Bước phát triển mới của Hải quân Nga
Trong ba ngày, từ 23 - 25/4, Hải quân Nga đã tiến hành song song hàng loạt các công việc như đóng tàu phá băng, tàu rà quét lôi tiên tiến và hạ thủy 1 tàu ngầm thông thường mới.
Tàu phá băng hạt nhân thế hệ mới được chế tạo với mục đích đảm bảo hoạt động của Hạm đội phương Bắc trong vùng Bắc Cực, bổ sung sức mạnh cho đội tàu phá băng hạt nhân độc nhất trên thế giới của Nga, hiện đang thống trị vùng biển Bắc Băng Dương.
Còn chiếc tàu ngầm thông thường, động cơ diesel-điện lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) được chế tạo dành cho Hạm đội Biển Đen. 6 tàu ngầm Kilo sẽ nâng cấp thần tốc khả năng của Hạm đội này trong các hoạt động bảo vệ khu vực được phân công.
Loạt tàu rà quét lôi thế hệ mới của Nga lần đầu tiên tụ hội những thành tựu khoa học tiên tiến nhất thế giới, có kích thước lớn nhất trong số các tàu cùng chủng loại của hải quân các nước.
Tàu làm bằng sợi thủy tinh nguyên khối, lượng giãn nước 900 tấn, chiều dài 60 mét và biên chế thủy thủ đoàn 44 người.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng Severodvinsk thuộc lớp Yasen của Hải quân Nga
Hướng ưu tiên chiến lược quốc gia của ngành đóng tàu được Tổng thống Vladimir Putin định hướng nhất quán với mục đích đã định trước là tái trang bị kỹ thuật đáng kể cho các nhóm tàu ngầm và tàu nổi của các hạm đội Hải quân Nga.
Điều đó sẽ cho phép Hải quân Nga giải quyết hàng loạt nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng này, trước hết là bảo tồn nguyên tắc đồng đẳng chiến lược và đẩy lùi những mối đe dọa tiềm năng từ biển khơi, bảo vệ các hành lang giao thông, bảo vệ các thương hạm.
Quan sát viên của Hãng thông tấn quốc tế "Rossiya Segodnya" Nga là ông Aleksandr Khrolenko nhận định, quá trình xây dựng và tái trang bị các chiến hạm mới trong biên chế lực lượng Hải quân đang củng cố vị thế của nước này trên các đại dương.
Hướng ưu tiên trọng điểm của Hải quân Nga vẫn là kiềm chế - răn đe chiến lược. Nhiệm vụ chính vẫn là phòng thủ bờ biển, bảo vệ các tuyến đường hàng hải, bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, bảo vệ lợi ích hải dương của Nga ở những khu vực xa xôi.
Vào cuối năm ngoái và bước sang đầu năm nay, nước này đã khởi công đóng 4 tàu ngầm diesel-điện và một số tàu nổi.
Bất kể mấy thập kỷ khó khăn về kinh tế - xã hội, thiếu vắng đơn đặt hàng, các xưởng đóng tàu của Nga vẫn bảo lưu được hiệu năng sản xuất, đội ngũ chuyên viên có trình độ và công nghệ cao.
Trong vài năm tới, lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Nga sẽ được đổi mới hoàn toàn. Chương trình trang bị cấp nhà nước đến năm 2020 dự trù chế tạo và đưa vào phục vụ chiến đấu 8 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp “Borey”, trang bị 16 - 20 tên lửa đạn đạo “Bulava".
Mỗi tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) R-30 (SS-NX-30) “Bulava” có tầm phóng hơn 8.000 km, có thể mang 6 - 10 đầu đạn hạt nhân phân hướng, đủ sức vượt qua lá chắn tên lửa Mỹ.
Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Biển Đen sẽ được đầu tư mạnh
Trong khuôn khổ thực thi chương trình trang bị cấp nhà nước cho đến năm 2020, Hải quân Nga dự kiến nhận 8 tàu ngầm tên lửa, 16 tàu ngầm hạt nhân đa năng và 54 tàu nổi thuộc các lớp khác nhau. Trọng điểm tái trang bị sẽ là Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Biển Đen.
Nga đang đóng loạt tàu nổi có lượng giãn nước không lớn phục vụ các hoạt động ở khu vực ven biển. Trong năm 2015, thành phần chiến đấu của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ được bổ sung 2 tàu tuần duyên loại này và 1 tàu đổ bộ mới.
Trong khuôn khổ chương trình tái vũ trang 10 năm, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ nhận 6 tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo.
Còn chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng thuộc đề án “Yasen” sẽ biên chế trong thành phần chiến đấu của Hạm đội này vào năm 2017.
Sau khi Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang, do không phải quan tâm đến những hạn chế đã được ghi trong hợp đồng với Ukraine, đến cuối năm 2014, Nga đã bổ sung thường xuyên, nhằm nâng cấp sức mạnh Hạm đội Biển Đen với tổng cộng 43 tàu chiến.
Hạm đội Biển Đen sẽ tiếp tục được biên chế thêm 6 tàu hộ vệ thế hệ mới lớp “Đô đốc Grigorovich” (Admiral Grigorovich), thuộc đề án 11356 và 6 tàu ngầm diesel-điện lớp “Varshavyanka”. Những chiếc đầu tiên của 2 lớp tàu này đều đã được hạ thủy.
Tàu ngầm lớp “Varshavyanka” có khả năng di chuyển ít gây tiếng ồn nhất, nổi tiếng khắp thế giới bởi hỏa lực mạnh và khả năng tàng hình cao. Chúng được trang bị ngư lôi hiện đại, tên lửa hành trình tấn công mặt đất dòng "Caliber” là 3M-14 và tên lửa hành trình chống tàu siêu âm 3M-54.
6 tàu ngầm được NATO định danh là “Hố đen đại dương” (Black Hole) sẽ cấu thành một đơn vị tàu ngầm chiến đấu uy lực.
Chúng sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh của Hạm đội Biển Đen tại vùng biển mà các chiến hạm Mỹ - NATO thường xuyên ra vào hoạt động và là trọng tâm theo dõi của khối quân sự này.
Ngoài ra, Hạm đội Biển Đen sẽ được trang bị thêm các tàu đổ bộ, tàu cao tốc tên lửa, tàu rà quét lôi thế hệ mới… Dự kiến sau 2 năm nữa, Hạm đội sẽ có khả năng tác chiến rất mạnh, đủ khả năng khống chế hoàn toàn vùng biển này, mở đường cho các hoạt động xa hơn ở Địa Trung Hải.
Sevastopol là quân cảng tốt nhất trên bờ Biển Đen, với Vịnh Sevastopol dài 8 km có tầm quan trọng chiến lược. Tăng cường bảo vệ biên giới phía Nam của Nga là điều rất cần thiết trong khi sự hiện diện quân sự và các hành động “khiêu khích” của NATO gần biên giới Nga đang gia tăng.
Ngay sau cuộc đảo chính ở Kiev, Washington đã có kế hoạch bố trí các căn cứ hải quân ở Sevastopol, mà phương án như vậy là không thể chấp nhận được đối với Moscow.
Và bây giờ là quá muộn để NATO bày tỏ sự không hài lòng về việc Nga tăng cường thực lực hải quân trên bán đảo Crimea.
Ông Khrolenko kết luận: Như vậy, hạm đội hải quân Nga đang trở lại các đại dương trên thế giới với sự đổi mới về chất.
Và trong bối cảnh tổng thể đó, hành động thất hứa không cung cấp 2 tàu loại “Mistral” của Pháp không gây ảnh hưởng gì tới tiến trình củng cố sức mạnh và vị thế cường quốc Hải quân của Nga.