Lý do thực sự Trung Quốc cần tàu sân bay

Theo Bryan McGrath, cựu Phó Tư lệnh Hải quân Mỹ, với việc tự chế tạo tàu sân bay, Trung Quốc đang theo đuổi 3 mục tiêu chiến lược.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel là khách mời danh dự trong chuyến thăm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, một sự kiện một lần nữa lại khuấy động mối quan tâm của các phương tiện truyền thông Mỹ đối với lực lượng hải quân của Bắc Kinh và vai trò của chiếc tàu sân bay này cũng như một số tàu sân bay khác mà Trung Quốc đang xây dựng trong thời gian tới.

Chưa rõ là cuối cùng Trung Quốc sẽ chế tạo bao nhiêu chiếc tàu sân bay, nhưng một số nhà bình luận đã ngay lập tức xác định rằng mục đích mà Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xây dựng tàu sân bay là nhằm ngăn chặn hải quân Mỹ tiếp cận khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo Bryan McGrath, giảng viên tại Viện Hudson (Mỹ), đồng thời là Giám đốc điều hành của FerryBridge - công ty tư vấn quốc phòng - và Seth Cropsey, cựu Phó Tư lệnh hải quân Mỹ và hiện đang là một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, Bắc Kinh hiện đang theo đuổi những mục tiêu chiến lược dưới đây:

Uy tín

Khi nói đến sức mạnh của lực lượng hải quân và tàu chiến, tàu sân bay là một vấn đề quan trọng. Với khả năng tấn công gây sát thương khủng khiếp từ một khoảng cách rất xa, tàu sân bay đã trở thành biểu tượng thống trị của sức mạnh hải quân Mỹ trong 7 thập kỷ qua. Khả năng hoạt động của nó như một nền tảng để triển khai sức mạnh và là nhân tố quan trọng nhất cấu thành một lực lượng hải quân đẳng cấp thế giới.

Vùng lân cận

Khi Trung Quốc đánh giá môi trường địa chiến lược của mình, một số cường quốc trong khu vực sẽ được Bắc Kinh so sánh và lưu ý đặc biệt, trong đó Ấn Độ xếp thứ nhất, Australia thứ 2 và Nhật Bản thứ 3. Bởi vì, các quốc gia này đều có khả năng triển khai một cuộc tấn công từ trên biển bằng máy bay chiến đấu cánh cố định, mặc dù tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản sẽ phải thiết kế bổ sung để thực hiện điều này.

Nhiệm vụ

Nếu cho rằng chương trình tàu sân bay của PLA được thiết kế chỉ là một phần chiến lược nhằm chống lại việc Mỹ sử dụng sức mạnh hải quân của mình để hòa giải cuộc xung đột Đông Á thì thực sự đó là một thiếu sót. Trung Quốc đang phát triển tàu sân bay để thể hiện sự vượt trội với các nước láng giềng, chủ yếu răn đe và chiếm ưu thế vượt trội đối với những quốc gia có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh như Nhật Bản và Philippines.

Trung Quốc không cần phải xây dựng một lực lượng hải quân lớn mạnh như Hải quân Mỹ khiến cho các nước láng giềng sợ hãi và không tin tưởng. Nước này chỉ cần phát triển một lực lượng hải quân với các phương tiện đáng tin cậy để thể hiện sức mạnh trước những người láng giềng của mình.

Nói cách khác, mục tiêu chiến lược của PLA trong việc xây dựng một lực lượng tàu sân bay không phải là Hải quân Mỹ. Mạng lưới các liên minh mà lợi ích kinh tế và an ninh lâu dài của Mỹ trong khu vực vẫn cần phải duy trì. Do đó, Trung Quốc muốn tạo ra sự không chắc chắn và nghi ngờ đối với các nước trong khu vực rằng những cam kết của Mỹ trong việc tiếp tục đảm bảo an ninh của họ đang suy giảm.

Trong khi đó, một số chuyên gia quân sự cho rằng chương trình tàu sân bay Trung Quốc thực sự là có lợi cho Mỹ. Theo họ, chi phí xây dựng và trang bị một hạm đội tàu sân bay sẽ khiến cho ngân sách quốc phòng của PLA suy giảm – giống như số phận hiện nay mà quân đội Anh đang trải qua khi cố gắng chế tạo và trang bị cho một tàu sân bay của họ (theo kế hoạch Anh dự kiến chế tạo 2 chiếc).

Tuy nhiên, trong khi việc chế tạo một tàu sân bay và các trang thiết bị liên quan rất tốn kém, thì nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc vẫn có thể đáp ứng được tham vọng này và Bắc Kinh có thể dễ dàng huy động các nguồn lực cần thiết để tạo ra một vài tàu sân bay.

Một phần trong chiến lược tàu sân bay của Bắc Kinh rõ ràng là nhằm củng cố những tuyên bố chủ quyền quá mức của mình, tạo ra khả năng tấn công mà theo một sĩ quan tình báo hải quân Mỹ gọi là các cuộc chiến tranh “chớp nhoáng” và phát triển khả năng chống tiếp cận để có thể làm giảm sự phản ứng của Mỹ đối với các hành động trên.

Với việc triển khai nhằm đạt được đồng thời 3 mục tiêu như vậy, Bắc Kinh hy vọng chiếm ưu thế trên biển mà không cần phải xảy ra xung đột, bằng cách thực hiện những gì mà Tiến sĩ Andrew Krepinevich tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Mỹ) gọi là "chính sách gây ảnh hưởng” ở Thái Bình Dương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại