Trang mạng Army Recognition dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos cho biết nước này sẽ tiếp tục mua vũ khí mới của Nga.
Theo ông Panos Kammenos, Hy Lạp sẽ tiếp tục hợp tác với Nga trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật nhưng việc mua vũ khí sẽ chỉ giới hạn trong việc thay thế các loại vũ khí cũ.
"Chúng tôi sẽ thúc đẩy việc bảo trì cho các hệ thống vũ khí mà chúng tôi đã mua của Nga như Tor-M1, Kornet và S-300" - ông Kammenos nói.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Kammenos, Hy Lạp đang thảo luận với Nga về việc cung cấp các đạn tên lửa, cũng như công tác bảo trì cho các tổ hợp phòng không S-300 của nước này.
Động thái từ phía Athens đã khiến NATO lo lắng, liên minh quân sự lớn nhất thế giới quan ngại Moscow sẽ lợi dụng Athens để bắt tay hợp tác nhiều hơn nữa với các nước thành viên của tổ chức này, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu vũ khí.
Một số nước mặc dù tham gia NATO, nhưng thay vì nhập khẩu và sử dụng vũ khí từ Mỹ hay châu Âu, nhiều quốc gia thành viên vẫn có xu hướng ưa chuộng vũ khí từ Nga hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình kinh tế Hy Lạp khó khăn, Nga có thể trở thành nhà hỗ trợ tài chính nhằm giúp quốc gia này vượt qua cuộc khủng hoảng.
Điều này sẽ thắt chặt mối quan hệ giữa 2 nước và phá vỡ mối liên kết giữa các quốc gia trong liên minh châu Âu, cũng như NATO.
Tuy nhiên, Moscow bác bỏ các cáo buộc, và cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Hy Lạp vốn đã thân thiện từ trước.
Xe phóng của tổ hợp S-300 PMU1 của Hy Lạp.
Hiện tại, quân đội Hy Lạp đang vận hành 2 tổ hợp S-300 PMU1 bao gồm 8 xe phóng và 39 tên lửa.
Hy Lạp thành viên NATO duy nhất sở hữu hệ thống phòng không S-300.
Các hệ thống S-300 vốn được đảo Síp đặt mua vào giữa những năm 90, nhưng do sự phản đối quyết liệt của phía Thổ Nhĩ Kỳ nên các hệ thống này sau đó đã được chuyển đến đảo Crete của Hy Lạp.
Hệ thống phòng không S-300 PMU1 được phát triển từ năm 1985-1989 và lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm hàng không Moscow 1992.
Hệ thống phòng không này có thể đồng thời tấn công 36 mục tiêu bay bằng 72 tên lửa.
Hệ thống S-300 PMU1 của Hy Lạp khai hỏa.
Vào tháng 12-2013, quân đội Hy Lạp đã lần đầu tiên thực hiện bắn đạn thật với các tổ hợp phòng không S-300 tại bãi phóng NAMFI ở Crete, Hy Lạp.
Theo Army Recognition, đầu năm 2008, Bộ Quốc phòng Hy Lạp đã đệ trình yêu cầu chính thức về việc mua 450 xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Nga trong vòng 15 năm với tổng giá trị hợp đồng lên đến 1,2 tỷ Euro.
Tuy nhiên, do không nhận được sự đồng tình từ phía các quan chức Hy Lạp nên đến năm 2010, đề nghị này vẫn chưa được thông qua, thậm chí còn có thông tin nó đã bị hủy bỏ.