Lộ thời điểm trang bị J-20 khi "chưa có động cơ"

Hòa Sơn |

Tạp chí Kanwa dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, tiêm kích tàng hình J-20 có thể hoàn thành phát triển vào năm 2017 và trang bị sau đó.

Nguồn tin cho biết, sẽ mất khoảng 2 năm để Tập đoàn Công nghiệp máy bay Chengdu hoàn thiện phát triển của mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-20.

Rất nhiều bài thử nghiệm đang được Bắc Kinh gấp rút thực hiện cho J-20 trong khoảng thời gian này.

Hiện nay, Không quân Trung Quốc đã bắt đầu dự án tự phát triển hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động từ năm 2004.

Nó được thử nghiệm trên máy bay thương mại Tu-204 trong 3 năm qua và sau đó sẽ được lắp đặt trên mẫu J-20.

Lo thoi diem trang bi J-20 khi
Tiêm kích thế hệ 5 J-20.

Sẽ không có gì đáng bàn về kế hoạch trang bị tiêm kích J-20 của Trung Quốc nếu như trước đó không lâu các quan chức quốc phòng nước này thừa nhận về tiến độ phát triển và độ tin cậy của động cơ dành cho J-20 không theo kịp tốc độ hoàn thiện máy bay này.

Khi trả lời Đài truyền hình Bắc Kinh hồi tháng 5/2015 về vấn đề khi nào tiêm kích này chính thức đi vào hoạt động, chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Tâm Chi cho rằng, động cơ đang được J-20 sử dụng là động cơ phiên bản thay thế, chỉ có thể đạt tính năng toàn bộ của giai đoạn bay thử, muốn phát huy đầy đủ tính năng của máy bay này thì phải đổi lắp động cơ tốt hơn.

Hiện nay, Bắc Kinh đang phát triển động cơ WS-15 cho J-20. Thế nhưng, các chuyên gia quân sự nhận định rằng, Bắc Kinh không thể phát triển hoàn chỉnh WS-15 trong một thời gian ngắn.

Vì vậy, Nga vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất J-20. Tuy nhiên, Nga chỉ bán loại động cơ không điều khiển vector cho Trung Quốc.

Hồi tháng 10/2013, phái đoàn quân sự cao cấp của Trung Quốc do Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng đã tới nhà máy sản xuất động cơ của Saturn để bàn bạc về việc nhờ Nga hỗ trợ sản xuất động cơ cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là J-20.

Các chuyên gia Nga cho biết, máy bay chiến đấu của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được Nga trang bị động cơ hiện đại hơn là AL-31F-M1, có lực đẩy 13.500kg, chuyên dụng cho Su-27SM, Su-27SM2, Su-33 và Su-34.

Một ví dụ khác là việc Trung Quốc muốn mua số lượng nhỏ máy bay chiến đấu Su-35S của Nga (24 chiếc) với động cơ AL-41F cũng một phần nguyên nhân bởi nước này muốn “mổ xẻ và học hỏi” tính năng của loại động cơ phản lực vector tiên tiến của Nga để hoàn thiện động cơ WS-15.

Vì vậy, kế hoạch trang bị tiêm kích J-20 của Trung Quốc ngay sau năm 2017 khó có thể hoàn thành, hoặc Bắc Kinh sẽ hoàn thành tiêm kích thế hệ 5 khi phải sử dụng động cơ thế hệ 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại