Năm 2014, Đô đốc William H. McRaven, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy các lực lượng đặc biệt Mỹ (USSOC), đồng thời là người tổ chức cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden đã trở lại Đại học Texas, nơi ông trải qua quãng đời sinh viên.
Tại đây, ông McRaven đã có cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa với các sinh viên tốt nghiệp năm 2014 và tặng cho họ 10 bài học giá trị về cuộc sống mà ông đúc rút được sau thời gian tham gia khóa đào tạo đặc nhiệm SEAL.
Mặc dù đã từ năm 2014 nhưng trong thời gian gần đây, bài phát biểu của ông McRaven lại được chia sẻ mạnh mẽ bởi mang nhiều thông điệp ý nghĩa.
Xin gửi tới quý độc giả nguyên văn bài phát biểu đặc biệt của ông McRaven:
"Kính thưa Hiệu trưởng Powers, Hiệu phó Fenves, các vị Trưởng khoa, các vị Giáo sư, cùng gia đình và bạn bè và quan trọng nhất là các tân sinh viên tốt nghiệp niên khoá 2014. Xin chúc mừng thành tích của các bạn.
Đã gần 37 năm kể từ ngày tôi tốt nghiệp Đại học Texas (UT). Tôi nhớ rất nhiều điều về ngày hôm đó.
Tôi nhớ đầu mình đau nhói sau bữa tiệc tối hôm trước. Tôi nhớ mình có một cô bạn gái mà sau này tôi kết hôn - đó là chuyện quan trọng cần nhớ - và tôi nhớ rằng mình đã được nhận vào Hải quân ngày hôm đó.
Nhưng trong tất cả những điều mà tôi còn nhớ, tôi lại chẳng nhớ ai là khách mời lên phát biểu tối hôm đó và tôi chắc chắn không nhớ bất cứ điều gì họ đã nói.
Vì vậy, từ thực tế đó, nếu tôi không thể làm cho bài phát biểu này trở nên đáng nhớ thì ít nhất tôi sẽ cố gắng nói ngắn gọn.
Cựu Đô đốc William H. McRaven sinh ngày 6/11/1955 tại bang North Carolina, tốt nghiệp Đại học Texas năm 1977 và gia nhập Hải quân sau đó.
6/2006 - 3/2008: Tư lệnh Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt châu Âu (SOCEUR).
Trong thời gian này, ông còn được bổ nhiệm làm giám đốc thứ nhất của Trung tâm điều phối các lực lượng đặc biệt NATO, phụ trách chương trình nâng cao năng lực và khả năng tương tác của tất cả các lực lượng đặc biệt NATO.
6/2008 - 6/2011: Tư lệnh thứ 11 Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt phối hợp (JSOC), trụ sở tại Fort Bragg, North Carolina.
8/2011 - 8/2014: Tư lệnh thứ 9 Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt Mỹ (USSOC).
Ông chính là người lập kế hoạch và điều phối chiến dịch lùng sục, tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden.
Ông McRaven nghỉ hưu vào ngày 28/8/2014, sau 37 năm phục vụ quân đội.
Từ tháng 1/2015 đến nay, ông McRaven giữ cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Texas.
Ông từng giành vị trí á quân trong danh sách Nhân vật của năm do tạp chí Time bình chọn năm 2011.
Năm 2012, McRaven có tên trong top 10 chuyên gia chính sách ngoại giao và Top 100 Nhà tư tưởng toàn cầu do tạp chí Foreign Policy bình chọn.
Khẩu hiệu của UT là "Những gì bắt đầu ở đây sẽ làm thay đổi thế giới".
Tôi phải thừa nhận rằng, tôi khá thích cái khẩu hiệu đó.
Tối nay có gần 8.000 sinh viên tốt nghiệp UT. Trong 1 bảng phân tích chặt chẽ, website Ask.com thống kê rằng, trung bình 1 người Mỹ sẽ gặp gỡ, giao tiếp với 10.000 người khác trong suốt cuộc đời của họ.
Đó là con số rất lớn.
Nhưng nếu mỗi người trong số các bạn thay đổi cuộc sống của chỉ 10 người và mỗi người trong số này lại thay đổi cuộc sống của 10 người khác - chỉ 10 người thôi - thì trong 5 thế hệ, tức là 125 năm, lớp sinh viên tốt nhiệp năm 2014 sẽ thay đổi cuộc sống của 800 triệu người.
800 triệu người - hãy nghĩ về con số này - nó gấp hơn 2 lần dân số Hoa Kỳ. Đi tiếp thêm 1 thế hệ nữa và bạn có thể thay đổi toàn bộ dân số của thế giới - 8 tỷ người.
Nếu bạn nghĩ rằng rất khó để thay đổi cuộc sống của 10 người - tức là thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi - thì bạn đã sai.
Tôi đã chứng kiến điều này diễn ra hàng ngày tại Iraq và Afghanistan: Một sĩ quan Lục quân trẻ quyết định rẽ trái thay vì rẽ phải xuống một con đường ở Baghdad và 10 quân nhân trong đội của anh ta đã thoát khỏi cuộc phục kích gần đó.
Tại tỉnh Kandahar, Afghanistan, một nữ hạ sĩ quan cảm thấy điều gì đó bất ổn và đã chỉ đạo trung đội bộ binh của mình tránh được khối chất nổ tự chế hơn 200kg, cứu mạng hàng chục chiến sĩ.
Nhưng, nếu nghĩ xa hơn, bạn sẽ thấy không chỉ những người lính được cứu sống bởi quyết định của 1 người mà những đứa con chưa ra đời của họ cũng được cứu. Và con cái của con cái họ cũng được cứu. Nhiều thế hệ được cứu sống chỉ bởi 1 quyết định của chỉ 1 người.
Việc thay đổi thế giới có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào và bất cứ ai cũng có thể làm được điều đó. Vì vậy, những gì bắt đầu ở đây thực sự có thể thay đổi thế giới, nhưng câu hỏi là - Thế giới trông sẽ như thế nào sau khi bạn thay đổi nó?
Tôi tin rằng nó sẽ tốt đẹp hơn rất, rất nhiều. Nhưng nếu các bạn làm cho tay thủy thủ già này vui vẻ trong chốc lát (bằng cách giả bộ như đang chăm chú lắng nghe), tôi có một vài gợi ý có thể giúp các bạn trên con đường đi đến một thế giới tốt đẹp hơn.
Mặc dù những bài học này được đúc rút trong suốt thời gian tôi phục vụ quân đội nhưng tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chúng rất hữu ích, dù các bạn chưa từng một ngày khoác trên mình bộ quân phục.
Điều quan trọng không phải là giới tính, dân tộc, tôn giáo hay địa vị xã hội của các bạn.
Cuộc đấu tranh của chúng ta trong thế giới này là tương tự nhau và những bài học để vượt qua trở ngại và để tiến lên phía trước - thay đổi bản thân và thế giới xung quanh chúng ta - đều áp dụng chung cho tất cả mọi người.
Tiết lộ thú vị về "người hùng nước Mỹ" William H. McRaven:
- McRaven xuất phát là một cử nhân ngành báo chí, chứ không phải là "con nhà nòi" được đào tạo từ nhỏ về chiến trận.
- Khả năng viết văn của ông đã được thể hiện trong cuốn sách Special Ops (Những chiến dịch đặc biệt), về nghệ thuật thực hiện các nhiệm vụ tối mật xuất bản năm 1996.
Cùng với bài khóa luận tốt nghiệp trường hải quân của ông, cuốn sách này là một trong những tài liệu học tập bắt buộc với các sĩ quan thuộc JSOC.
- "Anh ta có thể thọc một con dao vào mạng sườn của bạn chỉ trong vòng một nano giây (một phần tỉ giây!)" - một vị cựu chỉ huy SEAL từng miêu tả McRaven như vậy.
- William McRaven đã được Tổng thống Mỹ đề bạt lên chức tướng bốn sao, cấp bậc cao nhất trong hải quân Mỹ (Đô đốc), ngay trước khi chiến dịch tiêu diệt Bin Laden khai màn.
Tôi là một thành viên của Navy SEAL (đặc nhiệm Hải quân Mỹ) đã 36 năm. Nhưng mọi sự chỉ bắt đầu sau khi tôi tốt nghiệp UT để tham gia khóa đào tạo cơ bản của SEAL tại Coronado, California.
Khóa đào tạo 6 tháng, với những màn “tra tấn” dai dẳng như chạy trên cát lún, bơi giữa đêm trong làn nước lạnh giá ngoài khơi San Diego, các bài vượt chướng ngại vật, những buổi tập thể lực dài vô tận, nhiều ngày không ngủ, luôn trong tình trạng lạnh, ướt và khổ sở.
Đó là 6 tháng liên tục bị các quân nhân đã được đào tạo chuyên nghiệp chì chiết, soi mói, để tìm ra những khiếm khuyết trong tâm lý, thể chất của các học viên và loại bỏ họ ra khỏi Navy SEAL.
Các ứng viên tham gia kiểm tra thể lực bằng hình thức kéo xà.
Nhưng khoá huấn luyện cũng nhằm tìm kiếm những học viên có tư chất chỉ huy trong môi trường căng thẳng liên tục, hỗn loạn, trong những thời điểm thất bại và khó khăn.
Đối với tôi, khoá đào tạo cơ bản SEAL chính là 6 tháng gói gọn những thử thách của cả một đời người.
Vì vậy, đây là 10 bài học tôi đã học được từ khoá đào tạo, hy vọng chúng sẽ có giá trị cho các bạn khi dấn bước trên đường đời.
Mỗi buổi sáng trong khoá đào tạo, các huấn luyện viên của tôi – thời đó tất cả các huấn luyện viên đều là cựu binh Việt Nam – sẽ đến doanh trại và điều đầu tiên họ sẽ kiểm tra là giường ngủ của học viên.
Nếu học viên làm đúng, các góc sẽ vuông vắn, ga giường phẳng phiu, gối được đặt ở vị trí trung tâm, giữa tấm ván đầu giường và chăn được gấp gọn gàng, đặt ở chân giường.
Đó là việc đơn giản, quá đỗi bình thường. Ấy thế nhưng mỗi buổi sáng, chúng tôi lại phải dọn giường gọn gàng tới mức hoàn hảo.
Lúc ấy, chuyện có vẻ hơi kỳ cục, nhất là khi các học viên đang khao khát trở thành những chiến binh SEAL thực sự, dạn dày lửa đạn chiến trường. Nhưng hành động tưởng chừng như đơn giản này đã nhiều lần cho tôi thấy ý nghĩa sâu xa của nó.
Nếu bạn dọn giường mỗi buổi sáng, tức là bạn đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên trong ngày. Nó sẽ mang lại cho bạn một niềm tự hào nhỏ và sẽ khuyến khích bạn làm tốt nhiệm vụ tiếp theo và các nhiệm vụ khác kế tiếp sau.
Đến cuối ngày, từ một nhiệm vụ đầu tiên hoàn thành sẽ biến thành nhiều nhiệm vụ hoàn thành.
Việc dọn giường cũng củng cố cho một thực tế là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống rất đáng được quan tâm.
Nếu các bạn không thể làm tốt những việc nhỏ nhặt, các bạn sẽ không bao giờ làm tốt được những điều lớn lao.
Và nếu chẳng may, bạn có một ngày không như ý, bạn trở về nhà và thấy một chiếc giường đã gọn gàng – do chính tay bạn dọn dẹp – điều đó sẽ động viên bạn rằng ngay mai sẽ tươi sáng hơn.
Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng cách dọn giường ngăn nắp.
Trong khóa đào tạo SEAL, các học viên được chia thành nhiều nhóm.
Mỗi nhóm gồm 7 học viên – chia ra 3 người ngồi mỗi bên trên một chiếc xuồng cao su nhỏ và một người điều khiển hướng đi cho xuồng.
Mỗi ngày các nhóm mang xuồng ra bãi biển, được hướng dẫn cách vượt qua các con sóng và chèo vài dặm dọc theo bờ biển.
Vào mùa đông, những con sóng ở bờ biển San Diego có thể cao từ 2,4m – 3 m, rất khó để vượt qua chúng, trừ phi tất cả mọi người cùng chèo.
Tất cả nhịp chèo phải đồng bộ theo nhịp đếm của người điều khiển. Mọi người phải nỗ lực như nhau, nếu không xuồng sẽ bị sóng xô ngược lại và bị hất trở lại bãi biển.
Để xuồng đến đích, tất cả mọi người phải cùng nhau chèo.
Một mình bạn không thể thay đổi thế giới – bạn phải cần trợ giúp – và để đi được từ điểm khởi đầu đến đích, bạn cần có bạn bè, đồng nghiệp, thiện chí của những người lạ và một trưởng nhóm có năng lực hướng dẫn mọi người.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy tìm một người giúp bạn chèo chống.
Sau vài tuần luyện tập khó khăn, lớp đào tạo SEAL của tôi đã giảm từ 150 người ban đầu xuống chỉ còn 35 người. Bây giờ chỉ còn lại 6 nhóm chèo xuồng, với mỗi nhóm 7 người.
Tôi được xếp chung nhóm với những học viên cao to, nhưng nhóm giỏi nhất lại toàn là những học viên nhỏ con – chúng tôi gọi họ là Munchkin (nhỏ bé) – không ai trong nhóm này cao hơn 1.67m.
Nhóm Munchkin gồm một người Mỹ gốc da đỏ, một người Mỹ gốc Phi, một người Mỹ gốc Ba Lan, một người Mỹ gốc Hy Lạp, một người Mỹ gốc Ý và 2 anh chàng nữa tới từ miền Trung Tây nước Mỹ.
Họ chèo xuồng, chạy bộ và bơi lội nhanh hơn tất cả các nhóm khác.
Những học viên cao lớn trong các nhóm khác thường trêu chọc khi thấy các thành viên của nhóm Munchkin xỏ bàn chân nhỏ xíu của họ vào những đôi chân vịt cũng nhỏ xíu trước khi bơi lội.
Thế nhưng, “cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Bằng cách nào đó, những anh chàng nhỏ con này, những người đến từ mọi ngóc ngách của nước Mỹ và thế giới, lại bơi nhanh hơn tất cả mọi người và đến bờ trước chúng tôi rất lâu.
Khóa đào tạo SEAL là sự bình đẳng tuyệt vời. Không gì có thể giúp bạn thành công ngoài ý chí của bạn, không phải màu da, chủng tộc, học thức, hay địa vị xã hội của bạn đâu.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy đánh giá con người bằng trái tim họ, chứ không phải là kích thước cái chân vịt của họ.
Vài lần trong tuần, các huấn luyện viên sẽ cho cả lớp xếp hàng để kiểm tra quân phục. Việc kiểm tra này được tiến hành vô cùng kỹ lưỡng.
Mũ đội phải được hồ cứng, quân phục phải là thẳng nếp, khóa thắt lưng phải sáng bóng và không được có bất kỳ 1 vết bẩn nào.
Nhưng có vẻ như dù bạn có tốn bao nhiêu công sức chuẩn bị thì cũng vẫn chưa đạt.
Các giảng viên sẽ tìm ra “một sai phạm gì đó” để phạt bạn.
Và vì kiểm tra quân phục không đạt, các học viên phải chạy, mặc nguyên quần áo lao vào sóng biển và sau đó, ướt từ đầu đến chân, lăn trên bãi biển cho đến khi tất cả toàn thân bị cát bám đầy.
Hình phạt này gọi là “bánh tẩm đường”. Bạn phải mặc bộ quân phục đó cho đến hết ngày – lạnh, ẩm ướt và đầy cát.
Học viên Navy SEAL nằm chịu những con sóng vỗ vào mặt để quen cảm giác lặn biển.
Có rất nhiều học viên không thể chấp nhận nổi việc tất cả các nỗ lực của họ đều vô ích. Bất kể họ cố gắng đến cỡ nào để chuẩn bị quân phục, họ vẫn bị đánh giá thấp.
Những học viên đó đã không vượt qua khoá đào tạo.
Những học viên đó không hiểu mục đích của việc huấn luyện. Bạn sẽ không bao giờ thành công. Bạn sẽ không bao giờ có một bộ đồng phục hoàn hảo.
Đôi khi, dù bạn đã chuẩn bị hay thể hiện tốt thế nào đi nữa, bạn vẫn chỉ là một cái “bánh tẩm đường” mà thôi.
Đôi khi cuộc sống là như vậy.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy vượt qua việc trở thành một cái “bánh tẩm đường” và tiếp tục tiến về phía trước.
Mỗi ngày, trong thời gian đào tạo, bạn phải đương đầu với nhiều thử thách thể chất khác nhau – chạy đường dài, bơi đường trường, các khóa học vượt chướng ngại vật, rèn luyện thể lực nhiều giờ - Những thứ đó được đặt ra để thử thách dũng khí của bạn.
Mỗi việc đều có những tiêu chuẩn – thời gian mà bạn phải đáp ứng.
Nếu bạn thất bại trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn đó, tên của bạn sẽ xuất hiện trong một bản danh sách và vào cuối ngày, những người có tên trên danh sách này sẽ được mời đến một “rạp xiếc”.
“Rạp xiếc” này là phải tập thêm 2 giờ thể dục, khiến bạn phải kiệt sức, phá vỡ tinh thần của bạn để buộc bạn phải bỏ cuộc.
Không ai muốn đến “Rạp xiếc”.
Đến “Rạp xiếc” có nghĩa là ngày đó bạn không đạt tiêu chuẩn.
Đến “Rạp xiếc” có nghĩa là nhiều mệt mỏi hơn và mệt mỏi hơn có nghĩa là ngày hôm sau sẽ khó khăn hơn và có khả năng sẽ phải đến “rạp xiếc” nhiều hơn.
Trong khóa đào tạo SEAL, đôi lúc tất cả mọi học viên đều rơi vào danh sách đến “rạp xiếc”.
Nhưng một điều thú vị đã xảy ra với những người thường xuyên có tên trong danh sách. Những người phải chịu thêm 2 giờ tập thể lực ngày càng khỏe và mạnh hơn.
Nỗi thống khổ khi phải đến “rạp xiếc” đã bồi đắp nên sức mạnh tinh thần và xây dựng khả năng phục hồi thể chất.
Cuộc sống đầy những “gánh xiếc”.
Bạn sẽ thất bại, có thể sẽ thất bại thường xuyên. Thất bại sẽ khiến bạn đau đớn. Thất bại sẽ khiến bạn chán nản. Nhưng đôi khi, thất bại là liều thuốc thử để kiểm tra cốt lõi giá trị của bạn.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đừng sợ những “rạp xiếc”.
Ít nhất 2 lần mỗi tuần, các học viên phải tham gia chạy vượt chướng ngại vật.
Bài tập này có 25 chướng ngại vật khác nhau, trong đó có 1 bức tường cao 3m, 1 tấm lưới dài 10m, và một hang rào dây thép gai để tập bò trườn.
Nhưng thách thức lớn nhất là “cú trượt sinh tồn”. Nó gồm 2 cái tháp, một tháp 3 tầng, cao 10m nằm một phía và một cái tháp một tầng nằm ở đầu kia. Hai toà tháp được nối liền bởi một dây thừng dài hơn 60m.
Bạn phải leo lên tầng ba của tháp và khi lên đến đỉnh tháp, bạn nắm lấy sợi dây thừng, đong đưa bên dưới sợi dây thừng và dùng tay di chuyển đến đầu bên kia.
Kỷ lục vượt chướng ngại vật này đã đứng vững trong nhiều năm qua cho đến khóa đào tạo của chúng tôi vào năm 1977.
Kỷ lục đó dường như là bất bại, cho tới ngày nọ, một học viên đã quyết định vượt qua thử thách này bằng cách:
Thay vì đu mình dưới sợi dây thừng và nhích từng chút một về phía bên kia, anh ta nằm lên trên sợi dây và đẩy thân mình về phía trước.
Đó là một cách di chuyển nguy hiểm – có vẻ dại dột và đầy rủi ro. Nếu thất bại, anh ta sẽ bị chấn thương và bị loại khỏi khoá huấn luyện.
Không chút do dự, người học viên trượt theo sợi dây thừng xuống. Và thay vì vài phút, anh ta chỉ mất một nửa thời gian. Cuối cùng, anh ta đã phá được kỷ lục.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đôi khi bạn phải lao đầu về phía trước bất chấp rủi ro.
Đến giai đoạn huấn luyện tác chiến trên bộ, các học viên được máy bay đưa ra đảo San Clemente nằm ngoài khơi San Diego.
Vùng biển ở San Clemente là nơi có rất nhiều cá mập trắng lớn. Để được tốt nghiệp khóa đào tạo SEAL, các học viên phải hoàn thành một loạt các bài bơi đường trường. Một bài trong số đó là bơi đêm.
Một trong những bài tập khắc nghiệt của đặc nhiệm SEAL.
Trước khi bắt đầu, các giảng viên “hân hoan” thông báo cho học viên về tất cả các loài cá mập sinh sống ở vùng biển ngoài khơi San Clemente.
Tuy nhiên, họ cũng đảm bảo là chưa từng có học viên nào bị cá mập làm thịt cả, ít nhất là trong thời gian gần đây.
Nhưng các học viên cũng được dạy rằng, nếu một con cá mập bắt đầu lượn lờ quanh vị trí của bạn theo vòng tròn thì hãy giữ vững vị trí của bạn. Đừng bơi đi. Đừng tỏ ra sợ hãi.
Nếu những con cá mập đang đói, cần một bữa ăn nhẹ nửa đêm, lao về phía bạn thì hãy dồn hết sức mạnh đấm vào mõm của nó, nó sẽ bỏ cuộc.
Có rất nhiều cá mập trên thế giới. Nếu bạn muốn hoàn thành chặng bơi của mình, bạn sẽ phải đương đầu với chúng.
Vì thế, nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đừng lùi bước trước cá mập.
Một trong những công việc của Navy SEAL là tiến hành các cuộc tấn công dưới nước vào tàu chiến của đối phương.
Chúng tôi thực hành kỹ thuật này trong suốt quá trình huấn luyện cơ bản.
Trong nhiệm vụ tấn công tàu, 2 Navy SEAL sẽ được thả xuống bên ngoài một bến tàu của đối phương, sau đó lặn hơn 3km dưới mặt nước, không sử dụng bất cứ dụng cụ gì, ngoài một thước đo độ sâu và một la bàn để định hướng mục tiêu.
Trong suốt quá trình bơi lặn, thậm chí là ở sâu dưới nước, vẫn có chút ánh sáng xuyên qua khiến học viên có cảm giác thoải mái.
Nhưng khi bạn tiếp cận đến con tàu đang neo đậu, ánh sáng bắt đầu mờ dần. Các kết cấu thép của con tàu chặn mất ánh trăng, che mất đèn đường, cùng tất cả ánh sáng xung quanh.
Để thành công trong nhiệm vụ, bạn phải lặn dưới con tàu và tìm ra cho được sống tàu – tức là đường trung tâm và phần sâu nhất của con tàu.
Đây là mục tiêu của bạn. Nhưng sống tàu cũng là nơi tăm tối nhất của con tàu, là nơi bạn không thể nhìn thấy bàn tay của mình dù có để nó ngay trước mặt, nơi mà tiếng ồn từ máy móc của con tàu làm chói tai, rất dễ khiến bạn bị mất phương hướng và bỏ cuộc.
Mỗi thành viên Navy SEAL đều biết rằng dưới sống tàu, tại thời điểm đen tối nhất của nhiệm vụ – là thời điểm bạn phải bình tĩnh, tập trung – là khi tất cả các kỹ năng chiến thuật, sức mạnh thể chất và tất cả sức mạnh nội tâm của bạn đều phải mang ra hết để chống đỡ.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, bạn phải đem hết những gì tốt nhất trong con người mình để đương đầu với thời điểm đen tối nhất.
Tuần thứ chín của khóa huấn luyện được gọi là “tuần địa ngục”.
Đó là 6 ngày không ngủ, liên tục bị quấy rối về thể chất và tinh thần và một ngày đặc biệt tại Mud Flats (bãi bồi) - vùng nằm giữa San Diego và Tijuana, nơi nước chảy đi và tạo ra các vũng bùn Tijuana – đó là một khu vực có địa hình đầm lầy, nơi mà bùn sẽ nhấn chìm bạn.
Đó là vào ngày thứ tư của “tuần địa ngục”, bạn phải chèo đến Mud Flats và trong 15 giờ tiếp theo phải cố gắng để tồn tại dưới lớp bùn lạnh cóng, trong tiếng gió hú và áp lực không ngừng từ các huấn luyện viên để các học viên bỏ cuộc.
Tối Thứ Tư hôm ấy, khi Mặt Trời bắt đầu lặn, lớp của tôi, bị cho là đã “vi phạm nghiêm trọng các quy tắc”, được lệnh phải dầm mình dưới bùn.
Bùn “nuốt chửng” các học viên cho đến khi không có gì có thể nhìn thấy được ngoài những cái đầu của chúng tôi.
Các giảng viên nói với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ được lên bờ nếu có 5 người chịu bỏ cuộc – chỉ cần 5 người là chúng tôi có thể thoát ra khỏi cái lạnh khủng khiếp này.
Nhìn xung quanh thì rõ ràng là có một số học viên gần như muốn đầu hàng. Vẫn còn hơn 8 tiếng đồng hồ nữa cho đến khi mặt trời lên – hơn 8 giờ với cái lạnh thấu xương.
Tiếng của những hàm răng va vào nhau lập cập và tiếng rên rỉ của các học viên lớn đến nỗi người ta rất khó nghe thấy bất cứ tiếng động nào khác.
Và rồi, một âm thanh bắt đầu vang vọng trong đêm – một giọng hát được cất lên.
Một giọng hát trật nhịp “khủng khiếp” nhưng hát một cách nhiệt tình.
Sau đó thì giọng hát thứ hai, thứ ba vang lên và không lâu sau đó, tất cả mọi người trong lớp đều hát.
Chúng tôi biết rằng nếu một người có thể vượt lên trên những đau khổ thì những người khác cũng có thể làm được.
Các giảng viên dọa chúng tôi rằng tất cả sẽ phải ngâm lâu hơn trong bùn nếu còn tiếp tục hát nhưng chúng tôi vẫn cứ hát.
Và không hiểu tại sao bùn có vẻ như ấm áp hơn một ít, gió như dịu đi, và bình minh thì không còn quá xa.
Nếu như tôi đã học được bất cứ điều gì trong cuộc đời khi bôn ba trên thế giới, thì đó chính là sức mạnh của niềm hy vọng.
Sức mạnh của một người – Washington, Lincoln, King, Mandela và thậm chí một cô gái trẻ từ Pakistan – Malala – một người có thể thay đổi thế giới bằng cách mang tới hy vọng cho người khác.
Vì thế, nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy cất tiếng hát ngay cả khi đang bị bùn lầy ngập lên đến tận cổ.
Cuối cùng, trong khóa huấn luyện SEAL có một cái chuông.
Đó là một cái chuông đồng được treo ở trung tâm của doanh trại để tất cả các học viên đều nhìn thấy.
Tất cả những gì bạn phải làm khi muốn bỏ cuộc là... rung chuông.
Rung chuông và bạn không còn phải thức dậy lúc 5 giờ sáng. Rung chuông và bạn không còn phải bơi lội trong cái lạnh băng giá.
Rung chuông và bạn không còn phải chạy, phải vượt các chướng ngại vật, tập thể lực và không còn phải chịu đựng gian khổ khi huấn luyện.
Chỉ cần rung chuông.
Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, đừng bao giờ rung chuông.
Khóa tốt nghiệp năm 2014, chỉ còn chút nữa thôi là các bạn sẽ chính thức tốt nghiệp. Những giây phút ngắn ngủi trước khi các bạn bắt đầu bước vào hành trình cuộc đời.
Đây là thời khắc để các bạn bắt đầu thay đổi thế giới theo hướng tốt hơn.
Nó sẽ không dễ dàng đâu.
Nhưng, các bạn là những sinh viên tốt nghiệp niên khóa 2014 – một niên khóa có thể tác động đến cuộc sống của 800 triệu người trong thế kỷ tới.
Hãy bắt đầu mỗi ngày với một nhiệm vụ hoàn thành.
Hãy tìm một người nào đó để giúp các bạn trong cuộc đời.
Hãy tôn trọng tất cả mọi người.
Biết rằng cuộc sống là không công bằng và các bạn sẽ thường xuyên vấp ngã, nhưng nếu các bạn dám chấp nhận rủi ro, dám tiến lên trong những thời điểm khó khăn nhất, dám đối mặt những kẻ bắt nạt, nâng đỡ người bị áp bức và không bao giờ…không bao giờ bỏ cuộc.
Nếu các bạn làm được những việc này, thế hệ tiếp theo và các thế hệ nối tiếp sẽ sống trong một thế giới tốt hơn nhiều so với thế giới của chúng ta ngày hôm nay, và những gì được bắt đầu ở đây sẽ thực sự thay đổi thế giới theo hướng tốt hơn.
Cảm ơn các bạn rất nhiều”.