JF-17 TQ có cơ đánh bại F-16 “secondhand” trên địa bàn của NATO?

Vy Lam |

Liên doanh Tổ hợp hàng không Pakistan và Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô (PAC/CAC) đã đề nghị cung cấp cho Bulgaria các máy bay chiến đấu JF-17 Thunder.

Hãng thông tấn Sofia News của Bulgaria hôm 4/3 cho biết:

Chiếc máy bay 1 chỗ ngồi, 1 động cơ được Pakistan chào hàng để cạnh tranh với các mẫu chiến đấu cơ phương Tây trong chương trình thay thế máy bay chiến đấu MiG-29 “Fulcrum” và Sukhoi Su-25 “Frogfoot” đã già cỗi của Bulgaria.

Các chi tiết liên quan đến chi phí hoặc thời hạn có thể giao hàng không được tiết lộ.

Chính phủ Bulgaria tuyên bố sẽ chọn mua các máy bay chiến đấu hoàn toàn mới hoặc đã qua sử dụng của phương Tây nhưng cũng có thể sẽ tiến hành nâng cấp thêm các tiêm kích MiG-29.

Bulgaria ước tính sẽ tiêu tốn 282 triệu USD để mua máy bay chiến đấu “mới”, mặc dù nước này gần như chắc chắn không mua nổi những chiến đấu cơ mới toanh như F-16 Block 52 của Lockheed Martin.

Các đối thủ cạnh tranh cho lựa chọn máy bay chiến đấu “secondhand” bao gồm:

Các tiêm kích F-16 Block 25 dư thừa của Vệ binh quốc gia Mỹ, F-16 nâng cấp giữa vòng đời của Bỉ, các chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon của Không quân Italia hoặc các máy bay chiến đấu Saab Gripen dư thừa của Thụy Điển.

Mặc dù có giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây, JF-17 không tương thích với các hệ thống của NATO và vì vậy, nó khó có thể được Bulgaria lựa chọn. (Nguồn ảnh: Janes)

Mặc dù có giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây, JF-17 không tương thích với các hệ thống của NATO và vì vậy, nó khó có thể được Bulgaria lựa chọn. (Nguồn ảnh: Jane's)

JF-17 là máy bay chiến đấu do Trung Quốc – Pakistan hợp tác phát triển. Nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2004.

Dù được chào hàng rộng rãi tới nhiều quốc gia như Argentina, Serbia và thậm chí Saudi Arabia, JF-17 vẫn chưa có được khách hàng quốc tế đầu tiên.

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, tình hình kinh tế của Bulgaria có vẻ sẽ khiến nước này trở thành một khách hàng tiềm năng của mẫu tiêm kích có giá gần 30 triệu USD (mẫu tương tự của phương Tây sẽ ít nhất có giá gấp đôi).

Tuy nhiên, tư cách là một thành viên của NATO không cho phép điều này.

Với tư cách là một trong những thành viên mới nhất của NATO, Bulgaria đang phấn đấu để đạt được khả năng phối hợp hoạt động đầy đủ với các thành viên khác của NATO.

Và trên thực tế, đây cũng là một trong những lý do cơ bản để nước này thay thế các máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi từ thời Liên Xô.

JF-17 không phải là một mẫu máy bay chiến đấu tương thích với các hệ thống của NATO (mặc dù nó có thể được nâng cấp để tương thích) và vì vậy, nó không phải là sự lựa chọn có lợi cho Bulgaria.

Về chính trị, Bulgaria sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu mua máy bay chiến đấu do Trung Quốc – Pakistan hợp tác phát triển.

Bằng chứng là những phản ứng của NATO khi Thổ Nhĩ Kỳ có ý định mua hệ thống phòng không HQ-9 - sản phẩm của Tập đoàn xuất nhập khẩu máy chính xác (CPMIEC) Trung Quốc vào năm 2013.

Quyết định này đã khiến các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ. Họ tuyên bố hệ thống của Trung Quốc sẽ không bao giờ được tích hợp với các hệ thống của NATO.

Jane's cho hay, điều này đã khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải chùn bước. Hiện nước này đang "quay lưng" với HQ-9 và bắt đầu tái đàm phán với các nhà cung cấp Mỹ, châu Âu.

Là một thành viên mới và hăng hái của NATO, Bulgaria sẽ bất đắc dĩ phải đặt mình vào một vị trí tương tự Thổ Nhĩ Kỳ. Và vì lý do này, theo Jane’s, khả năng lớn là thương vụ mua JF-17 sẽ không thể diễn ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại