Hải quân Việt Nam, Philippines chơi bóng, hát karaoke ở Trường Sa

VIỆT PHƯƠNG |

Trong một chương trình giao lưu thể hiện mối quan hệ ngày càng khăng khít, hải quân Việt Nam và Philippines hôm qua 27-5 đã chơi thể thao và hát với nhau trên đảo Song Tử Đông ở quần đảo Trường Sa.

Tốc độ và quy mô của việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp đã làm dấy lên câu hỏi về ý định và mục đích của họ. Việc đặt câu hỏi về mục đích xây đảo nhân tạo là chính đáng.

Dường như ở đây không có chuyện phát triển du lịch.

Ông Dennis Richardson (quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Úc)

Reuters dẫn lời các quan chức hải quân cấp cao của Philippines nói hai bên đã tổ chức các trận bóng chuyền và bóng đá giao hữu. Buổi giao lưu có sự hiện diện của 60 binh sĩ hải quân Việt Nam và 100 binh sĩ Philippines.

Binh sĩ hai nước cũng hát karaoke cùng nhau.

Một quan chức hải quân Philippines giấu tên nói: “Chúng tôi đã có thời gian tuyệt vời. Những hoạt động như thế này giúp các binh sĩ thoải mái hơn và sẽ tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước”.

Năm ngoái, theo Reuters, binh sĩ Philippines đã ghé thăm đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, hải quân hai nước đã có chương trình giao lưu thể thao.

Cũng kể từ đó, các tàu hải quân Việt Nam đã thăm viếng Manila. Một đường dây nóng hải quân đã được hai nước thiết lập để giúp đỡ những ngư dân gặp khó khăn khi đánh bắt ngoài khơi xa.

Nhật Bản, Philippines tăng cường quan hệ quân sự

Trong khi đó, Tokyo và Manila đang hướng đến việc tăng cường quan hệ an ninh khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino thăm Nhật Bản tuần tới.

Đây được coi là động thái mới nhất của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á trước tham vọng đang ngày càng tăng lên của Trung Quốc.

Reuters cho hay hai nước có thể sẽ bắt đầu đàm phán về cơ chế chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, thảo luận một hiệp ước về quy chế cho quân nhân Nhật Bản đến Philippines tham gia huấn luyện và tập trận chung.

Ông Aquino dự kiến thăm Nhật Bản từ ngày 2 đến 5-6. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin sẽ tháp tùng tổng thống. Một quan chức hải quân Philippines cho biết Manila đã gửi Tokyo danh sách thiết bị quốc phòng mà họ muốn có như máy bay trinh sát hải dương P-3C.

“Chúng tôi đã gửi một danh sách các thiết bị mà Philippines đang cần khẩn cấp để tăng cường an ninh trên biển” - quan chức này nói và cho biết thêm Manila đang thảo luận với Tokyo về các “gói vay mềm” để mua các thiết bị này.

Dưới chính quyền của ông Abe, năm ngoái Nhật Bản đã nới lỏng các giới hạn về xuất khẩu vũ khí và hiện đang là nước dẫn đầu trong việc đấu thầu hợp đồng cung cấp tàu ngầm thế hệ mới cho Úc.

Tokyo cũng đã có các thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng với Mỹ, Anh, Úc và Pháp.

Một thỏa thuận tương tự với Manila được coi là cần thiết để Nhật Bản có thể xuất khẩu các thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Philippines. Lực lượng tuần duyên Philippines hi vọng sẽ có 10 tàu của Nhật Bản vào cuối năm nay.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani liên tục nhắc lại tình hình ở biển Đông có một tác động to lớn đến an ninh của nước này và Tokyo cần xem xét cách thức phản ứng tương xứng.

Châu Âu, Úc chỉ trích đảo nhân tạo

Trong một diễn biến liên quan, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Úc Dennis Richardson hôm 27-5 đã lên tiếng thách thức Trung Quốc về các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép trên biển Đông.

Ông Richardson nói những hoạt động bồi đắp đảo chưa từng có đã làm dấy lên câu hỏi về ý đồ quân sự của Bắc Kinh.

Báo Sydney Morning Herald dẫn lời ông Richardson:

“Tốc độ và quy mô của việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp đã làm dấy lên câu hỏi về ý định và mục đích của họ. Việc đặt câu hỏi về mục đích xây đảo nhân tạo là chính đáng. Dường như ở đây không có chuyện phát triển du lịch”.

Ông cho rằng xét trên phương diện quy mô và mức độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, việc Bắc Kinh sử dụng các đảo nhân tạo này phục vụ mục đích quân sự đặc biệt đáng quan ngại.

Giới quan sát nhận định bình luận của ông Richardson phản ánh quan ngại ngày càng tăng của Canberra về việc Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo này làm nền tảng phục vụ sức mạnh quân sự và củng cố yêu sách về chủ quyền tại vùng biển có nhiều tuyến đường biển quan trọng này.

Trong khi đó, theo Hãng tin Kyodo của Nhật, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 26-5 đã lên tiếng chỉ trích “các hoạt động xây dựng” trên biển Đông, ý nói đến việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo, và cho rằng việc này sẽ làm phức tạp các giải pháp giải quyết tranh chấp.

Nói với các phóng viên Nhật Bản trước thềm Hội nghị cấp cao Nhật Bản - EU vào ngày mai (29-5), ông Tusk nêu rõ: “Quan điểm của châu Âu là các bên liên quan đến căng thẳng cần phải kiềm chế sử dụng bạo lực và đe dọa. Một số hoạt động như hoạt động xây dựng trên biển sẽ khiến vấn đề khó giải quyết hơn”.

Ông Tusk nói thêm cần phải tìm ra một giải pháp hòa bình và sẽ nêu lại vấn đề này tại một hội nghị cấp cao với Trung Quốc vào cuối năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại