Nga tập trận tên lửa đề phòng Trung Quốc hay NATO?

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố kế hoạch tập trận với sự tham gia của lực lượng hạt nhân chiến lược trong tháng 9/2014, động thái khiến phương Tây và Trung Quốc "bối rối".

Đối phó với Ukraine và NATO?

Hãng RIA Novosti dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong tháng 9/2014 lực lượng hạt nhân chiến lược Nga cùng hơn 4.000 binh sĩ sẽ tập trận lớn tại Altai.

“Theo kế hoạch của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, vào tháng 9/2014, cuộc tập trận tên lửa chiến lược quy mô lớn sẽ được tiến hành với Đơn vị tên lửa Barnaul ở vùng Altai (Nga)”, ông Dmitry Andreyev người phát ngôn Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, ngày 3/9 cho biết.

“Sẽ có trên 4.000 binh sĩ và khoảng 400 thiết bị quân sự tham gia cuộc tập trận lần này”. Chiến đấu cơ siêu thanh MiG-31 và máy bay trinh sát Su-24MR sẽ tham gia, ông Andreyev nói thêm và cho biết quy mô không lực lớn chưa từng có đối với những cuộc tập trận kiểu này.

Tiêm kích MiG-31 của Không quân Nga

Tiêm kích MiG-31 của Không quân Nga

RIA Novosti cho biết, đây chỉ là cuộc tập trận được Nga lên kế hoạch từ lâu, nhưng nó lại diễn ra giữa lúc tình hình bất ổn tại Ukraine đang có chiều hướng tăng nhiệt. Novosti dẫn lời một quan chức quốc phòng Ukraine nhận định, cuộc tập trận là thông điệp Moscow muốn gửi đến Kiev và phương Tây.

Cả Nga và NATO đang tăng cường hoạt động quân sự kể từ khi xung đột nổ ra giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. Một cố vấn an ninh Điện Kremlin hôm qua cho biết Nga sẽ sửa đổi học thuyết quân sự trong năm nay, do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và quan hệ xấu đi nhanh chóng với NATO.

Trong khi đó, hơn 1.000 quân Mỹ và các nước đồng minh khối quân sự NATO giữa tháng này cũng sẽ tập trận tại trung tâm huấn luyện Yavoriv, thành phố Lviv, Ukraine. Quân đội các nước sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, bao gồm diễn tập chỉ huy, tuần tra và xử lý bom. Ukraine tham gia với tư cách là Đối tác vì hòa bình của NATO.

Mục đích thực sự của Nga

Dù nhiều người cho rằng cuộc tập trận nhắm vào Ukraine và phương Tây, tuy nhiên địa điểm của cuộc tập trận này lại diễn ra tại Altai, miền trung nam Nga áp sát với Trung Quốc khiến giới chuyên gia nhận định, Ukraine và phương Tây chưa hẳn đã là đối tượng cần 'răn đe' của Nga mà thay vào đó là Trung Quốc - một đối tác của Nga trong chiến lược đối trọng với phương Tây.

Nếu lấy Trung Quốc là mục đích của cuộc tập trận thì đây không phải là lần đầu tiên Nga tăng cường đề phòng Trung Quốc trong khi mối “quan hệ Nga - Trung đã đạt tới độ cao chưa từng thấy”.

Trực thăng đa năng Mi-8AMTSh

Trực thăng đa năng Mi-8AMTSh

Hồi tháng 10/2013 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Phát biểu tại Bắc Kinh, ông Medvedev cho biết, quan hệ Nga - Trung đã đạt tới độ cao chưa từng thấy, không những thể hiện ở quy mô, mà còn ở trình độ quan hệ hai nước.

Về vấn đề hợp tác an ninh, ông Patrushev - thư ký Hội đồng An ninh Nga đã đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu của “sự hợp tác trách nhiệm, tôn trọng và đôi bên cùng có lợi”, và lưu ý rằng Nga và Trung Quốc đã có sự trùng hợp về quyền lợi cơ bản cả trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và nhiều lĩnh vực hợp tác thiết thực khác nhau.

Về phòng thủ tên lửa, Moscow và Bắc Kinh đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Cả Nga và Trung Quốc đã có nhận thức chung về động thái gần đây của Mỹ, chuyển trọng tâm xây dựng hệ thống NMD hướng về phía châu Á nói là để chống lại mối đe dọa tấn công tên lửa của Triều Tiên nhằm vào Mỹ và đồng minh của họ.

Ông Vladimir Evseev Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị - xã hội Nga cho rằng, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa có hệ thống nào toàn diện để có thể phản ứng một cách hiệu quả đối với đòn tấn công tên lửa của Mỹ. Vì vậy, Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận cùng nhau hiệp lực để đối phó với những thách thức và mối đe dọa tên lửa nêu trên.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga hồi tháng 9/2013 và chuyến thăm của Thủ tướng Nga Medvedev đến Trung Quốc tháng 10/2013 đã chứng minh hai nước sẵn sàng đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới. Trong đó có cả lĩnh vực nhạy cảm như khả năng đối phó với hệ thống NMD của Mỹ.

Trong khi “quan hệ Nga - Trung đã đạt tới độ cao chưa từng thấy” người Nga vẫn không quên triển khai hàng loạt hệ thống vũ khí hàng đầu của mình áp sát biên giới với Trung Quốc.

Hồi cuối năm 2013, Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Victor Bondarev, cho biết trong năm 2014, Không quân Nga sẽ được bàn giao thêm 12 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 mới. Nếu tính đến thời điểm hiện tại, Không quân Nga đã được biên chế 22 chiếc máy bay chiến đấu Su-35.

Được biết đây là 2 lô đầu tiên trong tổng số 48 chiếc Su-35 mà Bộ Quốc phòng Nga đã ký năm 2009. Theo kế hoạch, đơn hàng này sẽ hoàn thành vào năm 2015. Trung tướng Victor Bondarev cho biết thêm, toàn bộ số chiến đấu cơ này sẽ được triển khai tại căn cứ Không quân Dzemga ở vùng Viễn Đông của Nga, có địa giới hành chính giáp với biên giới phía bắc và đông bắc Trung Quốc.

Không chỉ triển khai chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 tại vùng Viễn Đông Nga, trong năm 2013, Không quân Nga cũng đã quyết định triển khai máy bay Su-30SM đến khu vực này.

Hồi tháng 11/2013 vừa qua, quân đội Nga cũng đã công bố quyết định mua sắm 40 chiếc trực thăng chiến đấu trang bị tại đây. Theo Phát ngôn viên của Quân khu miền Đông, Trung tá Alexander Gordeev cho biết: “Hơn 40 máy bay trực thăng chiến đấu thế hệ mới Mi-8AMTShKa-52 sẽ được chuyển giao cho các căn cứ không quân tại Quân khu miền Đông vào cuối năm nay”.

Không chỉ tăng cường sức mạnh cho Không quân, quân đội Nga còn quyết định tăng cường sức mạnh cho lực lượng phòng không chiến lược tại Quân khu Viễn Đông bằng hệ thống phòng không S-400. Tính đến thời điểm cuối năm 2013, hai hệ thống S-400 cấp trung đoàn đã được chuyển giao cho quân đội Nga. Tiếp đó, từ năm 2014, Nga sẽ nhận được 2-3 trung đoàn tên lửa phòng không S-400/năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại