Mỹ dùng "đồ cổ" đối phó Nga tại Bắc Cực

Hòa Sơn |

Nhằm ngăn chặn hiệu quả tên lửa Nga tại Bắc Cực, Mỹ đã quyết định nâng cấp hệ thống radar Thule - loại radar được trang bị từ những năm 1950.

Mỹ tuyên bố "rắn" và hành động

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vừa tuyên bố, nước này cần nâng cấp hệ thống radar 50 năm tuổi ở Bắc Cực nhằm ngăn chặn tên lửa Nga hiệu quả hơn.

Tuyên bố trên được người đứng đầu Lầu Năm Góc đưa ra hôm 1/9. Theo ông Carter, radar ở căn cứ quân sự Thule của Mỹ ở đảo Greenland, đã được triển khai từ những năm 1950 và cần phải được hiện đại hoá nếu muốn trở thành một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả.

Bộ trưởng Carter giải thích cho tuyên bố của mình:

"Nga có các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tầm xa. Chúng ta cần phải nâng cấp radar để giúp các hệ thống phòng không có thể đánh chặn được hiệu quả các tên lửa tấn công.

Bắc Cực là một trong những nơi các tên lửa đạn đạo sẽ bay qua nếu muốn tới lãnh thổ Mỹ. Do đó, việc cần làm lúc này là nâng cấp cho radar tại đây nhanh nhạy hơn”.

My dung do co doi pho Nga tai Bac Cuc
Hệ thống radar Thule của Mỹ tại Bắc Cực.

Trước khi quyết định hành động vì Bắc Cực, ngay từ tháng 1/2007 Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh No 66 về an ninh quốc gia Mỹ. Trong sắc lệnh này có đoạn:

"Mỹ có các lợi ích rộng rãi, cơ bản tại khu vực Vùng cực và Mỹ sẵn sàng hành động độc lập hoặc phối hợp với các quốc gia khác để đảm bảo an toàn cho các lợi ích đó.

Một nhóm trong số các lợi ích đó là: triển khai hệ thống lá chắn tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm; triển khai các hệ thống trên biển và trên không phục vụ vận chuyển chiến lược trên biển, kiềm chế chiến lược; tăng cường sự hiện diện trên các biển và tiến hành các chiến dịch đảm bảo an ninh biển cũng như đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên khu vực lãnh thổ này”.

Sắc lệnh này cũng quy định rõ nhiệm vụ:

“Đảm bảo tính cơ động toàn cầu cho các tàu và máy bay kể cả dân sự và quân sự Mỹ trên toàn bộ khu vực Vùng cực…, cũng như đảm bảo khả năng cơ động toàn cầu cho lực lượng vũ trang Mỹ trên toàn thế giới.

Điều đó sẽ đảm bảo các quyền chủ quyền của Mỹ đối với một loạt khu vực duyên hải rộng lớn cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có ở đó”.

Đó là các văn bản. Còn thực lực thì hiện nay, chỉ riêng tại Alaska, Mỹ đã có 3 căn cứ lục quân và 3 căn cứ không quân, một số các căn cứ bảo vệ duyên hải với tổng quân số lên đến 24.000 người.

Nga đồng loạt triển khai

Trong khi Mỹ chậm chạp nâng cấp các hệ thống hiện có thì Nga đã thực hiện triển khai loạt vũ khí hàng đầu của mình đến Bắc Cực từ trước đó.

Hãng TAAS hồi cuối năm 2014 dẫn lời Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết, một lực lượng không quân và phòng không lục quân hỗn hợp sẽ được thành lập và triển khai tại Bắc Cực trong năm 2015.

“Bộ tư lệnh chiến lược liên hợp tại Bắc Cực hiện đang đặt tại Hạm đội phương Bắc của Nga, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở khu vực này trong mọi hình thức xung đột vũ trang”, ông Gerasimov cho biết.

“Chúng tôi đã biên chế một sư đoàn phòng không cho hạm đội này và chúng tôi sẽ thành lập một lực lượng không quân và phòng không lục quân hỗn hợp tại đó”, ông nói và cho biết thêm rằng Bộ Quốc phòng Nga sẽ thành lập một trung tâm huấn luyện chuyên biệt cho binh lính thực hiện nghĩa vụ quân sự tại khu vực Bắc Cực trong năm 2015.

My dung do co doi pho Nga tai Bac Cuc
Tiêm kích MiG-31.

Trước đó, Bộ quốc phòng nước này cũng đã thành lập Bộ tư lệnh chiến lược Bắc Cực hỗn hợp dựa trên cơ sở của Hạm đội phương Bắc và đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2014.

Việc thành lập lực lượng không quân tại Bắc Cực cũng thuộc một phần trong chiến lược tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này ở Bắc Cực.

Bộ tư lệnh mới này, mang tên Bộ Tư lệnh phương Bắc, sẽ bao gồm Hạm đội phương Bắc, 2 lữ đoàn tác chiến Bắc Cực, cùng với các đơn vị không quân và phòng quân, và sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2017.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu còn tuyên bố: “Trước khi kết thúc năm nay (2015), đội hình các trung đoàn tiêm kích hạm và tên lửa phòng không cần phải hoàn thành”.

Dù người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga không công khai những hệ thống tên lửa nào và tiêm kích hạm nào sẽ là thành viên mới tham gia trực chiến tại Bắc Cực, tuy nhiên theo kế hoạch được Nga công khai trước đó cho thấy, tiêm kích MiG-29K/KUB cùng S-400, S-300 và tổ hợp pháo tên lửa Pantsir-S1 sẽ là thế lực mới tại Bắc Cực của Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại