Loại tàu chiến nào bán chạy nhất hiện nay?

Ly Vy |

Theo báo cáo phân tích thị trường tàu chiến của công ty tư vấn Frost & Sullivan, khinh hạm đang dần trở thành loại tàu chiến chủ lực trong hầu hết các lực lượng hải quân.

Một bản phân tích mới của công ty tư vấn Frost & Sullivan (trụ sở tại California, Mỹ) nhận định:

Tình hình căng thẳng tại nhiều khu vực trên thế giới đã khiến nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Nga mở rộng các chương trình hiện đại hóa hải quân và tái trang bị vũ khí.

Bản phân tích với tựa đề "Đánh giá thị trường tàu chiến hải quân toàn cầu" chỉ ra rằng, điều này đã góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định cho thị trường tàu chiến, mặc dù vẫn ở mức thấp.

Doanh thu nhiều nhất của thị trường đến từ các đơn hàng đặt mua khinh hạm đa nhiệm.

Khinh hạm là các tàu chiến cực kỳ linh hoạt, kết hợp từ các tính năng và vũ khí như tốc độ cao, tên lửa chống hạm, hệ thống phòng không, chống ngầm với chi phí hoạt động và duy trì ở mức vừa phải.

Do đó, nó đang dần trở thành loại tàu chiến chủ lực trong hầu hết các lực lượng hải quân.

Bản phân tích cho hay, Mỹ có khả năng vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong chi tiêu mua sắm tàu chiến giai đoạn 2014 - 2023.

Tàu hộ tống Type 056 của Trung Quốc, loại tàu này cũng được 1 số nước đặt hàng.

Tàu hộ tống Type 056 của Trung Quốc cũng được một số nước đặt hàng. Ảnh: Navy Recognition

Cũng theo bản phân tích, hiện nay, thị trường tàu chiến hải quân đang bị chi phối bởi các công ty Tây Âu, Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, các nhà máy đóng tàu ở châu Á mà đơn cử là tại Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tăng cường vị thế của mình trên thị trường.

Các công ty Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries được cho là sẽ gia tăng đáng kể sự hiện diện của mình trên thị trường tàu chiến, sau quyết định nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài nhiều thập niên của Nhật Bản.

Đáng chú ý là các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện của mình trên thị trường, thông qua việc đưa ra các sản phẩm khá tiên tiến nhưng có giá cả thấp.

Họ cũng cung cấp các gói tín dụng để giúp các quốc gia có ngân sách hạn chế mua sắm tàu chiến.

Bên cạnh đó, còn có một xu hướng khá rõ ràng tại các khu vực, đó là hướng đến mua sắm thiết bị hải quân trong nước.

Hải quân nhiều nước đã trao các hợp đồng đóng tàu cho các công ty nội địa, tạo động lực cho sự phát triển công nghiệp đóng tàu và chuyển giao công nghệ trong nước.

Bản phân tích nhận định, chuyển giao công nghệ và hợp tác với các nhà máy đóng tàu nội địa là yếu tố có tính quyết định quan trọng với hầu hết hải quân các nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại