Hải quân Mỹ bối rối với chính sách của "phe diều hâu"

Hàn Giang |

“Một cuộc chiến do phe diều hâu phát động đang được tiến hành trong Quốc hội Mỹ. Các quan chức phe diều hâu cho rằng an ninh quốc gia sẽ bị đe dọa nếu Đạo luật Kiểm soát Ngân sách của nhà nước trong năm 2011 không bị dỡ bỏ, cho phép chi tiêu quốc phòng nhiều hơn nữa,”cựu Đô đốc Hải quân Mỹ Henry Hendrix nhận định.

Cựu Đô đốc Hendrix đã nhắc đến các chính sách của Hải quân Mỹ trong thời điểm hiện tại, với chi tiêu quốc phòng do nhà nước cung cấp.

Ông cũng nêu ra một số câu hỏi quan trọng đối với các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp quốc phòng:

“Liệu Quốc hội có cần phải chi tiêu nhiều hơn vào quân đội, và các nhà thầu quốc phòng sẽ có được doanh thu lớn hơn trong tương lai? Hoặc chúng ta chỉ có thể đạt được ngang bằng những gì đang có?”.

Hải quân Mỹ đã tự hào có một ngân sách khổng lồ hàng năm với 161 tỉ USD.

Tuy nhiên, ông Hendrix chỉ trích số tiền được chi ra không tương ứng với số tàu mà hải quân đang có, khi quá chú trọng vào kế hoạch phát triển tàu sân bay.

Cuối cùng, ông kết luận rằng: “Hải quân cần phải ngừng xây dựng tàu sân bay ngay lập tức”.

Những nhận định của Hendrix nghe có vẻ kỳ lạ, đặc biệt là đối với một cựu đô đốc. Nhưng các lập luận của ông đã cho thấy rõ quan điểm này, và khẳng định hải quân cần thay đổi để tránh các cường quốc khác vượt mặt.

Cựu đô đốc cho rằng Hải quân Mỹ có 4 vấn đề chính hiện nay, bao gồm một cuộc khủng hoảng ngân sách, một số tàu đang hư hỏng, mất dần vị trí chiến lược và tính hiệu quả trong khả năng chiến đấu gần bờ.

Tất cả điều này bắt nguồn từ chính sách chú trọng phát triển tàu sân bay, đầu tư vào các tàu chiến, cùng hệ thống vũ khí được thiết kế chỉ nhằm mục đích bảo vệ một hạm đội tàu sân bay trung tâm.

Ông Hendrix cho biết, một tàu sân bay 94.000 tấn lớp Nimitz cần đến 5 tỉ USD để chế tạo, chiếm khoảng 1/3 ngân sách đóng tàu hàng năm của hải quân.

Trong khi đối với tàu sân bay 100.000 tấn lớp Gerald R. Ford, số tiền chi tiêu lên đến 14 tỉ USD, gần bằng một năm ngân sách dành cho chi phí đóng tàu.

Cùng một số tiền như nhau, Hải quân Mỹ có thể mua hay chế tạo đến “bảy tàu khu trục tên lửa, hay 7 tàu ngầm chiến đấu, 28 tàu khu trục thông thường, và thậm chí là 100 tàu thủy tốc độ cao,” ông Hendrix nói.

Ngoài ra, hải quân có thể kết hợp và xây dựng một hạm đội với chi phí ngang bằng một tàu sân bay.

Do đó, việc dừng chính sách ưu tiên phát triển tàu sân bay là cần thiết, nhằm tăng cường sức mạnh thực sự của hải quân, ông nói thêm.

“Nếu 14 tỉ USD được dùng để chế tạo một tàu sân bay, trong khi với số tiền đó chúng ta có thể mua được 100 tàu chiến tốc độ cao và chỉ cần vài năm, số lượng tàu của hải quân sẽ tăng lên khoảng 300, 400 hay thậm chí là 500 tàu chiến. Do đó, chính phủ cần cân nhắc lại chiến lược của mình,” báo chí địa phương dẫn lời.

Dưới quan điểm của một nhà đầu tư, cựu đô đốc Hendrix nhận xét chính sách hiện tại của hải quân không nhất thiết phải tăng ngân sách quốc phòng, hay đem lại doanh thu cho hai công ty đóng tàu chính của Mỹ là General Dynamics và Huntington Ingalls.

Kế hoạch phát triển hạm đội tàu chiến thay vì tàu sân bay sẽ đem lại nguồn thu tương tự nhau, và các công ty vẫn có thể hưởng lợi từ đó.

Liên quan đến các rủi ro, ông Hendrix cho biết các tàu sân bay hiện nay có thể không hữu ích như các quan chức quân đội nghĩ.

Ông nhận xét: “Người Mỹ sẵn sàng mạo hiểm cuộc sống vì những lý do quan trọng, nhưng họ cũng bắt đầu ít thích thương vong hơn”.

Mỗi tàu sân bay lớp Ford mang 4.800 thủy thủ, tuy nhiên một cuộc tấn công được tiến hành bởi các lực lượng độc lập có thể loại bỏ nó với kế hoạch phù hợp.

Trong một cuộc tập trận gần đây, Hải quân Mỹ đã huy động toàn bộ nhóm tác chiến Carrier Strike Group 12, bao gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, các tàu tuần dương hộ tống, tàu khu trục và tàu ngầm.

Hạm đội sẽ chiến đấu chống lại một lực lượng của hải quân Pháp. Trong quá trình diễn tập, các tàu ngầm Pháp đã tấn công thành công tàu sân bay Mỹ và sau đó loại bỏ hầu hết các tàu hộ tống.

Mặc dù chỉ là một cuộc chiến mô phỏng, nhưng ông Hendrix cảnh báo điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế.

“Mất một tàu sân bay với 5.000 thủy thủ sẽ khiến làn sóng phản đối dâng cao, đồng thời làm giảm uy tín của quan chức trong các cuộc bầu cử”.

Hơn nữa, Hải quân Mỹ cũng khó có thể đưa một tàu sân bay lớn vào các khu vực tác chiến phù hợp, khi đối phương chống trả quyết liệt, khiến nó trở nên vô dụng.

>>> Tàu dựng đứng giữa biển của Hải quân Mỹ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại