Nga - Mỹ đe nhau trên Thái Bình Dương

Để "đáp lễ" cuộc tập trận của Mỹ tại Guam, ngày 19/9 Nga bắt đầu cuộc tập trận mang mật danh “Vostok-2014” với sự tham gia của 100.000 binh sĩ, 1.500 xe tăng, 120 máy bay...

Nga tập trận cực lớn

Hãng RIA Novosti dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc diễn tập sẽ diễn ra trên hơn 20 thao trường của lực lượng bộ binh, hải quân và không quân Quân khu Đông từ Anadyra đến Vladivostok và kéo dài đến ngày 25/9.

Tập trận “Vostok-2014” có sự tham gia của 100.000 binh sĩ, 1.500 xe tăng, 120 máy bay, 70 tàu chiến và khoảng 5.000 khí tài quân sự và thiết bị khác. Đặc biệt Nga còn sử dụng nhiều loại tên lửa chiến thuật khác nhau trong cuộc tập trận lần này.

Để kiểm tra năng lực tác chiến, cuộc tập trận mang mật danh “Vostok-2014” diễn ra trong điều kiện khắc nghiệt, tập trung vào chiến lược phối hợp và hợp tác chiến thuật giữa các đơn vị tham gia. Tất cả các quân, binh chủng trong quân đội Nga sẽ tham gia diễn tập và không có kịch bản chi tiết nào được công bố trước.

Chiến hạm Hải quân Nga trong một lần tập trận.

Chiến hạm Hải quân Nga trong một lần tập trận.

Trong cuộc tập trận, các đơn vị quân đội sẽ được lệnh di chuyển đến các địa điểm tác chiến khác nhau, cũng như điều động các khí tài quân sự từ khu vực khác tới vùng tác chiến… có khoảng cách lên tới 4.000 km.

Dù quân đội Nga không tiết lộ cụ thể loại vũ khí nào được tham gia cuộc tập trận này, tuy nhiên theo phán đoán của RIA Novosti, trong tập trận“Vostok-2014” sẽ có sự tham gia của tên lửa chiến thuật Iskander-M, tên lửa Tochka-U

Theo số liệu của chính các chuyên gia trong Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tên lửa Iskander-M có những tính năng độc nhất vô nhị, khả năng ưu việt và hiệu quả gấp 5-8 lần so với các tên lửa cùng loại của các nước ngoài.

Iskander là tên lửa sử dụng một tầng nhiên liệu đẩy, trang bị hệ thống dẫn đường đầy đủ, chiều dài của tên lửa là 7,2 m, đường kính 0,95 m, trọng lượng phóng 3,8 tấn, đầu đạn nặng 380 kg. Tên lửa có thể tấn công các mục tiêu của đối phương với độ sai lệch (CEP) chỉ 2 m.

Có hai biến thể sửa đổi, đó là biến thể Iskander-E cho xuất khẩu, đạt tầm bắn tối đa 280 km, tầm bắn tối thiểu 50 km; biến thể Iskander-M được Quân đội Nga sử dụng, có tầm bắn lên tới 450 - 500 km. Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km.

Vì vậy, Iskander-M được cho là vũ khí lợi hại nhất của Moscow để có thể nhanh chóng vô hiệu hóa các thành thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ nhằm vào Nga.

Trong khi đó, tổ hợp tên lửa chiến thuật Tochka-U dùng để tiêu diệt các mục tiêu có kích cỡ nhỏ (các phương tiện mặt đất của các tổ hợp trinh sát - tấn công, các trạm điều khiển, sân bay, các nguồn dự trữ, kho đạn, nhiên liệu…) trong chiều sâu phòng thủ của địch.

Tổ hợp Tochka có cự ly bắn từ 15 đến 70 km và độ lệch góc trung bình là 250m. Tochka-U có cự ly bắn xa hơn Tochka và khả năng tiêu diệt mục tiêu cũng chính xác hơn thế hệ trước.

Thành phần của tổ hợp Tochka-U gồm tên lửa nhiên liệu rắn 9M71-1 với đầu đạn tác chiến casset và phá mảnh, bệ pháo tự hành 9P129-1, xe vận chuyển - nạp 9T218-1, xe vận chuyển 9T238, xe kiển soát - thử nghiệm tự động 9V819-1, xe bảo dưỡng kỹ thuật 9V844, tổ hợp thiết bị quân dụng 9F370-1, các container đựng tên lửa và đầu đạn tác chiến.

Trong cuộc Triển lãm IDEX-93, tổ hợp Tochka-U đã trải qua 5 lần phóng thử nghiệm. Kết quả, sai số tối thiểu của tên lửa so với mục tiêu chỉ một vài m, sai số tối đa nhỏ hơn 50m.

“Vostok-2014” được cho là cuộc tập trận lớn nhất và cuối cùng trong hàng loạt các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu quy mô lớn và không được thông báo trước của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga trong năm 2014.

Mỹ huy động hai cụm tàu sân bay tập trận tại Guam

Cụm tàu sân bay USS George Washington

Cụm tàu sân bay USS George Washington

Trước khi Nga khai hỏa cuộc tập trận “Vostok-2014”, ngày 15/9, Hải quân Mỹ đã huy động hai cụm tàu sân bay gồm USS George Washington đóng tại Yokosuka (Nhật Bản) và USS Carl Vinson đóng tại San Diego (Mỹ) cùng 19 tàu chiến, hơn 200 máy bay chiến đấu và khoảng 18.000 binh lính Mỹ tham gia cuộc tập trận mang tên Lá chắn quả cảm.

Cuộc tập trận Lá chắn quả cảm sẽ thử thách khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng Mỹ. Các đơn vị lính thủy đánh bộ sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Không đoàn số 12 đóng tại Nhật Bản.

Không quân dưới sự chỉ đạo của Không đoàn 36 đóng tại Guam, gồm các phi đội tiêm kích số 44 và 90. Lực lượng Lục quân tham gia đến từ Không đoàn 94 và Bộ tư lệnh phòng thủ tên lửa đóng tại Hawaii.

Các hoạt động tập trận gồm tìm kiếm tàu ngầm, đánh chặn tàu tình nghi trên biển và sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa mới được triển khai trên đảo Guam. Cuộc tập trận sẽ triển khai theo Học thuyết tác chiến Không-Biển.

Cuộc tập trận Lá chắn quả cảm được tổ chức lần đầu năm 2006 với sự tham gia của 3 tàu sân bay. Hai lần tiếp theo năm 2010 và 2012 chỉ có 1 tàu sân bay tham gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại