Mỹ đã mất 30 năm hồi sinh tên lửa hành trình đối đất như thế nào?

Dương Phạm |

(Soha.vn) - Dù là nước đầu tiên sáng chế ra tên lửa hành trình đối đất nhưng trong CTTG II, vị thế dẫn đầu của Mỹ đã bị mất vào tay Đức và chỉ được phục hồi lại sau chiến tranh.

Thuở sơ khai của tên lửa hành trình đối đất (P1)

Thuở sơ khai của tên lửa hành trình đối đất (P2)

3. Những phát triển trong và sau Chiến tranh thế giới II của Mỹ (1939-1969)

Trong chiến tranh thế giới II, nước Mỹ cũng phát triển vài loại tên lửa hành trình trên cơ sở các máy bay ném bom cũ của mình và sử dụng hạn chế ở cả hai mặt trận Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương.

Vào giai đoạn cuối của chiến tranh, Mỹ đã copy thành công tên lửa V-1 của Đức để trang bị cho cả Không quân và Hải quân cũng như dự định sử dụng với số lượng lớn để tấn công Tokyo nhưng nước Nhật đã đầu hàng trước khi chiến dịch này được thực hiện.

3.1 Dự án Aphrodite - Cải tiến máy bay B-24 cũ thành máy bay tấn công không người lái

Máy bay ném bom B-24 Liberator

Máy bay ném bom B-24 Liberator

Dự án Aphrodite sử dụng máy bay ném bom B-24 Liberator cũ hoặc hư hại không đủ an toàn để hoán cải thành các tên lửa hành trình khổng lồ với mục đích tấn công những mục tiêu được phòng không cẩn mật như bệ phóng tên lửa V-2...

Một hệ thống điều khiển từ xa và một lượng thuốc nổ cực lớn lên tới 10 tấn được tích hợp lên các khung thân máy bay B-24 này. Trên máy bay vẫn có khoang lái cho phi công điều khiển, phi công sẽ lái máy bay ra khỏi bờ biển nước Anh rồi nhảy dù. Máy bay sẽ tiếp tục được điều khiển bởi một máy bay chiến đấu khác đến mục tiêu. Ý tưởng này rất không hiệu quả do B-24 có tốc độ quá chậm và kích thước quá cồng kềnh nên dễ bị tiêu diệt trước khi đến được mục tiêu.

3.2 TG-2 của Hải quân Mỹ - 1944

Tháng 2/1940, U.S. Navy Bureau of Aeronautics giới thiệu hệ thống điều khiển TV/Radio sử dụng trên tên lửa hành trình TG-2 (thực chất cũng là một máy bay ném bom hoán cải) của Hải quân. Tuy nhiên dự án này đã nhanh chóng bị dẹp bỏ.

TG-2 của Hải quân Mỹ

TG-2 của Hải quân Mỹ

3.3 JB-2 Loon - Phiên bản copy V-1 của Mỹ

Thông số kỹ thuật:

• Sải cánh: 5,38 m

• Dài: 8,26 m

• Đường kính: 860 mm

• Khối lượng: 2.300 kg

• Đầu đạn trang bị: 910 kg HE

• Động cơ: Ford PJ-31-F-1

• Tốc độ hành trình: 684 km/h

• Tầm bắn: 240 km

• Sai số: 400 m khi được phóng đi từ cự ly 160 km

Mùa hè năm 1944, Không quân Mỹ nhận được một vài bản mẫu tên lửa hành trình V-1 của Đức còn khá nguyên vẹn sau khi bị bắn hạ tại Anh do đầu nổ không hoạt động như thiết kế. Army Air Force Technical Intelligence ở Wright Field nhanh chóng tháo rời, nghiên cứu và đưa ra bản copy của tên lửa V-1. Các bản thiết kế này nhanh chóng được đưa vào sản xuất tại Mỹ với tên gọi JB-2. Hệ thống điều khiển bằng sóng radio được tích hợp thêm đã cải thiện đáng kể độ chính xác so với nguyên mẫu V-1.

Người Mỹ có kế hoạch sản xuất 10.000 quả JB-2 cho kế hoạch tấn công Nhật Bản. Kế hoạch này bị dừng lại do sự đầu hàng của nước Nhật và chỉ có hơn 1.400 quả JB-2 được sản xuất. JB-2 phiên bản của Hải quân Mỹ được đặt tên là “Loon” và được phóng thử nghiệm từ một số tàu chiến và tầu ngầm của Mỹ với động cơ khởi tốc hỗ trợ cất cánh dùng nhiên liệu rắn là cơ sở cho việc thiết kế các tên lửa hành trình hiện đại sau này của họ như Tomahawk.

3.4 TM-61 - Matador - 1949

Thông số kỹ thuật:

Chiều dài: 12,1 m

Đường kính: 1,2 m

Động cơ:

• Động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn Aerojet 254 kN;

• Động cơ hành trình turbojet Allison J33-A-37 lực đẩy 2.086 kg (Máy nén một tầng nén vuông góc, turbine một tầng hướng trục)

Tốc độ: Mach 0.9

Tầm bay cao: 10.500 m

Tầm bắn: 1.000 km

Đầu đạn: Thông thường hoặc 1 MT (hạt nhân)

TM-61 Matador là loại tên lửa chiến thuật đất đối đất được phóng bằng một động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và sau đó được duy trì quá trình bay bằng một động cơ phản lực Allison J33. Quả tên lửa Matador đầu tiên bay thử vào năm 1949. Từ năm 1954, TM-61 Matador đã được triển khai ở Tây Đức, Hàn Quốc và Đài Loan.

Matador là đại diện cho thế hệ tên lửa hành trình chiến thuật hiện đại đầu tiên sau WWII. Với tốc độ hành trình khá cao Mach 0,9 ở độ cao trên 10.500m, nó thực sự là mối đe doạ cho các hệ thống phòng không cổ điển chỉ có pháo cao xạ. Tuy nhiên trước sự phát triển của các tên lửa phòng không có điều khiển, TM-61 trở thành mục tiêu dễ dàng bị tiêu diệt và dần trở nên lạc hậu.

3.5 MACE Land - CGM-13 (1955-1969)

Thông số kỹ thuật:

• Chiều dài: 13,6 m

• Đường kính: 1,4 m

• Trọng lượng phóng: 8.200 kg

• Đầu đạn: 1.360 kg thông thường hoặc hạt nhân

• Động cơ:

- Động cơ hành trình Allison J33 turbojet 23 kN

- Động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn Thiokol 445 kN

• Tốc độ hành trình: 1.000 km/h (khi bổ nhào đạt siêu âm)

• Tầm bắn: 2.300 km

• Độ cao hoạt động: lên tới 12.000 m

Chương trình phát triển tên lửa MACE là minh chứng cho khả năng một quốc gia có thể cải tiến loại tên lửa hành trình thế hệ cũ đã lạc hậu thành tên lửa hành trình tầm xa bay thấp nguy hiểm hơn nhiều bằng những kỹ thuật của 40 năm về trước (kỹ thuật của Mỹ 40 năm trước).

Không quân Mỹ cung cấp cho phòng nghiên cứu Goodyear Aircraft (Akron) 25 quả tên lửa hành trình lạc hậu TM-61 Matador để nghiên cứu khả năng hoán cải chúng thành các tên lửa hành trình tầm thấp. Các tên lửa cũ được tháo rời và cải tiến cấu trúc để có thể bay thấp với tốc độ cận âm cùng với hệ thống điều khiển mới cho phép bay bám sát địa hình trong suốt quá trình bay.

Khung thân được cải tiến gồm các phần:

• Hệ thống cánh nâng mới

• Ống hút khí của động cơ được cải tiến

• Đuôi được thiết kế lại

• Thân được mở rộng cho phép mang thùng nhiên liệu lớn hơn

• Mũi tên lửa được thiết kế lại hoàn toàn để gắn hệ dẫn đường theo địa hình ATRAN, hệ thống này bao gồm một máy tính, một radar X-band. Hệ thống lập trình kế hoạch tấn công sẽ xác định đường bay tối ưu cho tên lửa và nạp thông tin này vào hệ thống máy tính điều khiển trước khi tên lửa được phóng.

Sau một loạt thử nghiệm thành công, Không lực Hoa Kỳ quyết định chỉ định thầu cho 2 công ty gồm: công ty Goodyear sản xuất hệ thống dẫn đường, điều khiển, hệ thống lập trình, bệ phóng di động và chương trình huấn luyện sử dụng; công ty Glenn L Martin Company sẽ sản xuất các khung thân tên lửa mới và lắp các thành phần khác như hệ thống dẫn đường, đầu đạn, động cơ,….

Tên lửa hành trình MACE (CGM-13A) đầu tiên được đưa vào trang bị năm 1959 và sử dụng chiến thuật tấn công tầm thấp bằng kỹ thuật so khớp tín hiệu radar phản hồi với bản đồ số hóa địa hình. Phiên bản CGM-13B nâng cấp được đưa vào trang bị từ 1961 đến đầu thập kỷ 70 cho phép lựa chọn linh hoạt giữa các đoạn đường bay có độ cao thay đổi khác nhau.

Tên lửa hành trình MACE CGM-13

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại