Đối phó Trung Quốc, châu Á sẽ đóng thêm 1.000 tàu chiến

Minh Đức |

(Soha.vn) - AMI dự đoán khu vực châu Á-TBD sẽ chi khoảng 200 tỷ USD để mua sắm tàu chiến mặt nước và tàu ngầm mới vào năm 2032, chiếm khoảng 25% thị trường tàu chiến toàn cầu.

Tờ Defense News (Mỹ) đăng bài viết nhận định Trung Quốc đang đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Thị trường vũ khí hải quân đang nóng lên tại châu Á - Thái Bình Dương với số lượng lớn tàu chiến mới sẽ được trang bị nhằm nâng cao sức mạnh cho các quốc gia trong khu vực những năm tới.

Công ty phân tích hàng hải AMI International (trụ sở tại Mỹ) nhận định, Châu Á - Thái Bình Dương đã vượt qua châu Âu trở thành thị trường vũ khí hải quân lớn thứ 2 thế giới. AMI dự đoán khu vực này sẽ chi khoảng 200 tỷ USD để mua sắm tàu chiến mặt nước và tàu ngầm mới vào năm 2032, chiếm khoảng 25% thị trường tàu chiến toàn cầu.

Ít nhất 100 tàu ngầm sẽ gia nhập lực lượng hải quân các nước trong khu vực, chiếm khoảng 40% số lượng tàu ngầm đóng mới trên toàn cầu và khoảng 1.000 tàu chiến có chiều dài trên 30 mét cũng sẽ được đóng trong thời gian tới.

Nhân tố chính kích động cuộc chạy đua này là Trung Quốc. Sự tranh chấp lãnh hải và những nỗ lực hiện đại hóa quân đội trên quy mô lớn của quốc gia này đã thúc đẩy các nước trong khu vực mua sắm vũ khí mới, nâng cấp các hệ thống cũ, tăng cường đào tạo cũng như tiến hành các hoạt động gần gũi hơn với Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước gia tăng sức mạnh quân sự đều là để đối phó với Bắc Kinh. Singapore là một ví dụ, họ đang cảm thấy lo lắng về vấn nạn hải tặc ở eo biển Malacca cũng như nguy cơ xung đột tiềm tàng với Malaysia và Indonesia.

Quá trình hiện đại hóa quân đội chóng mặt của Trung Quốc đang trở thành tâm điểm kéo khu vực châu Á vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Quá trình hiện đại hóa quân đội nhanh đến chóng mặt của Trung Quốc đang trở thành tâm điểm kéo cả khu vực châu Á vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tony Beitinger, phó giám đốc phụ trách mảng khảo sát thị trường của AMI cho biết: “Một số quốc gia mua sắm vũ khí đơn thuần là thực hiện các kế hoạch nâng cấp dài hạn của họ, trong khi một số quốc gia khác phản ánh nhu cầu cao trong việc bảo vệ chủ quyền, các nguồn tài nguyên ngoài khơi và thương mại hàng hải trong một môi trường đang ngày càng bị đe dọa”.

Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang đối phó với Trung Quốc bằng một quân đội được trang bị tốt hơn so với các nước láng giềng của họ ở phía Nam cũng như một đối tác xa có nhiều khả năng sẽ tham gia vào các cuộc khủng hoảng đó là quân đội Mỹ.

Tokyo và Seoul đã có hiệp ước phòng thủ nhằm đảm bảo an ninh với Mỹ, trong khi đó Mỹ cũng cam kết giúp đỡ Đài Loan nếu Bắc Kinh sử dụng vũ lực để sáp nhập hòn đảo này. Tất cả những quốc gia và vùng lãnh thổ trên đều có nền công nghiệp phát triển, nắm giữ trong tay nhiều công nghệ tiên tiến về tàu chiến, máy bay, tên lửa.

Doug Barrie, thành viên cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS London, Anh bình luận: “Việc lựa chọn tiêm kích F-35 của Nhật Bản và Hàn Quốc phản ánh sự quan tâm ngày càng cao tới khả năng tàng hình của máy bay để tiến hành các hoạt động trong không phận tranh chấp cũng như nhấn mạnh vai trò tấn công của Seoul sau những lo ngại về tiềm lực quân sự của Triều Tiên”.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ trên đều thực hiện quá trình tái cơ cấu lực lượng máy bay chiến đấu, nâng cao khả năng cảnh báo sớm, cải thiện hệ thống tình báo, tăng cường khả năng trinh sát - giám sát, tuần tra trên biển và chống tàu ngầm.

Trong khi đó, Mỹ đang chuyển lực lượng của mình về Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc đang có kế hoạch thay đổi việc triển khai tàu chiến từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương với tỷ lệ tương ứng là 1:1 và 3:4. Thủy quân lục chiến sẽ triển khai xoay vòng thông qua các căn cứ chính ở Guam, Okinawa và Australia, đặt cảng neo đậu tàu chiến ven bờ LCS ở Singapore cùng một căn cứ F-35 tại Nhật Bản và tìm cách triển khai thiết bị quân sự cùng các lực lượng luân phiên tại Philippines dưới danh nghĩa của các chương trình hỗ trợ nhân đạo. Đối với từng quốc gia, chương trình phát triển lực lượng cụ thể của họ như sau.

Nhật Bản: Cởi trói nền công nghiệp

Nhật Bản chỉ cần sửa đổi lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được quy định trong Hiến pháp kể từ sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 là có thể làm bùng nổ một nền công nghiệp quốc phòng mà từ trước đến nay chỉ bó hẹp trong việc chế tạo vũ khí cho quân đội Nhật Bản.

Chỉ cần dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản có thể nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Chỉ cần dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản có thể nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Phần lớn kế hoạch này là một phản ứng trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên. Đi kèm với việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản cũng lên kế hoạch nhập khẩu F-35 cùng nhiều vũ khí tiên tiến khác. F-35 được thiết kế để chống lại máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20, J-31 của Trung Quốc cũng như các hệ thống phòng không hiện đại của Nga.

Nhật Bản đang tiến hành hiện đại hóa hệ thống C4ISR để tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng hiện có và cũng đang cố gắng phát triển lực lượng thủy quân lục chiến theo mô hình tương tự như Mỹ. Ngoài ra, nước này còn có kế hoạch mua sắm tàu đổ bộ mới để bảo vệ quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc.

Beitinger cho biết Nhật Bản đã thông qua kế hoạch mua 4 tàu đổ bộ trực thăng mới để bổ sung cho đội tàu đổ bộ Osumi hiện có; phát triển loại tàu khu trục phòng không/ phòng thủ tên lửa đạn đạo mới 33DDG bên cạnh các tàu khu trục Atago; phát triển tàu khu trục đa nhiệm 25DD để cải thiện năng lực phòng không và thay thế cho các tàu khu trục chống ngầm. Trong thập kỷ tới, Nhật Bản cũng có kế hoạch đóng mới các tàu ngầm sử dụng động cơ AIP để thay thế cho tàu ngầm lớp Harushio.

Hàn Quốc: Tiếp tục xây dựng

Hàn Quốc là quốc gia lo lắng nhất về Trung Quốc và Triều Tiên mặc dù họ còn có những căng thẳng chính trị với Tokyo. Tuy nhiên, ít có khả năng xảy ra xung đột giữa hai nền dân chủ tại châu Á. Hàn Quốc đã quyết định lựa chọn F-35 thay thế cho F-15SK Silent Eagle như là một phản ứng trước sự lớn mạnh của Trung Quốc và mối đe dọa từ Triều Tiên.

Hải quân Hàn Quốc cũng đang mở rộng hạm đội chiến lược của mình, họ đang triển khai việc mua một lớp tàu sân bay mới nhằm tăng cường sức mạnh chống lại các mối đe dọa trong khu vực. Hàn Quốc sẽ mua một biến thể sửa đổi từ tàu đổ bộ trực thăng Dokdo có thể trang bị F-35B, trực thăng và các phương tiện bay không người lái khác.

Hải quân cũng đã phê duyệt kế hoạch mua sắm 3 tàu khu trục KDX-III để tăng cường sức mạnh phòng không và phòng thủ tên lửa đạn đạo. Họ cũng bắt đầu đóng mới tàu ngầm AIP nội địa với tải trọng 3.500 tấn được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng với 12 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Sky Dragon.

Đài Loan: Vũ khí "cây nhà lá vườn"

Đài Loan là vùng lãnh thổ duy nhất bị đe dọa sử dụng vũ lực nếu dám tuyên bố độc lập. Từ năm 2006, họ đã tìm cách mua 66 chiếc F-16C/D mới nhưng chỉ được Washington phê duyệt một gói nâng cấp 144 chiếc F-16A/B đã lạc hậu. Theo kế hoạch Đài Loan sẽ phải tiến hành loại biên 64 chiếc F-5 và 58 chiếc Mirage-2000 trong thời gian tới.

Đài Loan đang tập trung phát triển vũ khí nội địa khi mọi kế hoạch mua sắm từ bên ngoài gần như không thể thực hiện được.
Đài Loan đang tập trung phát triển vũ khí nội địa khi mọi kế hoạch mua sắm từ bên ngoài gần như không thể thực hiện được.

Lực lượng Không quân Đài Loan sẽ được sàng lọc trong khoảng từ 270-389 chiếc trong đó có 126 máy bay chiến đấu phòng thủ nội địa nâng cấp. Sự cản trở của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan là nhằm xoa dịu Trung Quốc, do đó quân đội Đài Loan đang nỗ lực để phát triển vũ khí bản địa trong đó có tàu chiến, tên lửa và có thể là tàu ngầm mới.

Hạm đội tàu chiến có lượng giãn nước trên 3.000 tấn của Đài Loan đã giảm hơn một nửa so với quy mô của năm 1996. Hải quân Đài Loan hiện được trang bị 18 tàu chiến có lượng giãn nước trên 3.000 tấn, họ đã bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách phát triển các tên lửa chống hạm Hsiung Feng 1/2/3, tên lửa hành trình tấn công mặt đất HF-2E, tên lửa không đối đất Vạn Kiếm.

Đài Loan cũng có kế hoạch đóng mới tàu ngầm nội địa nhưng nguồn tin công nghiệp quốc phòng hòn đảo này cho biết họ đang gặp nhiều khó khăn để có thể triển khai chương trình này trong thời gian trước mắt.

Máy bay của Hạm đội Đông Hải Trung Quốc trong một cuộc tập trận bắn đạn thật

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại