.
4. Chiến dịch "Bầy ong"
Đây là một chiến dịch an ninh diễn ra từ 16 đến 22/3/2006 tại tỉnh Salahuddin, Iraq.
Đây là khu vực đã chứng kiến nhiều hoạt động của lực lượng nổi dậy, bao gồm một vụ đánh bom vào ngôi đền linh thiêng Al-Askari của dòng Hồi giáo Shia vào tháng 2.
Tổng cộng có gần 1.500 binh sĩ Mỹ-Iraq, cùng hơn 50 trực thăng tham gia chiến dịch này.
Tuy vậy, hầu như không có vụ đụng độ nghiêm trọng nào xảy ra. Chỉ có 48 người bị bắt giữ, 17 trong số đó được phóng thích ngay sau đó.
Black Hawk chuẩn bị cho chiến dịch "Bầy ong"
5. Chiến dịch Raahat
Raahat là tên của chiến dịch cứu trợ do không quân Ấn Độ thực hiện nhằm di tản những nạn nhân của một trận lũ quét tại Uttarakhand (Ấn Độ), tháng 6/2013.
Trong 15 ngày của chiến dịch, 37 máy bay trực thăng được huy động để di tản gần 20.000 dân thường khỏi khu vực nguy hiểm.
Không quân Ấn Độ cho biết đây là chiến dịch di tản bằng trực thăng lớn nhất trong thời bình.
Trong số những trực thăng tham gia chiến dịch có 23 chiếc Mi-17, 1 chiếc Mi-26, 2 chiếc Cheetah và 11 chiếc ALH, một mẫu trực thăng nội địa cho Ấn Độ tự sản xuất.
6. Thảm họa hạt nhân Chernobyl
Hơn 80 trực thăng, máy bay các loại, bên cạnh hàng ngàn phương tiện cơ giới và hơn 600.000 người đã được huy động để kiềm chế, khắc phục hậu quả ngay sau vụ nổ tại lò phản ứng số 4của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Từ ngày 27/4 đến 5/5/1986, những tổ lái trực thăng Mi-6, Mi-8, Mi-26 đã hoàn thành 1.800 phi vụ, thả 5.000 tấn vật liệu hấp thu phóng xạ, gồm cát, chì, boron xuống khu vực lò phản ứng.
Những phi công này phải trực tiếp hứng chịu liều phóng xạ rất cao ngay bên trong lò phản ứng.
Chỉ huy chiến dịch này khi đó là thiếu tướng Nikolay Antoshkin, người sau này trở thành phó tư lệnh quân chủng không quân Nga.
Một chiếc Mi-26, trực thăng lớn nhất trên thế giới, bên trên lò phản ứng số 4