Mao Trạch Đông khiến TQ đổ vỡ tham vọng tàu ngầm hạt nhân ra sao?

Anh Trần |

(Soha.vn) - Năm 1958, TQ đề nghị Liên Xô trợ giúp trong việc phát triển một hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra những “vòi vĩnh” thái quá.

Tham vọng tàu ngầm hạt nhân

Ngày 1/7/1958, đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc, Pavel Yudin đã có cuộc hội kiến với Mao Trạch Đông để thảo luận về vấn đề này. Yudin nói rằng, đề nghị của Trung Quốc đã được Moscow cân nhắc nhiều lần. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, một hạm đội tàu ngầm hạt nhân là mục tiêu khó khăn ngay cả với quân đội Xô Viết. Đây là một lực lượng tiên tiến và đắt đỏ. Quả thực trong thời gian này, Liên Xô đang vật lộn với những tàu ngầm hạt nhân thế hệ đầu của mình như Project 627, Project 645.

Thay vào đó, viên đại sứ nói rằng, Liên Xô có ý tưởng về việc xây dựng một hạm đội liên hợp giữa hai nước, vùng bờ biển của của Trung Quốc được đánh giá là có vị trí chiến lược đặc biệt phù hợp cho các hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương. Yudin mời Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài và Thủ tướng Chu Ân Lai sang Moscow thảo luận trực tiếp về ý tưởng này.

Thế nhưng Mao Trạch Đông lại đưa ra vấn đề quyền sở hữu và quản lý hạm đội nên đại sứ Yudin từ chối thảo luận chi tiết. Chủ tịch Trung Quốc đã có phần không hài lòng vì điều này.

Hôm sau, đại sứ Liên Xô được mời đến tham gia cuộc họp của Bộ chính trị, Mao Trạch Đông muốn ông ta trình bày lại vấn đề cho các Ủy viên tham vấn. Chẳng ngờ sau đó lại dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt về vị thế của Liên Xô và Trung Quôc, về vấn đề Trung Quốc có nên sở hữu vũ khí hạt nhân…

Chuyến thăm bí mật của Khrushchev

Tình hình căng thẳng khiến Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchev rất lo lắng. Ngày 31/7, Khrushchev sang Trung Quốc. Khi chiếc máy bay Tu-104 hạ cánh xuống sân bay quân sự Nam Uyển, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đã chờ sẵn ở đó. Tất cả diễn ra rất lặng lẽ, không có báo giới, không có đội nghi lễ, cũng không có màn ôm hôn thắm thiết như thường thấy. Mao Trạch Đông chỉ bắt tay chào hỏi Khrushchev…Đoàn người rời Nam Uyển về thẳng Trung Nam Hải. Cuộc hội đàm tại Di Niên Đường được bắt đầu từ ngay lúc xuống xe. Lúc này, đi theo Mao Trạch Đông chỉ còn Đặng Tiểu Bình và Dương Thượng Côn, phía Liên Xô, Pavel Yudin không có mặt vì “bị ốm”.

Mao Trạch Đông và Khrushchev trò chuyện tại Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1958 của ông Khrushchev
Mao Trạch Đông và Khrushchev trò chuyện tại Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1958 của ông Khrushchev

Khrushchev một lần nữa nêu ra ý tưởng về hạm đội liên hợp đặt căn cứ trên đất Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Liên Xô cho rằng, hiện tại các tàu ngầm cũng như hạm đội của Liên Xô đang bắt đầu hoạt động ở Thái Bình Dương nhằm đối phó lại với hoạt động của Hạm đội 7 Mỹ. Tuy nhiên căn cứ đặt tại Vladivostok là một bất lợi về khoảng cách. Một hạm đội liên hợp trên đất Trung Quốc sẽ giúp tăng cường sức mạnh phòng thủ cho cả hai. Đặc biệt là khi tình hình ở eo biển Đài Loan đang căng thẳng.

