Kilo 636 Nga và Type 209 Thổ Nhĩ Kỳ - Ai là ông chủ của Biển Đen?

Quang Huy |

Đối đầu ngoại giao Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột vũ trang đúng nghĩa.

Lý do lực lượng tàu ngầm hai quốc gia được "đặt lên bàn cân"

Khi xung đột bùng phát, chiến trường giao tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiên sẽ là Biển Đen.

Nếu như sức mạnh hạm đội hải quân của hai quốc gia từng được mang ra so sánh thì hiện vẫn chưa có bài phân tích chi tiết nào về các loại tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Nga - đối thủ chính của nhau trên và dưới lòng Biển Đen.

Căn cứ vào sự đa dạng các chủng loại tàu chiến của hai hạm đội thì việc mang lực lượng tàu ngầm ra so sánh trước tiên là điều hoàn toàn hợp lý.

Nga không có tàu ngầm nguyên tử ở Biển Đen, nên chủ lực của họ là loại chạy bằng động cơ điện-diesel Kilo 636, hay còn có tên gọi khác là Varshanvyanka.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hạm đội Biển Đen có 2 chiếc tàu ngầm thuộc lớp và 4 chiếc khác sẽ được bàn giao trong thời gian tới.

Hạm đội tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ dù đa chủng loại nhưng có tới 14 chiếc Type 209 được đóng tại Đức từ cách đây hơn 30 năm (chiếc đầu tiên hạ thuỷ từ năm 1976).

Kilo 636 và Type 209 - Ai mạnh hơn?


Tàu ngầm Kilo 636 của Nga

Tàu ngầm Kilo 636 của Nga

Về tính năng kỹ chiến thuật, Kilo 636 rõ ràng vượt trội so với đối thủ bên phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Varshavyanka có động cơ điện mạnh hơn, giúp nó chiếm lợi thế về vận tốc khi hoạt động trên mặt nước, còn khi lặn thì các tính năng của hai loại tàu này gần như tương đương.

Mặc dù Varshavyanka vượt 2 lần tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ về độ giãn nước, nhưng kích thước lớn của nó lại là điểm hạn chế về khả năng xoay trở trong khu vực chật hẹp gần bờ.

Tuy nhiên nó có thể lặn sâu hơn, mang nhiều vũ khí hơn và số lượng thủy thủ đoàn nhiều gấp đôi. Biển Đen là một vùng biển hẹp nên các tàu ngầm kích cỡ lớn không đóng vai trò quan trọng khi tham chiến, thay vào đó là vũ khí trang bị.

Varshavyanka mang theo 18 ngư lôi cỡ 533 mm, hoặc 18 tên lửa hành trình chống hạm tối tân Calibr được triển khai từ 6 khoang phóng.

Tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ vì kích cỡ bé hơn nên chỉ mang 14 quả ngư lôi 533 mm hoặc 14 tên lửa chống hạm đã lỗi thời Harpoon, được triển khai từ 8 máy phóng đặt ở phần mũi tàu.

Về hiệu quả chiến đấu, Type 209 rõ ràng thua kém trước những phẩm chất vượt trội mà tàu ngầm Nga đã chứng minh trong chiến dịch quân sự chống khủng bố tại Syria.

Khi tiến hành so sánh Varshavyanka và Type 209 cũng không thể quên yếu tố “tiếng ồn thấp” - một trong những chỉ tiêu cơ bản của tàu ngầm điện-diesel, nó cho phép các tàu ngầm loại này tiếp cận rất gần đối phương mà khó bị phát hiện.

Về mặt logic, tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ vượt trội vì có lượng giãn nước và công suất động thấp hơn. Nhưng nhờ những công nghệ tiên tiến nhất, tiếng ồn của Varshavyanka lại thấp hơn nhiều.

Điều này được lý giải hết sức đơn giản: các tàu ngầm Type 209 hiện có của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ được hạ thủy từ thập niên 1970, trong khi 2 tàu ngầm của Nga mới được bàn giao cho Hạm đội Biển Đen vào năm 2015.

Đương nhiên, sự tụt hậu lên tới 40 năm cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chỉ số “tiếng ồn thấp”.


Tàu ngầm Type 209 của Thổ Nhĩ Kỳ

Tàu ngầm Type 209 của Thổ Nhĩ Kỳ

Từ đây có thể thấy rằng, giá thành sản xuất của các tàu ngầm Varshavyanka tối tân hơn, công nghệ phức tạp hơn và kích cỡ lớn hơn sẽ đắt hơn các tàu ngầm lỗi thời của Thổ Nhĩ Kỳ do Đức sản xuất.

Bỏ nhiều tiền để đổi lấy chất lượng cao và công nghệ hiện đại hơn luôn là một quyết định chính xác.

Và điều quan trọng nhất là chức năng của chúng, tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ được coi là loại chuyên tuần tra ở khu vực cận bờ. Tàu ngầm của Nga thuộc chủng đa năng, có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ngoài khơi xa.

Bởi vậy, sự vượt trội của Varshavyanka so với Type 209 là hoàn toàn dễ thấy. Kilo 636 tối tân hơn, tiếng ồn thấp hơn, “sát thủ hơn”, xoay trở tốt hơn và nhanh hơn, được đánh giá là hiệu quả hơn hẳn tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhờ tên lửa hiện đại Calibr, tàu ngầm của Nga có thể tiếp cận khu vực phóng tên lửa chống hạm mà không gặp bất cứ nguy hiểm nào, hoặc bí mật rải 24 quả thủy lôi ngầm tại những khu vực đối phương không thể ngờ tới.

Tuy nhiên, tất cả những tính năng vượt trội nêu trên liệu có giúp các tàu ngầm của Nga xứng đáng được gọi là “ông chủ” đúng nghĩa của lòng Biển Đen hay không? Rất tiếc, tạm thời là chưa.

Nhờ sự vượt trội về mặt số lượng nên lực lượng tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời điểm hiện tại vẫn đang áp đảo hoàn toàn Hạm đội Biển Đen về tất cả các khả năng chiến đấu. Khi 7 chọi 1 thì chất lượng không thể thắng được số lượng.

Chính vì lẽ đó, ngay trong năm nay số lượng tàu ngầm Kilo 636 của Hạm đội Biển Đen sẽ được tăng cường lên tới 6 chiếc, và chỉ khi đó Varshavyanka mới xứng đáng được coi là “ông chủ” đúng nghĩa của lòng Biển Đen.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại