7 lý do TQ chọn Tam Á để xây căn cứ tàu sân bay lớn nhất TG

Hòa Trần |

Trang mạng tiếng Trung toutiao đăng bài viết lý giải tại sao Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu sân bay thứ 2 tại Tam Á.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới

Trong một thời gian ngắn, xuất hiện 2 thông tin cho biết Trung Quốc đã tiến hành thuận lợi nhiều dự án, công trình trọng điểm như dự án tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và hoàn thành xây dựng căn cứ tàu sân bay thứ 2 tại Tam Á, Hải Nam.

Những thông tin này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các phương tiện truyền thông trong và ngoài Trung Quốc.

Ảnh vệ tinh do Thời báo Hoàn Cầu đăng tải năm 2013 cho thấy Trung Quốc đang xây căn cứ tàu sân bay ở Tam Á.

Ảnh vệ tinh do Thời báo Hoàn Cầu đăng tải năm 2013 cho thấy Trung Quốc đang xây căn cứ tàu sân bay ở Tam Á.

Theo tạp chí quốc phòng Kanwa (trụ sở tại Canada), căn cứ tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc tại Hải Nam đã cơ bản hoàn thành, có khả năng tiếp nhận các tàu ra vào ở cả hai phía, cùng lúc có thể chứa được 2 tàu sân bay hoặc nhiều tàu lớn khác.

Như vậy, nó trở thành căn cứ neo đậu tàu sân bay lớn nhất thế giới hiện nay.

Tại sao Trung Quốc xây căn cứ tàu sân bay ở Tam Á?

Thứ nhất, căn cứ Tam Á là một trong những căn cứ hải quân quan trọng nhất của Trung Quốc hiện nay.

Khu vực biển ở đây rất thích hợp cho tàu chiến lớn và biên đội tàu neo đậu.

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã triển khai lượng lớn tàu nổi và tàu ngầm tại đây, vị trí địa lý quân sự nơi này cũng rất ưu việt, nó nằm trong vị trí giao nhau của Hạm đội 6 và 7 của Hải quân Mỹ, trong khi binh lực của quân đội Mỹ tại đây tương đối yếu.

Căn cứ này cách căn cứ tàu sân bay của Mỹ tại Yokosuka khoảng 3.700km về phía Đông, cách căn cứ Okinawa của Nhật khoảng 1.000km, cách căn cứ Changi của Singapore hơn 1.200km.

Máy bay cảnh báo của quân đội Mỹ phải mất khoảng 2 giờ mới có thể đưa căn cứ hải quân Tam Á vào phạm vi tìm kiếm, vì vậy khả năng giám sát của đối phương đối với căn cứ Tam Á tương đối yếu.

Theo Kanwa, căn cứ này có một cầu tàu dài tới 700m, đủ chỗ để đón 2 tàu sân bay neo đậu.

Theo Kanwa, căn cứ này có một cầu tàu dài tới 700m, đủ chỗ để đón 2 tàu sân bay neo đậu.

Thứ 2, từ góc độ thực tế, nhiệm vụ đầu tiên của căn cứ tàu sân bay Tam Á là bảo vệ các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Biển Đông.

Đối với Trung Quốc, nếu muốn giải quyết vấn đề Biển Đông trong thời gian ngắn, nước này cần phải đẩy nhanh việc triển khai tàu sân bay tại khu vực này.

Tiêm kích hạm như J-15 có thể được triển khai từ tàu sân bay để thiết lập vòng tròn phòng thủ trên không.

Dưới sự chỉ dẫn của máy bay cảnh báo sớm, chúng có thể mang tên lửa chống tàu hoặc bom dẫn đường tấn công mục tiêu như tàu chiến đối phương trong phạm vi 500 – 700 hải lý.

Thứ 3, theo những tài liệu công khai, căn cứ tàu sân bay mới Tam Á còn nối liền với căn cứ tàu ngầm Du Lâm.

Động thái này không những giúp căn cứ Tam Á trở thành căn cứ hải quân lớn nhất châu Á mà còn cho phép nó thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, yểm trợ tàu ngầm hạt nhân chiến lược ra vào khu vực tác chiến đã định mà không bị vũ khí chống ngầm của đối phương đe dọa.

Mặc khác, do Mỹ triển khai khoảng 4 tàu ngầm hạt nhân tại đảo Guam, đồng thời còn triển khai ít nhất 1 tàu ngầm hạt nhân tại Biển Đông, khi cần thiết có thể tăng cường 2 tàu nên tạo thành mối đe dọa đối với tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc.

Tàu ngầm Trung Quốc tại căn cứ Du Lâm

Tàu ngầm Trung Quốc tại căn cứ Du Lâm

Vì vậy, với việc triển khai tàu sân bay tại Biển Đông, Trung Quốc có thể tạo ra hệ thống chống ngầm 3 chiều, đồng thời răn đe máy bay chống ngầm của đối phương.

Bên cạnh đó, do bán kính tác chiến của nó có thể bao phủ toàn bộ khu vực tuần tra của tàu ngầm hạt nhân chiến lược nên có thể bảo vệ các tàu này, từ đó bảo đảm “khả năng tấn công hạt nhân thứ 2” của Trung Quốc.

Thứ 4, việc Trung Quốc triển khai căn cứ tàu sân bay tại Tam Á cũng là nhằm bảo vệ tuyến giao thông chiến lược trên biển, vì Tam Á là căn cứ hải quân Trung Quốc gần eo biển Malacca nhất.

Nếu tốc độ hành trình của biên đội tàu sân bay là 20 - 25 hải lý/giờ thì chỉ cần 2 ngày, nó có thể đưa eo biển này vào phạm vi tác chiến của máy bay chiên đấu trên tàu.

Thứ 5, tuyến vận tải dầu mỏ của Nhật Bản cũng đi qua Biển Đông. Vì vậy, việc Trung Quốc triển khai biên đội tàu sân bay tại Biển Đông sẽ giống như một con dao cắt đứt tuyến đường sinh mệnh của Nhật Bản, nâng cao khả năng răn đe đối với Nhật Bản.

Thứ 6, do Mỹ thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông nên tàu sân bay Mỹ thường xuyên vào khu vực này.

Vì thế, căn cứ tàu sân bay tại Tam Á sẽ là căn cứ quan trọng để tàu sân bay Trung Quốc ngăn chặn sự can thiệp của quân đội Mỹ trong khu vực.

Thứ 7, đây cũng là căn cứ thích hợp nhất để trong tương lai biên đội tàu sân bay Trung Quốc có thể vươn ra Ấn Độ Dương.

Có thể nói, căn cứ tàu sân bay Tam Á chỉ là một bước đi để Hải quân Trung Quốc xoay chuyển từ hải quân ven bờ sang hải quân viễn dương.

Sự thay đổi này không chỉ đến từ vũ khí và cơ sở hạ tầng mà còn cần phải đến từ tư tưởng tác chiến và tổ chức biên chế.

Căn cứ Tam Á mới chỉ là khởi đầu cho sự thay đổi này của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại