Lịch sử phát triển
Vào những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70, Tây Đức, Anh và Ý đã thảo luận về việc phát triển một mẫu pháo tự hành mới nhằm tăng cường hỏa lực yểm trợ gián tiếp và đã cho ra đời nguyên mẫu SP70. Trong đó Tập đoàn Vicker Shipbuilding and Engineering chịu trách nhiệm thiết kế tháp pháo (có tên là SBT155).
Dự án SP70 đã bị hủy bỏ vì lúc bấy giờ pháo tự hành M109 Paladin của Mỹ tỏ ra vượt trội hơn. Tuy nhiên những kinh nghiệm trong nghiên cứu SP70 đã được tận dụng để phát triển pháo tự hành AS90 Braveheart của Anh, Palmaria của Ý và Panzerhaubitze 2000 của Đức.
Như một nỗ lực để khắc phục các khuyết điểm trên dự án SP70, Vicker đã chế tạo loại pháo tự hành với khung gầm và tháp pháo mới.
Pháo chính là loại FH 70 155 mm với chiều dài nòng gấp 39 lần đường kính và khung gầm sử dụng một số thành phần tự động của xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 1, trong đó có bộ truyền động thay đổi nhanh (có thể thay đổi trong vòng 1 giờ).
Nguyên mẫu đầu tiên hoàn thành vào năm 1986, sau các cuộc thử nghiệm, sản phẩm mới của Vicker đã được Quân đội Hoàng gia Anh chấp nhận đưa vào sử dụng với tên gọi là AS90 (hoặc AS-90, hay còn được biết với tên “Gun Equipment 155 mm L131/ Pháo 155 mm L131” ) vào năm 1989.
AS90 đã thay thế toàn bộ các loại pháo tự hành FV 433 Abbot và M109 Paladin cũng như lựu pháo xe kéo FH 70 có trong trang bị.
Đặc điểm của hệ thống
Khung gầm
Khung gầm của AS-90 dùng bánh xích với động cơ và bộ truyền động đặt phía trước. Động cơ Cummins VTA903T V8 660 mã lực có tỷ lệ công suất/trọng lượng là 14,6 mã lực/tấn với bộ truyền động tự động ZF Gear Ltd có 2 số tiến 2 số lùi, tốc độ tối đa trên đường nhựa là 55 km/h, tầm hoạt động 350 km.
Ngoài ra, xe còn lắp đặt hệ thống cung cấp điện phụ trợ (Auxiliary Power Unit/ APU) nhằm cấp điện cho các thiết bị bên trong mà không cần bật động cơ. Xe có khả năng vượt chướng ngại vật cao 0,75 m, vượt hào rộng 3 m và lội nước sâu 1,5 m.
Vị trí lái xe của AS90
Hệ thống vũ khí
Pháo chính của AS90 là loại FH 70 cỡ 155 mm với chiều dài nòng gấp 39 lần đường kính, sử dụng cơ chế bệ khóa nòng dạng trượt dọc, loa che lửa kiểu vách ngăn đôi và thiết bị cản khói thuốc tràn ngược về tháp pháo.
Hệ thống nạp đạn của AS90 là loại bán tự động, phía dưới tháp pháo chứa 40 quả đạn, đạn pháo từ đây sẽ được chuyển tới khu vực trung tâm của tháp pháo.
Lúc đó đạn pháo sẽ được đặt vào khay nạp tự động và cánh tay thủy lực sẽ đẩy đạn pháo vào buồng đạn. Liều phóng được đặt bên trái tháp pháo và quy trình nạp là thủ công do lính nạp đạn tiến hành.
Khay nạp đạn tự động vào bệ khóa nòng, phía bên trên góc trái, màu xám chính là bệ khóa nòng pháo
Nhờ có hệ thống giảm giật và hệ thống treo bằng khí nén nên xe không cần thanh ổn định thủy lực, pháo có thể bắn ở mọi hướng trong góc phương vị 360o và góc tà -5o - +70o.
Nhờ hệ thống nạp đạn bán tự động, AS90 có thể bắn loạt 3 phát trong 10 giây và tốc độ bắn trung bình là 6 phát/phút.
Thông tin về mục tiêu sẽ được trinh sát pháo binh cung cấp và chuyển về đơn vị pháo AS90. Hệ thống đặt của BAE System (Automatic Gun Laying System/AGLS) cung cấp các thiết bị tự động để đặt pháo vào vị trí bắn cũng như theo dõi vị trí của xe.
Hai chức năng này được thực hiện bởi một hệ thống dẫn đường quán tính, tích hợp đầy đủ với hệ thống điện tháp pháo. Hệ thống dẫn đường quán tính cung cấp vị trí chính xác và trạng thái của pháo (cũng là vị trí xe), do đó giảm các điều kiện tiên quyết để khảo sát vị trí bắn.
Đơn vị hiển thị của xạ thủ cho biết góc phương vị và góc tà của pháo so với mục tiêu. Dữ liệu có thể được nhập trực tiếp từ bàn phím của xạ thủ hoặc nhận từ hệ thống kiểm soát hỏa lực.
Để bắn trực tiếp từ khoảng cách 2.000 m trở lại, xạ thủ được trang bị kính ngắm ngày/đêm Avimo (bây giờ là một phần của Thales Optronic). AS90 cũng có kính ngắm kỹ thuật số chỉ điểm bằng laser quán tính (Laser INertial Artillery Pointing System/ LINAPS).
AS90 có thể bắn tất cả các loại đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO, tầm bắn tối đa 24,7 km với đạn thường và 30 km với đạn pháo có động cơ rocket hỗ trợ.
Phiên bản cải tiến sau này, AS90 Braveheart sử dụng pháo có chiều dài nòng gấp 52 lần đường kính nên tầm bắn tăng lên 30 km với đạn thông thường và 40 km đối với đạn có động cơ rocket hỗ trợ.
Ngoài ra Braveheart cũng bắn được đạn pháo V-LAP do Nam Phi phát triển với tầm bắn 60 km và cả đạn pháo dẫn đường bằng GPS XM982 Excalibur.
Tháng 11/2007, Bộ Quốc Phòng Anh đã ký hợp đồng với Gesellschaft fur Intelligence Wirksyteme GmbH (GIWS) của Đức để trang bị đạn pháo mang ngòi cảm biến (Ballistic Sensor Fuze Mujnition/ BSFM) cho AS90 Braveheart.
Đây là loại đạn pháo tấn công chính xác với tầm bắn 22,5 km, mỗi viên đạn chứa 2 đạn con mang ngòi nổ cảm biến, chúng dùng hồng ngoại hoặc radar để tìm kiếm các mục tiêu như xe tăng, xe bọc thép để tiêu diệt.
Các phiên bản của AS90
AS90: Phiên bản đầu tiên với nòng pháo dài gấp 39 lần đường kính
AS90 Desert: Phiên bản cải tiến giúp hoạt động tốt ở môi trường sa mạc, trang bị các tấm che nhiệt và phản chiếu ánh mặt trời, được lắp bộ xích Diehl-940 giúp chạy trên cát tốt hơn
AS90 Braveheart: Phiên bản dùng pháo có chiều dài nòng gấp 52 lần đường kính và nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực để bắn các loại đạn như XM982 Excalibur và BSFM