Mua Su-35, Trung Quốc mất nhiều hơn được?

Bình Nguyên |

Trung Quốc sẽ được nhiều hơn hay mất nhiều hơn nếu thương vụ mua máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35 thành công?

Gần đây, Không quân Trung Quốc đã liên tiếp trình làng, bay thử các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 là J-20J-31.

Trong khi đó, 2 dòng tiêm kích thế hệ 4 do họ tự chế tạo dựa trên việc mua thiết kế sơ bộ từ nước ngoài và sao chép công nghệ như J-10BJ-16 đã bắt đầu được đưa vào sản xuất loạt.

Điều này cho thấy đã có những bước tiến dài của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc. Vậy mà họ vẫn bằng mọi giá mua Su-35, thậm chí đã cử phi công, thợ máy sang Nga học chuyển loại dù hợp đồng chưa chính thức được ký kết.

Trung Quốc được nhiều…

So với Nga và Phương Tây, ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc còn thua kém nhiều mặt, chủ yếu rơi vào những công nghệ cốt lõi, đặc biệt là về động cơ, vũ khí và hệ thống điện tử hàng không.

Được tổng thống Putin bật đèn xanh, khả năng cao là Trung Quốc sẽ sớm mua được Su-35 với cấu hình tiêu chuẩn.

Su-35 có thể sẽ sớm xuất hiện tại Trung Quốc

Điều này không chỉ giúp Trung Quốc sở hữu dòng tiêm kích đa năng thế hệ 4++ với một số tính năng tiệm cận máy bay thế hệ 5 mà còn giúp họ nghiên cứu, khắc phục những điểm yếu cố hữu.

Hoặc đơn giản hơn, Trung Quốc có thể sao chép và sản xuất hàng loạt từ chính nguyên mẫu giống như J-11/J-11B và J-15. Rõ ràng, Trung Quốc sẽ được những thứ sau:

Nâng cao sức răn đe và khả năng tác chiến, chiếm ưu thế trên không: Su-35 được đánh giá có tính năng vượt trội các máy bay thế 4 và 4+ của các quốc gia trong khu vực, thậm chí còn là đối thủ đáng gờm của tiêm kích thế hệ 5 như F-22F-35.

Thậm chí nhiều chuyên gia còn cho rằng dựa trên Su-35, Trung Quốc sẽ chế tạo dòng máy bay mới có khả năng mang phóng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Radar mảng pha quét thụ động Irbis-E

Nghiên cứu, chế tạo radar quét mảng pha thụ động tiên tiến: Irbis-E được đánh giá có sức mạnh vượt trội so với tất cả các loại radar trang bị trên những máy bay chiến đấu thế hệ 4, 4+ khác.

Irbis-E có khả năng đối kháng điện tử tốt hơn, phát hiện được mục tiêu bay cỡ lớn từ khoảng cách 400 km, bám sát tới 30 mục tiêu, đồng thời tự động lựa chọn, ưu tiên, điều khiển vũ khí tiêu diệt 8 mục tiêu cùng lúc.

Ở chế độ đánh đất, radar cho phép tiến công đồng thời 4 mục tiêu bằng vũ khí điều khiển chính xác trong khi vẫn đảm bảo phát hiện các mục tiêu bay để tiến công chúng bằng tên lửa đối không có đầu dò chủ động.

Trong khi tính năng của các radar chế tạo trong nước được Trung Quốc ra sức quảng cáo là hàng đầu, là tiên tiến nhưng nhiều chuyên gia đánh giá chất lượng của chúng còn rất khiêm tốn.

Việc có trong tay nguyên mẫu của một trong những loại radar hàng đầu sẽ giúp họ có “cơ sở” và “niềm tin” để chế tạo được những thế hệ radar mới tốt hơn.

Động cơ turbine phản lực cánh quạt có điều khiển vector lực đẩy 117S

Nghiên cứu, chế tạo động cơ điều khiển vector lực đẩy tương lai: mặc dù động cơ 117S (AL-41F-1S) đã trang bị cho các tiêm kích thế hệ 4+, nhưng với máy bay tàng hình J-20, J-31 của Trung Quốc nó vẫn là thứ xa xỉ, ngoài tầm với. Do vậy việc họ thèm khát là điều dễ hiểu.

Tên lửa không đối không tầm siêu xa R-172

Nghiên cứu, chế tạo tên lửa không đối không tầm siêu xa: đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về các loại vũ khí đi kèm với Su-35 nếu được bán cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng dòng tên lửa Novator K-100 (còn gọi là R-172 hay KS-172) chuyên diệt máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) với tầm bắn lên tới 400 km sẽ được chuyển giao.

Đây là mơ ước không chỉ của Trung Quốc mà còn của chính Nga và các nước Phương Tây. Nếu được sở hữu, Su-35 sẽ như hổ thêm cánh, phát huy tối đa năng lực của radar Irbis-E và giúp các chuyên gia Trung Quốc thỏa lòng mong mỏi.

… nhưng liệu có mất nhiều hơn?

Trung Quốc còn xa mới đạt đến trình độ như Nga và Phương Tây nên họ phải tìm cách nhanh nhất để rút ngắn khoảng cách.

Do đó, không gì tốt bằng mua một số lượng nhỏ Su-35 để từ đó mày mò, nghiên cứu chế tạo những thứ tương tự, tạo sức bật mới cho ngành công nghiệp hàng không nước này.

Vẫn biết vậy, nhưng ngoại trừ tên lửa K-100, tất cả vũ khí, động cơ, hệ thống điện tử hàng không và tổng thể là toàn bộ máy bay Su-35 đã bắt đầu ở bên kia sườn dốc khi Nga đã và đang lần lượt cho ra đời các thế hệ kế tiếp, hiện đại hơn.

Mặc dù được đánh giá cao nhưng thực sự Su-35 đã ở bên kia sườn dốc

Việc hăm hở lao vào “gặm cục xương” mà Nga đưa cho bị đánh giá có thể sẽ khiến Trung Quốc mất nhiều hơn được:

Thứ nhất, với số lượng nhỏ (theo nhiều nguồn tin là không quá 24 chiếc), Su-35 sẽ không tạo được bước ngoặt về chất và nâng cao khả năng tác chiến của không quân nước này.

Thứ hai, sẽ phải mất nhiều năm kể từ khi tiếp nhận, bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm Trung Quốc mới cho ra được sản phẩm tương tự với tính năng chưa chắc đã bằng với nguyên mẫu.

Điển hình như J-11B sao chép từ Su-27SK mất hơn 10 năm (tiếp nhận chiếc đầu tiên năm 1992, sản xuất theo giấy phép từ năm 1995 nhưng mãi đến năm 2007 vụ việc sao chép công nghệ mới dần lộ sáng).

Hay như tiêm kích hạm J-15 phát triển trên nguyên mẫu T-10K-3 mua của Ukraina từ năm 2001, đến tận năm 2009 mới bay thử chuyến đầu và bắt đầu đưa vào trang bị từ năm 2013.

Thứ ba, nhiều chuyên gia cho rằng nếu tập trung tự nghiên cứu thì mặc dù mất nhiều thời gian nhưng Trung Quốc có thể đi tắt, đón đầu, cho ra đời các thế hệ vũ khí, trang bị vượt hẳn lên chứ không phải loay hoay, dậm chân tại chỗ với công nghệ của máy bay thế hệ 4.

Chương trình nghiên cứu J-20 của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng vì Su-35

Thậm chí có chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng, động cơ mới cho máy bay J-20 đang tự phát triển là rất khả quan không nên đứng núi này trông núi nọ.

Bên cạnh đó, radar quét mảng pha thụ động Irbis-E đã qua thời kỳ công nghệ đỉnh cao, bắt đầu lạc hậu khi nhiều loại radar thế hệ mới như N036 Byelka trang bị trên tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA của Nga đã ra đời.

Tóm lại, nếu “gật đầu”, bên cạnh các mối lợi về địa - chính trị - kinh tế cho cả 2 bên, Nga sẽ là "ngư ông đắc lợi" vì mặc dù tiên tiến nhưng Su-35 đã ở cuối vòng đời công nghệ, không còn là mối lo ngại lớn, kể cả khi bị sao chép.

Bên cạnh đó, trong lúc đối tác loay hoay “gặm khúc xương khó nhằn” Nga vừa có tiền để phát triển máy bay thế hệ mới, vừa “giúp” Trung Quốc tiếp tục lạc hậu hơn về công nghệ hàng không.

Hơn thế nữa, việc dòng tiêm kích này xuất hiện trong khu vực sẽ khiến các quốc gia liên quan phải tìm cách đối phó bằng việc mua nhiều hơn vũ khí hiện đại của Nga và Phương Tây.

Rõ ràng nếu cố gắng mua Su-35, Trung Quốc được nhiều nhưng mất còn nhiều hơn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại