Lộ “gương mặt” nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc

Theo Kiến thức |

Nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ bao gồm những tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất nước này và tàu ngầm tấn công hạt nhân.

 Theo Thời báo Hoàn Cầu, nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ bao gồm: tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16); 4 khu trục phòng không chiến lược Type 052C hoặc Type 052D; 2 khu trục tên lửa đa năng Type 052B; 2 khinh hạm đa năng Type 054A; 1-2 tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 093 và một tàu hậu cần cỡ lớn (có thể là loại Type 903).
Trong đó, Type 052C lớp Lữ Dương II được coi là tàu khu trục phòng không mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc hiện nay. Con tàu được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh cho phép tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên không (kể cả tên lửa đạn đạo), trên biển, dưới biển và trên đất liền.
“Át chủ bài” trong tác chiến phòng không của Type 052C là hệ thống tên lửa phòng không HHQ-9 (48 quả đạn đặt trong bệ phóng thẳng đứng) có thể hạ mục tiêu ở tầm 200km.
Trong tương lai, việc bảo vệ tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) có thể còn có sự tham gia của khu trục tên lửa Type 052D tiên tiến hơn. Hiện Trung Quốc vẫn trong quá trình hoàn thiện con tàu đầu tiên.

 

Khu trục tên lửa đa năng Type 052B lớp Lữ Dương được trang bị hệ thống tên lửa chống tàu tầm xa YJ-83 và hệ thống phòng không tầm trung SA-N-17.
Khinh hạm hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc Type 054A Giang Khải II cũng có mặt trong nhóm tác chiến tàu sân bay. Con tàu được trang bị hệ thống vũ khí không thua kém Type 052B.
Thậm chí, Type 054A còn có phần nhỉnh hơn về mặt phòng không so với Type 052B với hệ thống tên lửa tầm trung HQ-16 (tầm bắn 50km so với 30km của SA-N-17).

 

Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 093 lớp Thương trang bị ngư lôi hạng nặng và tên lửa chống tàu tầm ngắn.
Trên tàu sân bay Liêu Ninh sẽ được biên chế một đơn vị không quân gồm: 22 tiêm kích hạm J-15; 4-6 trực thăng cảnh báo sớm Z-8 và 12 trực thăng săn ngầm.
Tiêm kích hạm J-15 “Cá mập bay” do Tập đoàn Thẩm Dương thiết kế dựa trên mẫu tiêm kích Su-33 của Nga. Giới chuyên gia Trung Quốc tự cho rằng, J-15 có tính năng tương đương sánh được với tiêm kích hạm F/A-18E/F của Mỹ.
J-15 đã thực hiện thành công việc cất hạ cánh đầu tiên trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa thể chế tạo được máy bay cánh bằng làm nhiệm vụ chỉ huy và cảnh báo sớm đường không. Do vậy, gánh nặng này có thể sẽ phải “đè lên vai” biến thể trực thăng cảnh báo sớm Z-8 do nước này sản xuất. Trong ảnh là một chiếc Z-8 cất cánh thử nghiệm trên boong tàu Liêu Ninh.
Nhiệm vụ săn tàu ngầm của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh sẽ được giao phó cho 12 trực thăng Kamov Ka-28 (Nga) hoặc Z-9 (Trung Quốc).
Tuy Thời báo Hoàn Cầu không nêu ra loại tàu hậu cần cỡ lớn tham gia nhóm tác chiến tàu sân bay. Nhưng nhiều khả năng đó có thể là loại Type 903 có lượng giãn nước tới 23.000 tấn, dài 178,5m. Đây được xem là tàu hậu cần lớn nhất của Trung Quốc hiện nay. Theo thiết kế, con tàu có thể chứa 10.500 tấn nhiên liệu, 250 tấn nước và 680 tấn đạn dược.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại