Nga đủ sức đóng nhưng…
Thông tin này được hãng TASS dẫn nguồn tin từ Hải quân Nga cho biết, theo đó, vấn đề chế tạo tàu sân bay trực thăng riêng của Nga không hiện diện trong chương trình nghị sự, thời điểm này chưa xác định rõ, liệu những con tàu như vậy có cần cho Hải quân hay không.
“Thời điểm này chưa đáng đưa công tác đóng tàu chở trực thăng vào chương trình nghị sự. Chưa đặt ra nhiệm vụ như vậy cho ngành công nghiệp nước nhà”, nguồn tin cho biết.
"Chuyện thực thi kế hoạch đóng các con tàu như vậy hiện giờ đang được nghiên cứu như là phương án giả thiết. Trước đây cũng đã tiến hành công đoạn nghiên cứu này, còn bây giờ có chú ý nhiều hơn.
Trước hết, đang xem xét tính cần thiết của những con tàu đó cũng như khả năng của ngành công nghiệp nước ta trong việc chế tạo tàu chở trực thăng.
Hiện tại chưa đi tới hiểu biết nhất trí về việc liệu Nga có cần tàu sân bay trực thăng hay không”, người cung cấp tin nói thêm.
Hình ảnh chiếc tàu Mistral đầu tiên Pháp đóng cho Nga mang tên Vladivostok.
Trước khi Hải quân Nga đưa ra tuyên bố này, Moskva đã nhiều lần tỏ ra tự tin về khả năng đóng những con tàu tương tự như lớp Mistral của Pháp.
Theo Sputnik ngày 21/5, Nga đã tái khẳng định về khả năng tự sản xuất lớp tàu tương đương và có thể tốt hơn tàu Mistral của Pháp.
Nguồn tin dẫn lời trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Kozhin cho biết, theo đó Nga sở hữu công nghệ chế tạo tàu sân bay không thua kém gì Mistral do Pháp đóng.
"Chúng tôi có thể, không có khó khăn gì cả. Nếu thực sự cần, chúng tôi sẽ tự chế tạo con tàu này. Hiện tình hình đang thay đổi nhanh chóng, và đối với chúng tôi việc bàn giao Mistral không quá cần thiết.
Nếu những con tàu này không được bàn giao, thì tiềm lực quốc phòng của chúng tôi cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều”, ông Kozhin cho biết.
Trước khi ông Kozhin đưa ra tuyên bố này, hồi tháng 9/2014, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov cũng cho rằng quyết định của Pháp không ảnh hưởng tới các kế hoạch cải cách các lực lượng vũ trang của Moscow.
Trong khi đó, trả lời trên kênh truyền hình Nước Nga 24, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Denis Manturov cho biết Nga thừa khả năng tự sản xuất tàu đổ bộ trực thăng tương tự tàu Mistral.
Khả năng đóng tàu cỡ lớn như Mistral của nga cũng đã được nhà nghiên cứu Pieter Wezeman của Viện Nghiên cứu Chiến lược Sipri ở Stockholm thừa nhận:
"Nếu 2 chiếc tàu Mistral không được Pháp bàn giao, Nga cũng tự đóng được nếu dựa vào nền công nghiệp của chính mình, nhưng thời gian sẽ lâu hơn".
Lạc quan thái quá
Ngay khi Nga công bố về khả năng đóng mới tàu Mistral, tạp chí quốc phòng Business Insider (Mỹ) cho rằng tuyên bố của Nga thiếu tính thực tế.
Theo đó, giai đoạn hiện nay, bất cứ kế hoạch xây dựng vũ khí nào của Nga cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình kinh tế suy thoái cộng với ảnh hưởng từ các đòn trừng phạt thương mại của Mỹ và các nước phương Tây.
Đặc biệt, hiện nay Nga hoàn toàn không có nhà máy đóng những con tàu cỡ như Mistral trở lên.
Trong khi đó Reuters dẫn lại thông tin từ TASS nhận định, kể cả khi Nga quyết định đóng tàu cỡ như Mistral, Moskva phải mất 3 - 4 năm sau đó để giải quyết các vấn đề kỹ thuật cơ bản liên quan đến công việc đóng tàu và tìm ra một ụ tàu thích hợp ngoài biển.
Trên thực tế, Nga chưa có nhà máy đóng tàu cỡ lớn nào ở trong nước (các tàu sân bay của Liên Xô được đóng ở TP Mikolaiv - Ukraine).
Viết cho hãng tin Reuters, phóng viên Mỹ David Axe chuyên về lĩnh vực quân sự cho rằng, tham vọng đóng tàu sân bay trực thăng của Nga có thể không bao giờ thành sự thực. Một số chuyên gia an ninh Nga cũng đồng ý với đánh giá này.
Nhà phân tích Alexander Golts của tờ báo trực tuyến Yezhednevny Zhurnal cho rằng Hải quân Nga bị tụt lại so với các binh chủng khác trong cuộc chiến giành nguồn lực, theo yêu cầu tái vũ trang của Tổng thống Vladimir Putin.
Để thu hút sự chú ý của các chính trị gia, Hải quân Nga có thể đã nghĩ ra dự án tàu đổ bộ cỡ lớn và cả tàu sân bay nhưng lại không xét đến điều kiện thực tế.
>>> Tàu ngầm mini thế hệ mới nào phù hợp với Việt Nam?