Bên cạnh đó, Khrushchev cũng đề cập lại việc xây dựng một trạm sóng dài phục vụ cho công tác chỉ huy liên lạc hạm đội tàu ngầm. Chi phí xây dựng sẽ được Liên Xô chi trả 70%. Vấn đề này đã từng được hai bên thương lượng trước đó ở cấp Bộ trưởng.

Mao Trạch Đông từ lâu đã có những suy tính riêng. Nhớ lại trong Hội nghị Moscow tám tháng trước đó, lãnh tụ Đảng Cộng sản Ba Lan không đồng ý với cách đặt vấn đề "đứng đầu là Liên Xô”, Mao Trạch Đông đã nói với nhà lãnh đạo này rằng: "Cần hay không cần người đứng đầu, đây không phải là việc riêng của chúng ta. Đế quốc có người đứng đầu, chúng ta cũng cần phải có người đứng đầu, bất chợt xảy ra chuyện gì, tất phải có một người đứng ra triệu tập chứ. Nói ngay lần họp Hội nghị này, Liên Xô không đứng ra, chúng ta biết làm thế nào?... Liên Xô lực lượng có bao nhiêu, tôi và đồng chí lực lượng có bao nhiêu?"

Thật vậy, Hải quân Trung Quốc thành lập còn chưa được 10 năm, lực lượng chủ yếu là các tàu cũ và nhỏ chỉ có khả năng phòng thủ ven bờ. Những phương tiện, trang bị hiện đại hiếm hoi như tàu ngầm Project 613/ Whiskey đều do Liên Xô viện trợ. Nếu đồng ý thành lập một hạm đội liên hợp, Trung Quốc sẽ bị áp đảo hoàn toàn, nếu không muốn nói rằng, họ chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ, hậu cần cho các đơn vị Liên Xô.

Không những vậy, theo Mao Trạch Đông, Moscow đang muốn kiểm soát sức mạnh ngày một tăng của Bắc Kinh. Đường bờ biển của Trung Quốc sẽ lệ thuộc vào sự bảo vệ của các hạm đội Liên Xô, bỏ lại quân đội Trung Quốc chỉ có khả năng thực hiện “chiến tranh du kích”.

Tàu ngầm thuộc project 613 - Loại tàu ngầm đầu tiên mà Trung Quốc có do Liên Xô viện trợ
Tàu ngầm thuộc project 613 - Loại tàu ngầm đầu tiên mà Trung Quốc có do Liên Xô viện trợ

Mao Trạch Đông tất nhiên sẽ không chấp nhận việc này. Mao Trạch Đông muốn Khrushchev biết rằng, Trung Quốc rất cần giúp đỡ để xây dựng một hạm đội tàu ngầm hạt nhân, nhưng nếu phải chịu lệ thuộc vào sự quản lý của Liên Xô thì Trung Quốc sẵn sàng rút lại yêu cầu. Nếu có chiến tranh, Trung Quốc sẵn sàng cho Liên Xô hoạt động trên các căn cứ của mình, quyền quản lý vẫn thuộc về người Trung Quốc. Đổi lại, Liên Xô phải cho Trung Quốc sử dụng căn cứ Vladivostok.

Cuộc đàm phán lại nhanh chóng đi đến hồi căng thẳng:

- Khrushchev: Chúng tôi đến đây là để cùng các đồng chí thương lượng.

- Mao Trạch Đông : Thế nào là cùng thương lượng, chúng tôi có hay không có chủ quyền? Có phải các đồng chí muốn lấy vùng đất duyên hải của chúng tôi chăng? Thì các đồng chí cứ lấy hết đi là xong.

Khrushchev biết Mao Trạch Đông đang nổi cơn giận dữ và coi Liên Xô như “Đế quốc Đỏ”. Ông cố gắng giữ bình tĩnh:

- Đồng chí Mao Trạch Đông, chúng ta có thể thỏa thuận một Hiệp nghị nào đó, để tàu ngầm của chúng tôi có một căn cứ trên đất nước các đồng chí, tiện lợi cho việc tiếp dầu, sửa chữa, nghỉ ngơi ngắn hạn?

- Không được! - Mao Trạch Đông vẫn từ chối dứt khoát. - Tôi không muốn nghe lại việc này nữa.

Khrushchev khép mắt lại thành một đường thẳng, đó là khi ông ta cũng đang giận dữ , nhưng vẫn cố gắng:

- Để hợp lý hợp tình, nếu như đồng chí muốn, đồng chí Mao Trạch Đông, tàu ngầm của các đồng chí có thể sử dụng cảng Murmansk của chúng tôi làm căn cứ.

Mao Trạch Đông đổi giọng chậm rãi nhưng vẫn khăng khăng:

- Chúng tôi không nghĩ đến Murmansk của các đồng chí, không nghĩ đến việc làm nhà cửa ở đấy và cũng không mong muốn các đồng chí làm nhà cửa ở đây.

Khrushchev giữ im lặng, nhìn đồng minh mà cũng là đối thủ của mình.

Mao Trạch Đông tiếp:

- Người Anh, người Nhật, và nhiều người nước ngoài nữa từng dừng chân rất lâu trên đất nước chúng tôi, đã bị chúng tôi đánh đuổi đi. Đồng chí Khrushchev, xin nói lại một lần nữa: Chúng tôi không muốn để bất cứ người nào dùng đất đai của chúng tôi cho mục đích riêng của họ.

Khrushchev mở to đôi mắt:

- Các đồng chí không đồng ý thì thôi, chúng ta không bàn đến chủ đề này nữa.

Đến ngày hôm sau, Mao Trạch Đông và Khrushchev còn tiếp tục một cuộc hội đàm kín nữa tại bể bơi. Vấn đề về hạm đội liên hợp và trạm sóng dài đã không còn được nhắc đến để tránh gây căng thẳng, nhưng thật không ngờ, hai bên lại tiếp tục mâu thuẫn gay gắt về vấn đề “Đại nhảy vọt” đang được Mao Trạch Đông cổ vũ thực hiện.

Khrushchev ở lại Bắc Kinh tới ngày 3/8. Lúc đi chỉ khác lúc đến là sự kiện này đã được công khai. Mao Trạch Đông tuy có ra sân bay tiễn Tổng bí thư Liên Xô nhưng không muốn ngồi chung xe. Vẫn không có nghi thức tiễn biệt và Mao Trạch Đông cũng chỉ bắt tay tạm biệt chứ không có ôm hôn Khruschchev.

Chuyến thăm đã có ảnh hưởng rất lớn tới mối quan hệ hai nước sau này.

Ngày 20/6/1959, Liên Xô từ chối thẳng thừng việc trợ giúp công nghệ đầy đủ cho Trung Quốc phát triển bom hạt nhân. Từ 16/7/1960, Moscow đánh tiếng với Trung Quốc rằng sẽ rút các chuyên gia đang làm việc tại Trung Quốc về nước. Trung Quốc nhận ra rằng họ có rất ít cơ hội để có được sự trợ giúp công nghệ hạt nhân từ Liên Xô. Việc các chuyên gia Xô Viết rời khỏi Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh mẽ vào sự phát triển vũ khí và năng lượng hạt nhân của Trung Quốc. Quan hệ Xô-Trung xấu đi nhanh chóng.

*Bài viết tham khảo tư liệu từ cuốn "Ngọn lửa chiến tranh lạnh" (Nguyên bản tiếng Trung: "Lãnh chiến phong hoả") do Nhà xuất bản Thanh niên giới thiệu và "A brief analysis of the Sino-Soviet Alliance: The Political Process of 1957-1959" của giáo sư Mori Kazuko, Đại học Waseda, Nhật Bản.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại