Thế giới đánh giá cao sức mạnh Hải quân Việt Nam

Bình Nguyên |

Trong Báo cáo “Thị trường tàu hộ vệ và tàu tuần tra xa bờ Châu Á năm 2015” của Tạp chí Asian Military Review, thực lực Hải quân Việt Nam được đánh giá ở mức khá cao.

Thách thức an ninh hàng hải khu vực Đông Nam Á

Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á đóng vai trò như một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới với khoảng 1.000 lượt tàu thương mại qua lại giữa eo biển Malacca và Singapore mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo Báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý hàng hải quốc tế (International Maritime Bureau - IMB), trong năm 2014, khu vực Châu Á có tới 183 vụ cướp biển hay mất an ninh hàng hải, chiếm tới 75% số vụ được ghi nhận trên toàn cầu.

Phần lớn các vụ việc đều xảy ra ở vùng biển Malacca - khu vực được mệnh danh là ‘cái rốn” của cướp biển.

Do đó, bên cạnh chú trọng xây dựng hải quân mạnh để bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển, các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng xây dựng các đội tàu tuần tra xa bờ và tàu hộ vệ để duy trì, đảm bảo an ninh hàng hải cũng như sẵn sàng tham gia các vụ xung đột nếu xảy ra.

Tàu tuần tra xa bờ lớp Kedah của Hải quân Malaysia

Theo phân loại lớp tàu trong Báo cáo, tàu tuần tra xa bờ (OPV - Offshore Patrol Vessel) thường có choán nước từ 1.700 đến 2.000 tấn, được trang bị vừa đủ để đảm bảo khả năng hoạt động ở vùng nước sâu trong điều kiện sóng gió lớn.

Tàu thường được trang bị pháo chính cỡ vừa (40 - 76 mm) hoặc nhỏ hơn cùng radar, cảm biến tương đối tốt kèm theo hệ thống kết nối dữ liệu để tương tác trong biên đội. Một số tàu còn bố trí thêm thiết bị y tế để làm nhiệm vụ tìm cứu và có sàn đáp cho trực thăng bay biển.

Giống như OPV, tàu hộ vệ (Corvette) được thiết kế để ứng phó với mọi mối đe dọa trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng như vùng nước ven bờ.

Tuy nhiên, tàu loại này thường có khả năng phòng không và đối hạm nhất định do được trang bị tên lửa chống tàu và tên lửa phòng không cùng hệ thống chỉ huy, radar trinh sát và tác chiến điện tử tương đối hiện đại.

Một số tàu thậm chí còn có khả năng săn ngầm nhờ được lắp hệ thống cảm biến và ngư lôi hạng nhẹ.

Hải quân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại

Việc đưa vào biên chế nhiều lớp tàu chiến hiện đại, hỏa lực mạnh như tàu ngầm Kilo, tàu hộ vệ tên lửa Gepard, Molniya và sắp tới là SIGMA 9814 cùng nhiều tàu bổ trợ hiện đại đã giúp Hải quân Việt Nam nâng cao sức mạnh chiến đấu, tiến thẳng lên hiện đại.

Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật - Chính ủy Quân chủng Hải quân đã khẳng định:

chính ủy quân chủng hải quân
chuẩn đô đốc đinh gia thật
Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đây là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan của các nước có biển trên thế giới. Chúng tôi xác định đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề.

Theo bản Báo cáo, hiện nay Hải quân Việt Nam đang có nhiều lớp tàu chiến hiện đại, trong đó đáng chú ý là:

Tàu ngầm, Việt Nam đã tiếp nhận ít nhất 2 tàu Kilo 636MV - mệnh danh là sát thủ tàu ngầm và tàu sân bay, đánh dấu bước phát triển mới, từ nay Hải quân Việt Nam đã có khả năng tác chiến không gian đa chiều: trên không, trên mặt nước và dưới mặt nước.

Toàn bộ 6 chiếc theo hợp đồng ký năm 2009 sẽ được chuyển giao trước năm 2016.

Tàu hộ vệ tên lửa, ngoài 2 tàu Gepard 3.9 đã tiếp nhận từ năm 2011 - 2012, sắp tới Hải quân Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm ít nhất 2 tàu cùng loại được bổ sung tính năng săn ngầm.

Bên cạnh đó, sau nhiều cuộc đàm phán Marathon, cuối cùng Dự án đóng tàu hộ vệ tên lửa lớp SIGMA do Tập đoàn Damen (Hà Lan) làm tổng thầu cũng sắp đến đích, những vướng mắc về vũ khí, khí tài phương Tây đã được tháo gỡ.

Tàu tên lửa tấn công nhanh, có ít nhất 17 tàu gồm: 4 chiếc Tarantul, 4 chiếc Molniya, 1 chiếc BPS-500 và 8 tàu tên lửa cao tốc lớp Osa.

Trong vài năm tới, Việt Nam có thể đứng đầu Đông Nam Á về số lượng tàu tên lửa tấn công nhanh với 25 chiếc. Ngoài 4 tàu Molniya đang trong quá trình hoàn thiện, dự án đóng 4 tàu Molniya cải tiến với vũ khí, khí tài hoàn toàn mới cũng sẽ sớm được triển khai.

Tàu pháo tuần tiễu, có ít nhất 9 tàu hiện đại gồm 6 chiếc Svetlyak mua của Nga và 3 tàu TT-400TP tự đóng trong nước.

Trong tương lai gần, số lượng tàu pháo hiện đại sẽ tăng nhanh do Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ đóng tàu TT-400TP, mỗi năm có thể bàn giao cho Hải quân 2 - 3 tàu loại này.

Lực lượng tàu bổ trợ, có 4 tàu quét mìn Sonya, 2 tàu quét mìn Yurka, 2 tàu quét mìn Yevgenya, 1 tàu khảo sát/nghiên cứu biển mang tên Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Ngoài ra còn có 1 tàu vận tải/hậu cần lớp K-122, 1 tàu vận tải/hậu cần HQ-996, 7 tàu vận tải/hậu cần lớp Trường Sa, 1 tàu đổ bộ cỡ lớn lớp LST-542, 3 tàu hỗ trợ lớp Polnochny, 2 tàu hỗ trợ lớp HQ-521.

Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 và tàu ngầm Kilo 636 của Hải quân Việt Nam duyệt đội hình trên biển

Mặc dù thống kê trong báo cáo này có đôi chỗ chưa sát với thực tế, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong vòng 5 - 10 năm tới Hải quân Việt Nam sẽ trở thành một lực lượng đáng gờm trong khu vực với lực lượng khá hùng hậu.

Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á về số lượng tàu tên lửa, chỉ sau Indonesia.

Thực lực một số quốc gia trong khu vực

Thái Lan: Đáng chú ý nhất là tàu sân bay cỡ nhỏ duy nhất ở Đông Nam Á mang tên Chakri Naruebet mới được hoạt động trở lại sau nhiều năm “đắp chiếu, nằm bờ” do thiếu kinh phí vận hành.

Hải quân Thái Lan đang có 8 khinh hạm, 7 tàu hộ vệ, 22 tàu tuần tra xa bờ và 9 tàu tấn công nhanh. Trong đó nổi bật là 4 khinh hạm tên lửa lớp Jianghu khá hiện đại mua của Trung Quốc.

Mặc dù có ý định phát triển lực lượng tàu ngầm, nhưng có vẻ sẽ còn khá lâu nữa Thái Lan mới có thể hoàn thành tham vọng này.

Indonesia: Dù chỉ có 2 tàu ngầm đời cũ nhưng trong vài năm tới họ sẽ tiếp nhận 3 tàu ngầm hiện đại lớp ChangBogo mua của Hàn Quốc.

Hải quân Indonesia hiện có 8 khinh hạm (trong đó có 2 tàu SIGMA hiện đại) cùng 26 tàu hộ vệ, 17 tàu tấn công nhanh và trong tương lai gần, sẽ nhận thêm 2 tàu lớp SIGMA nữa, trong đó có 1 tàu đóng trong nước.

Malaysia: 2 tàu ngầm Scorpene của Pháp, 2 khinh hạm tên lửa Lekiu của Anh, cùng 6 tàu hộ vệ tên lửa mua từ Pháp, Đức đang là xương sống của Hải quân nước này. Bên cạnh đó, Malaysia còn có 16 tàu tuần tra xa bờ và 17 tàu tấn công nhanh.

Trong thời gian tới, Hải quân Malaysia sẽ tiếp nhận 6 tàu khinh hạm tàng hình lớp Gowind cực kỳ hiện đại của Pháp.

Philippines: Hải quân nước này được đánh giá vào loại yếu nhất khu vực với số lượng tàu vừa ít, vừa lạc hậu, gồm: 3 tàu khinh hạm, 12 tàu hộ vệ và 9 tàu tấn công nhanh.

Tuy nhiên, trong tương lai, để bảo vệ vùng chủ quyền rộng lớn, Philippines chắc chắn buộc phải hiện đại hóa hải quân bằng nhiều tàu tên lửa hiện đại, bất chấp ngân sách hạn chế sẽ ảnh hưởng lớn tiến độ mua sắm.

Khinh hạm tàng hình lớp Formidable của Singapore
Khinh hạm tàng hình lớp Formidable của Singapore

Singapore: Dù là quốc đảo có diện tích nhỏ bé, Hải quân Singapore với số lượng tàu không lớn nhưng được đánh giá là có trang bị hiện đại nhất khu vực, trong đó đáng chú ý là 6 khinh hạm tàng hình đa năng Formidable mua của Pháp.

Ngoài ra, Hải quân nước này còn có 6 tàu hộ vệ cỡ nhỏ và 12 tàu tuần tra xa bờ cùng 6 tàu ngầm dù cũ đã qua sử dụng mua lại của Thụy Điển nhưng vẫn còn khả năng tác chiến đáng kể.

Campuchia: Hải quân Campuchia đang vận hành 11 tàu tấn công nhanh loại cũ gồm: 5 tàu lớp Turya, 5 tàu lớp Stenka và 1 tàu lớp Shershen.

Do điều kiện ngân sách hạn hẹp, trong tương lai gần, Hải quân Campuchia chắc chắn chưa có sự thay đổi lớn về chất.

Brunei: Hải quân Brunei chỉ duy trì một lượng tàu nhỏ, trong đó đáng chú ý nhất là 4 tàu tuần tra xa bờ mang tên lửa lớp Darrusalam mua từ Đức (bàn giao trong giai đoạn 2011 - 2014) và 4 tàu tấn công nhanh.

Trước đó, Hải quân Brunei phải từ chối nhận 3 tàu hộ vệ tên lửa lớp Bung Tomo thuộc Dự án F-2000 theo hợp đồng ký với hãng BAE Systems (Anh) do không đủ tiền vận hành và khó khăn trong việc xây dựng kíp thủy thủ.

Năm 2012, Indonesia may mắn mua lại thành công 3 tàu này với giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng 1/5 ban đầu.

Biên đội tàu Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu Hải quân Trung Quốc

Trung Quốc: Không phải nghi ngờ gì về sức mạnh của Hải quân Trung Quốc với đội tàu hùng hậu.

Hiện nước này có 1 tàu sân bay cỡ lớn, 11 tàu ngầm hạt nhân, 51 tàu ngầm thông thường (trong đó có 12 tàu ngầm Kilo), 23 tàu khu trục, 36 khinh hạm, 6 tàu hộ vệ tên lửa cùng 236 tàu tấn công nhanh các loại.

Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc sẽ có thêm ít nhất 2 tàu sân bay cỡ lớn, cùng nhiều tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường, chưa kể 12 tàu khu trục thế hệ mới lớp Luyang-III (Type-052D) cũng sẽ sớm được biên chế.

Ấn Độ: Hải quân nước này hiện có 2 tàu ngầm hạt nhân, 2 tàu sân bay, 14 tàu ngầm thông thường, 9 tàu khu trục, 15 khinh hạm, 23 tàu hộ vệ, cùng 10 tàu tuần tra xa bờ.

Ấn Độ hiện có tham vọng xây dựng lực lượng Hải quân biển xanh với nhiều lớp tàu hiện đại, tuy nhiên nhiều dự án đóng tàu bị chậm, chủ yếu do năng lực hạn chế của nền công nghiệp quốc phòng trong nước.

Mặc dù vậy, gần đây, Hải quân Ấn Độ đã tổ chức nhiều chuyến tuần tiễu xa để huấn luyện kíp tàu và thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng.

Nhật Bản: Hải quân Nhật Bản đang ngày càng lớn mạnh với 3 tàu sân bay trực thăng, 16 tàu ngầm thông thường, 47 tàu khu trục các loại cùng 6 tàu tuần tra xa bờ lớp Hayabusa.

Hàn Quốc: Hải quân Hàn Quốc có lực lượng khá hùng hậu với nhiều lớp tàu tương đối hiện đại gồm 20 tàu ngầm thông thường, 12 tàu khu trục, 12 khinh hạm, 21 tàu hộ vệ và 90 tàu tuần tra xa bờ.

Vùng lãnh thổ Đài Loan: 4 tàu ngầm thông thường, 12 tàu khu trục, 16 khinh hạm, 11 tàu tuần tra xa bờ và 31 tàu tấn công nhanh. Lực lượng Hải quân Đài Loan chủ yếu được bố trí ở khu vực eo biển Đài Loan và ít tuần tra xa bờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại