Hải quân Nga bừng tỉnh, Lầu Năm Góc "rùng mình"

Vy Lam |

Trong cuộc chiến chống IS tại Syria, Nga đã chứng tỏ sức mạnh hải quân hiện đại. Theo bản báo cáo mới của Lầu Năm Góc, hiệu quả tác chiến của Hải quân Nga đang khiến Mỹ lo ngại.

Tháng 10 vừa qua, quân đội Nga đã phóng 18 tên lửa hành trình Kalibr từ các tàu chiến triển khai tại biển Caspian.

Vượt qua qua quãng đường 1.500km, những tên lửa này đã tấn công vào các mục tiêu khủng bố ở Syria, tiêu diệt các thành phần chủ chốt của IS.

Mặc dù trên thực tế, cuộc tấn công nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhóm khủng bố tại Syria nhưng nó dường như cũng có tác động mạnh mẽ tới Lầu Năm Góc.

Hãng tin Sputnik (Nga) cho biết, trong bản báo cáo mới của cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, quân đội Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại trước một Hải quân Nga "vừa được đánh thức".

Tàu chiến Nga phóng tên lửa Kalibr tiêu diệt IS

Bản báo cáo có tiêu đề "The Russian Navy: A Historic Transition" (Tạm dịch: Hải quân Nga: Bước chuyển mình lịch sử):

"Người Nga đã bắt đầu, và trong thập kỷ tiếp theo sẽ có những bước tiến lớn trong việc triển khai lực lượng hải quân của thế kỷ 21, có khả năng phòng thủ quốc gia đáng tin cậy và có sự hiện diện ấn tượng nhưng còn hạn chế tại những vùng lợi ích xa xôi trên toàn cầu...".

Tác giả của bản báo cáo là George Fedoroff, chuyên gia hàng đầu của Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, chuyên các vấn đề về Nga.

Bản báo cáo dựa trên số liệu về hạm đội tàu mặt nước và tàu ngầm đang lớn mạnh của Kremlin, với số lượng hiện tại là 186 tàu. Ngoài ra, Fedoroff cũng xét tới kho vũ khí tiên tiến của Hải quân Nga và quyết tâm chiến đấu của các thủy thủ.

Theo Fedoroff, Mỹ đã đánh giá thấp năng lực quân đội Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, lần đầu tiên trong vòng 24 năm, Lầu Năm Góc mới bắt đầu nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Bản cáo cáo viết:

"Kể từ năm 2000, bộ máy chính phủ và nền kinh tế của Nga đã ổn định, tập trung sức lực và tiền bạc để khôi phục quân đội Nga, trong đó có hải quân".

"Các chương trình xây dựng bị đình chỉ lúc trước đang tiến tới hoàn thiện và các chương trình xây dựng mới được xúc tiến để mang lại cho hải quân lực lượng tàu ngầm và tàu chiến mặt nước của thế kỷ 21".

Fedoroff còn viện dẫn các tên lửa hành trình Kalibr của Nga như một dấu hiệu cho thấy sức mạnh hải quân đang lớn mạnh của Nga.

Tên lửa Kalibr chứng tỏ rằng mọi phương tiện mang, dù tầm thường nhất như tàu hộ tống, cũng có thể đe dọa các mục tiêu cố định tầm xa với đầu đạn thông thường.

Khả năng đang gia tăng này đã thay đổi một cách sâu sắc năng lực ngăn chặn, răn đe và tiêu diệt mục tiêu của Hải quân Nga.

Hồi đầu tháng này, Nga còn phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm triển khai tại Địa Trung Hải, nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria.

Tàu ngầm Nga phóng tên lửa Kalibr tiêu diệt IS

Trong khi sự tiến bộ của Hải quân Nga tạo ra thách thức lớn với vị thế bá chủ của Hải quân Mỹ thì Hải quân Trung Quốc cũng đang có những bước tiến nhanh chóng.

Theo Dean Cheng, chuyên viên nghiên cứu cấp cao về Các vấn đề An ninh và Chính trị Trung Quốc tại tổ chức Heritage Foundation, Trung Quốc "đã lấn át mọi lực lượng hải quân trong khu vực".

Trong bối cảnh vị thế thống trị hải quân đang bị đe dọa, Lầu Năm Góc có kế hoạch đầu tư 80-92 tỷ USD để nâng cấp hạm đội tàu ngầm.

Đầu tháng này, Hải quân Mỹ đã gặp phải sự cố đáng xấu hổ khi chiến hạm tác chiến cận bờ (LCS) mới nhất mang tên USS Milwaukee hỏng ngay khi đi vào hoạt động chưa đầy một tháng. Con tàu đã được kéo về căn cứ ở Virginia để sửa chữa.

Trong khi đó, USS Zumwalt, chiếc tàu chiến 3 tỷ USD của Lầu Năm Góc đang vấp phải nhiều chỉ trích vì lỗi thời và không an toàn.

Chuyến đi biển đầu tiên trong tháng này đã cho thấy chiếc tàu khu trục tàng hình này dù có thiết kế của tương lai nhưng lại thiếu khả năng hoạt động trên biển, dễ mất ổn định khi sóng đánh.

Vì vậy, theo Sputnik, không ngạc nhiên khi Lầu Năm Góc lại lo ngại về các tàu ngầm của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại