Thuở sơ khai của tên lửa hành trình đối đất (P1)
2. Những phát triển của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới II (1939-1945)
Mặc dù cuối Chiến tranh thế giới II, Đức Quốc xã đã sản xuất được loại tên lửa hành trình đúng nghĩa đầu tiên là V-1, tuy nhiên trước đó cả Đức mà Mỹ đều có các loại tên lửa hành trình đơn sơ hơn và một số loại đã được sử dụng với quy mô hạn chế trong cuộc chiến.
2.1 Máy bay ném bom không người lái Fernfeuer của Argus - 1939
Ông tổ của tên lửa hành trình nổi tiếng V-1 Buzz Bomb là bản thiết kế loại máy bay ném bom không người lái Fernfeuer được đưa ra năm 1939 bởi tiến sỹ Fritz Gosslau của Argus Aero Engine Company. Fernfeuer là mẫu thiết kế máy bay ném bom động cơ đốt trong không người lái sử dụng nhiều lần, nó được thiết kế để mang 1 tấn bom đến mục tiêu rồi quay trở lại căn cứ.
Dự án bị hủy bỏ do được đánh giá độ ưu tiên thấp hơn các dự án chuẩn bị cho chiến tranh khác. Tiến sỹ Gosslau không chịu từ bỏ và năm 1941 ông cùng Argus đưa ra mẫu tên lửa hành trình sử dụng động cơ phản lực mà sau này trở thành bom bay V-1 nổi tiếng.
Bản vẽ thiết kế Fernfeuer
Máy bay Fernfeuer gồm động cơ Argus (a) có thể cung cấp công suất 500 mã lực ở độ cao 5.000m; 1 tấn bom được chứa trong khoang bom (b). Máy bay hoạt động dưới sự điều khiển của con quay hồi chuyển (c), bộ thiết bị đo độ cao bằng sóng radio (d) và thiết bị nhận tín hiệu điều khiển từ xa (e). Tổng khối lượng của máy bay khoảng 3 tấn và bán kính hoạt động 1.000 km.
2.2 Máy bay kết hợp Mistel - 1943
Trong Chiến tranh thế giới II, Không quân Đức - Luftwaffe đối mặt với vấn đề tấn công và phá hủy các mục tiêu kiên cố và được bảo vệ bởi lưới lửa phòng không dày đặc. Thực tế chiến trường dẫn đến yêu cầu chế tạo một loại bom đặc biệt có thể thả chính xác từ xa do những phi vụ không kích trên gây tổn thất lớn đối với các máy bay chiến đấu đắt tiền cùng các phi công giàu kinh nghiệm bởi đòi hỏi máy bay phải bay thấp sát mục tiêu để tăng xác suất trúng đích.
Luftwaffe đã phát triển một ý tưởng mang tên Mistel - một loại máy bay ném bom kiểu cũ được hoán cải thành máy bay điều khiển từ xa không người lái trang bị một đầu đạn HE cực lớn (4.300 kg) và được điều khiển từ một máy bay có người lái. Hai máy bay sẽ được gắn với nhau và chỉ tách rời khi đến gần khu vực mục tiêu, máy bay điều khiển sẽ luôn ở ngoài vòng nguy hiểm của lưới lửa phòng không và sẽ quay về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Mistel 1: Messerschmitt Bf-109F + Junkers Ju-88
Nhiều phiên bản Mistel đã được phát triển, sử dụng nhiều loại khung thân máy bay khác nhau, cả loại cánh quạt lẫn loại phản lực. Các phiên bản Mistel đầu tiên bao gồm một máy bay ném bom cánh quạt cũ Junkers Ju-88 kết hợp với một chiếc Messerschmitt Bf-109 có người lái. Các phiên bản sau dùng máy bay chiến đấu Focke-Wulf FW-190 làm máy bay điều khiển.
Tốc độ tấn công chậm và kém cơ động của các máy bay ném bom cánh quạt cơ sở làm cho chúng trở thành mục tiêu dễ dàng đối với hệ thống phòng không đối phương vì vậy loại Mistel dùng động cơ phản lực nhanh chóng được triển khai.
Phiên bản Mistel 4 sử dụng Me-262 làm máy bay điều khiển và một chiếc Me-262 khác làm máy bay không người lái mang đầu đạn. Phiên bản Mistel 5 sử dụng một thân khung máy bay được thiết kế chuyên dụng là Arado E-377a được thiết kế lại từ loại máy bay ném bom phản lực Ar-234 và máy bay điều khiển là loại máy bay phản lực chiến đấu Heinkel He-162 Salamander.
Các loại Mistel phản lực này với tốc độ cao thực sự nguy hiểm hơn nhiều do khó bắn hạ hơn nhưng rất may chiến tranh đã kết thúc trước khi chúng được đưa vào sử dụng.
Mô hình Mistel 5: Heinkel He-162 + Arado E-377a
2.3 Fiesler F-103 (V-1 Buzz Bomb)
Fiesler F-103 (V-1) là loại tên lửa hành trình hiện đại đầu tiên trên thế giới. Công nghệ chủ chốt của V-1 là động cơ phản lực Pulse-jet do hãng Argus chế tạo, đây là loại động cơ đặc biệt đơn giản có thể sản xuất hàng loạt với chi phí thấp nhưng lại cung cấp một lực đẩy lớn so với khối lượng bản thân, điều này cho phép V-1 có tốc độ cao hơn hầu hết máy bay chiến đấu dùng động cơ cánh quạt vào thời điểm lúc bấy giờ.
Thiết kế khung thân của V-1 cũng hết sức đơn giản, cho phép sản xuất với số lượng lớn bởi các lao động khổ sai có trình độ thấp trong các trại tập trung khổng lồ của Đức quốc xã. Vật liệu chế tạo không dùng bất cứ hợp kim đắt tiền nào mà chủ yếu chế tạo từ thép cán rẻ tiền, điều này khiến khung thân V-1 nặng hơn nhưng chấp nhận được đối với các nhiệm vụ một chiều của nó.
Hệ thống dẫn đường của V-1 chỉ gồm một la bàn từ tính và một bộ đo khoảng cách thông qua việc đếm số vòng quay của chiếc chong chóng nhỏ trên mũi khiến sai số của tên lửa là rất lớn, tuy nhiên đây là hạn chế kỹ thuật chung của thời kỳ này. Đầu nổ lớn trên 800 kg của V-1 khiến nó có sức tàn phá rất cao đối với các khu dân cư bị đánh trúng.
Fiesler F-103 hay V-1 Buzz Bomb
Tốc độ cao khiến V-1 bay nhanh hơn phần lớn các máy bay chiến đấu của đối phương. Thêm vào đó đầu nổ quá lớn của nó khiến các phi công Anh phải hết sức cẩn thận nếu không muốn làm kích nổ đầu đạn này khi bắn hạ V-1 bởi họ sẽ rất dễ trở thành nạn nhân tức khắc do bán kính sát thương của đầu đạn 800 kg là rất rộng.
Độ cao trong suốt quá trình bay của V-1 không đổi do kỹ thuật thời này không cho phép hệ dẫn đường bay bám địa hình nhưng độ cao được thiết lập vừa đủ để nó trên tầm với các loại súng phòng không cỡ nhỏ nhưng lại quá thấp để các loại pháo phòng không cỡ lớn hoạt động hiệu quả.
2.3.1 Phiên bản V-1 bắn từ giá phóng mặt đất cố định
Phần lớn V-1 được phóng từ mặt đất qua các giá phóng cố định hoạt động bằng hơi nước hoặc gas. Không quân Đồng minh luôn cố gắng phá hủy các giá phóng này ngay khi phát hiện được và nỗ lực này đã góp phần làm giảm đáng kể lượng V-1 bắn vào nước Anh.
2.3.2 Phiên bản V-1 phóng từ máy bay Heinkel He-111H (1944)
Các giá phóng cố định của V-1 nhanh chóng trở thành mục tiêu oanh tạc dữ dội của không quân Đồng minh và sau D-day thì số lượng giá phóng cố định có khả năng bắn tới các mục tiêu trên nước Anh giảm xuống nhanh chóng.
Người Đức vì thế phải phát triển phương án phóng V-1 từ các máy bay ném bom Heinkel He-111H của họ. Phương án này khiến cho tầm bắn của V-1 tăng vọt so với phương án giá phóng cố định nhưng độ chính xác thì tệ hơn nhiều.
2.3.3 Phương án phóng V-1 từ các máy bay phản lực ném bom
Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng máy bay phản lực ném bom trong không quân Đức với các máy bay như Arado Ar 234 Blitz (1944) đã cung cấp một lựa chọn mới cho việc phóng V-1. Tốc độ lớn và khả năng sống sót cao của các máy bay ném bom phản lực này cho phép chúng xâm nhập sâu hơn vào không phận đối phương và tạo điều kiện để V-1 tấn công thẳng vào hậu phương kẻ thù dù mặt trận đang ngày càng lùi dần về phía nước Đức. Một vài phương án phóng V-1 từ các máy bay này đã được phát triển như kéo theo bằng cáp, treo dưới bụng hay cõng trên lưng.
Hầu hết trong số những thiết kế này ra đời quá chậm để tham chiến do các nhà máy sản xuất chúng bị tấn công ngày càng dữ dội và thiệt hại nặng nề.
(Còn tiếp)
V-1 Buzz Bomb
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA