Trong bài viết đăng trên website của “Hội đồng Đại Tây Dương” (một tổ chức cố vấn về các vấn đề quốc tế, trụ sở tại Washington, D.C), chuyên gia Nicholas Varangis nhận định:
Về mặt lý thuyết, các siêu tàu sân bay sẽ cho phép quốc gia sở hữu chúng triển khai sức mạnh trên khắp thế giới.
Chẳng hạn, chỉ riêng một siêu tàu sân bay của Mỹ đã có thể mang theo 70 máy bay tới bất cứ nơi nào trên thế giới.
Điều này, theo giả thuyết, sẽ cho phép Mỹ tấn công các mục tiêu và mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Nga, Moscow hiển nhiên sẽ muốn thách thức uy thế của Hải quân Mỹ và có được 1 siêu tàu sân bay của riêng mình.
Hiện tại, Nga chỉ có một chiếc tàu sân bay đã già cỗi, không thể sánh được với hạm đội gồm 10 tàu sân bay đang hoạt động và 2 tàu sân bay dự trữ của Mỹ.
Theo kế hoạch, siêu tàu sân bay của Nga sẽ có khả năng mang theo hơn 100 máy bay, được trang bị máy phóng và sẽ có kích cỡ lớn hơn các siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Tuy nhiên, theo Varangis, tổng chi phí của siêu tàu sân bay này sẽ “vô cùng lớn” và sẽ bao gồm “chi phí điều chỉnh ngành công nghiệp đóng tàu hải quân để ngành này có khả năng sản xuất tàu chiến cỡ lớn”.
Ngay cả khi thực sự đóng con tàu này thì sau đó, để phát huy được giá trị chiến lược của nó, Nga sẽ phải đầu tư một khoản tiền rất lớn để xây dựng cầu cảng tại các nước đối tác.
Song, Moscow lại đang thiếu những đối tác sẵn lòng cho phép điều đó.
Mô hình siêu tàu sân bay tương lai của Nga, do viện Krylov ở St.Petersburg thiết kế - Ảnh: RG
Một siêu tàu sân bay chỉ xứng đáng với giá trị của nó nếu được kết hợp với chính sách ngoại giao toàn cầu.
Mặc dù Nga ngày càng hướng tới mục tiêu tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Trung và Nam Mỹ nhưng nhìn chung, Moscow vẫn bị giới hạn trong tầm ảnh hưởng trực tiếp của nước này đối với các quốc gia láng giềng ở lục địa Á – Âu.
Đóng siêu tàu sân bay có thể là một động thái của Moscow nhằm phát triển mạnh hơn khả năng tiếp cận toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Varangis, nếu không có sự đầu tư thích hợp vào các mối quan hệ đối tác toàn cầu, chiếc tàu sân bay này sẽ chỉ là một dự án phù phiếm và đắt đỏ.
“Việc xây dựng một siêu tàu sân bay mà không có chính sách đối ngoại tương ứng và các căn cứ hải quân hỗ trợ ở nước ngoài cũng giống như mua một thẻ bài casino hàng tỷ USD nhưng không chơi ván nào” – Varangis nhận định.
“Kế hoạch đóng siêu tàu sân bay của Nga, nếu được tiến hành, sẽ kéo theo các khoản chi phí rất lớn, nhưng cái mà hải quân và chính sách đối ngoại của Nga nhận được chỉ là một con tàu không phục vụ bất cứ mục đích chiến lược nào” – Varangis kết luận.
Hiện tại, dự án siêu tàu sân bay của Nga đang ở giai đoạn lên ý tưởng.
Dmitry Gorenburg, một chuyên gia về Hải quân Nga tại Tập đoàn CAN (trụ sở ở Virginia, Mỹ) nói với tờ The Moscow Times rằng, giai đoạn đóng tàu vẫn còn khá xa và tới lúc đó, sẽ mất “ít nhất 10, thậm chí có thể 15 năm” để hoàn thành con tàu này.
Rất nhiều điều có thể xảy ra trong thời gian chờ đợi.