Trang mạng War is Boring đăng bài viết cho biết:
Thông thường, các tên lửa chiến lược mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn liên lục địa đều là tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, ít người biết rằng trong những năm 1950, giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã phát triển một loại tên lửa hành trình chiến lược với tên gọi Snark.
Còn được xem là một máy bay ném bom hạt nhân không người lái, Snark là tên lửa hành trình chiến lược đầu tiên được đưa vào sử dụng trên thế giới.
Nó được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên chiến tranh tự động hóa nhưng trên thực tế, đây lại là một thất bại nặng nề.
Ngay sau khi Thế chiến II vừa kết thúc, người Mỹ muốn có một loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân và tấn công những mục tiêu tại Liên Xô với độ chính xác cao.
Công nghệ tên lửa đạn đạo khi đó vẫn chưa phát triển. Chúng có giá thành rất đắt và đặc biệt là vẫn sử dụng nhiên liệu lỏng rất độc hại, có độ ăn mòn cao.
Nhiên liệu lỏng chỉ có thể được bơm ngay trước khi phóng nên làm giảm khả năng cơ động và linh hoạt của tên lửa đạn đạo vào thời điểm đó.
Tên lửa hành trình cũng có những nhược điểm riêng như dễ bị bắn hạ, tiêu biểu là tên lửa V-1 của Đức quốc xã, tên lửa hành trình đầu tiên của thế giới.
Tuy vậy, trong thời kỳ Thế chiến II, không quân Mỹ cũng đã khởi động một số chương trình tên lửa hành trình của riêng mình.
Ấn tượng trên lý thuyết
Chương trình Snark được bắt đầu từ tháng 3/1946 và kéo dài trong 11 năm. Các thông số kỹ thuật của tên lửa hành trình này khá ấn tượng.
Sức tải cho phép nó có thể mang theo đầu đạn hạt nhân mà vẫn còn nhiều không gian để chứa nhiên liệu.
Hệ thống dẫn đường dựa trên quán tính, nhưng được bổ sung thêm hệ thống định vị dựa trên việc chụp ảnh các chòm sao để tăng độ chính xác. Thiết kế khí động học của tên lửa cũng rất hiệu quả.
Tuy vậy, quá trình phát triển và thử nghiệm của Snark diễn ra không mấy suôn sẻ.
Tên lửa Snark trong một cuộc thử nghiệm tại căn cứ không quân Cape Canaveral, bang Florida.
Nguyên mẫu đầu tiên với kích thước thật gặp thất bại trong 5 lần phóng thử liên tiếp, trước khi các kỹ sư phát hiện ra nguyên nhân nằm ở động cơ phản lực J71 mà những nguyên mẫu này sử dụng.
Phiên bản sản xuất hàng loạt của Snark sử dụng động cơ J57 do Pratt & Whitney sản xuất. Nó mang theo 12 tấn nhiên liệu và có tầm bay lên đến hơn 10.000 km.
Snark được triển khai trên một giàn phóng di động. Hai tên lửa đẩy với sức đẩy tổng cộng 60 tấn được dùng để phóng Snark lên không.
Những tên lửa này sẽ tách ra sau khi đã đưa nó vào quỹ đạo ban đầu. Từ đó, động cơ phản lực chính được kích hoạt để duy trì tốc độ Mach 0,93 và tiếp tục tăng độ cao cho đến khi tên lửa đạt đến độ cao hành trình, khoảng 14,5 km.
Khi đến gần mục tiêu, Snark sẽ phóng ra đầu đạn nhiệt hạch được gắn ở phần mũi tên lửa. Sức công phá của đầu đạn này có thể lên đến 1 triệu tấn TNT.
Một điểm đặc biệt là Snark có thể quay trở về căn cứ để tái sử dụng nếu đầu đạn không được triển khai.
Những phiên bản sau này còn có khả năng phóng ra mục tiêu giả để đánh lạc hướng hệ thống phòng không của đối phương.
Đến những năm 1960, Không quân Mỹ cải tiến Snark để nó có thể bay ở độ cao thấp nhằm tránh radar. Ý tưởng biến nó thành một máy bay do thám không người lái cũng được đề xuất nhưng bị bác bỏ.
Tương tự như V-1, Snark có khả năng cơ động khá tốt. Nó có thể dễ dàng được di chuyển từ căn cứ đến bãi phóng thử bằng máy bay vận tải C-124.
Trên lý thuyết, sau khi hạ cánh, Snark có thể sẵn sàng trong thời gian tối thiểu là 1 giờ.
Thất bại trên thực tế
Song trên thực tế, rất nhiều lần những tên lửa này bay chệch mục tiêu hay thậm chí là hoàn toàn biến mất sau khi được phóng thử.
Vấn đề chính nằm ở hệ thống dẫn đường. Với những lần phóng thử với khoảng cách hơn 3.000 km thì sai số trở nên quá lớn đến mức tên lửa có thể chệch mục tiêu 30 km.
Kết quả lần bắn tốt nhất cũng có sai số đến 8 km. Với độ chính xác kém như vậy, ngay cả một đầu đạn nhiệt hạch cũng khó có đủ sức công phá để tiêu diệt mục tiêu.
Mặc dù ấn tượng trên lý thuyết nhưng trên thực tế, tên lửa Snark là một thất bại nặng nề.
Tuy vậy, Bộ tư lệnh không quân chiến lược, cơ quan chỉ huy các tên lửa và máy bay ném bom mang vũ khí hạt nhân, vẫn quyết định đưa Snark vào biên chế chính thức từ năm 1959 và trực thuộc Đoàn tên lửa chiến lược 702.
Tổng cộng chỉ có 30 tên lửa Snark được chế tạo và bàn giao.
Thời gian phục vụ của đơn vị này rất ngắn ngủi. Đoàn 702 bị giải tán vào tháng 6/1961. Snark khi đó chỉ được xem là giải pháp tạm thời trong lúc các công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa được hoàn thiện.
Từ cuối những năm 1950, Không quân Mỹ đã bắt đầu triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa Atlas, khiến cho sự tồn tại của Snark trở nên không cần thiết.
Tổng thống Kennedy đã nhận xét đây là một loại vũ khí “lỗi thời và có rất ít giá trị về mặt quân sự”.
Với sự thất bại của chương trình Snark, ý tưởng về tên lửa hành trình chiến lược cũng bị xếp xó. Ngày nay, các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ đều là tên lửa đạn đạo.
Các tên lửa hành trình chiến thuật như Tomahawk cũng có một khoảng thời gian trong Chiến tranh lạnh được trang bị đầu đạn hạt nhân nhưng hiện nay đều chỉ mang đầu đạn thông thường.