Hải chiến Hoa Đông: Nhật "át vía" Trung Quốc

Minh Đức |

(Soha.vn) - Chất lượng Hải quân Nhật Bản tỏ ra vượt trội so với Trung Quốc, điều này mang lại cho họ nhiều lợi thế trong một cuộc chạm trán trên biển Hoa Đông.

Nếu xảy ra một cuộc xung đột trên biển Hoa Đông, Hạm đội Đông Hải sẽ là lực lượng đầu tiên được Trung Quốc huy động để tham chiến.

Hạm đội Đông Hải mạnh công, yếu thủ

Hạm đội Đông Hải cùng với Hạm đội Nam Hải là hai hạm đội mạnh nhất hiện nay của Hải quân Trung Quốc. Hạm đội Đông Hải được giao nhiệm vụ phụ trách vùng biển Hoa Đông, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.

Tàu chiến mạnh nhất của hạm đội Đông Hải tỏ ra yếu thế khi so với tàu Aegis của Nhật Bản.
Tàu chiến mạnh nhất của hạm đội Đông Hải tỏ ra yếu thế khi so với tàu Aegis của Nhật Bản.

Hạm đội này sở hữu khả năng tấn công khá mạnh với sự có mặt của 4 tàu khu trục hạng nặng lớp Sovremenny nhập khẩu từ Nga. Chúng được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm P-270 Moskit. Đây là loại tên lửa chống hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay nên rất khó đánh chặn.

4 tàu khu trục lớp Sovremenny sẽ là thách thức không nhỏ đối với Hải quân Nhật Bản. Tuy nhiên, lớp tàu này có điểm hạn chế lớn là độ bộc lộ radar và hồng ngoại tương đối lớn nên dễ bị phát hiện từ xa. Trong khi đó, năng lực cảnh báo sớm lại là thế mạnh của Nhật Bản.

Bên cạnh các tàu khu trục lớp Sovremenny, Hạm đội Đông Hải còn sở hữu khoảng 6 tàu hộ vệ Type 054A. Đây là những tàu chiến khá hiện đại, có năng lực tác chiến tương đối cao. Type 054A được trang bị tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 (sao chép từ Buk-M1 của Nga), 8 tên lửa chống hạm C-803 tầm bắn khoảng 200km.

Ngoài ra, còn có khoảng 21 chiếc tàu hộ vệ Type 053 thế hệ cũ nhưng những chúng được thiết kế theo công nghệ những năm 80 nên năng lực tác chiến khá lạc hậu và không còn phù hợp với tác chiến hải quân hiện đại.

Lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Đông Hải được đánh giá rất cao với nòng cốt là các tàu ngầm phi hạt nhân Kilo nhập khẩu từ Nga những năm 90 và đầu những năm 2000. Đây thực sự là thách thức lớn cho hạm đội tàu chiến Nhật Bản.

Tuy có sức mạnh tấn công khá mạnh nhưng Hạm đội Đông Hải lại khá yếu về khâu phòng không. Các tàu chiến của hạm đội chỉ có khả năng đảm đương phòng không tầm trung. Ngoại trừ tàu khu trục lớp Sovremenny và Type 054, những tàu chiến còn lại có sức mạnh tấn công và phòng thủ khá yếu.

Hải quân Nhật Bản công-thủ toàn diện

Chất lượng các tàu chiến Nhật Bản đều vượt trội so với Hạm đội Đông Hải nói riêng và Hải quân Trung Quốc nói chung. Những chiến hạm trong biên chế Hải quân Nhật Bản đều là những con tàu tiêu biểu của đỉnh cao của công nghiệp đóng tàu thế giới.

Chất lượng của Hải quân Nhật Bản rất đồng đều còn hạm đội Đông Hải có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng.

Chất lượng của Hải quân Nhật Bản rất đồng đều, còn hạm đội Đông Hải có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng.

Hải quân Nhật Bản có 4 tàu khu trục Aegis lớp Kongo, đây là một thiết kế sửa đổi của tàu khu trục lớp Arleigh Burke (Mỹ). Chúng được trang bị radar AN/SPY-1 cùng hệ thống chiến đấu Aegis tối tân là một phần trong chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo chung giữa 2 nước.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có 2 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Atago, đây là một thiết kế cải tiến từ tàu khu trục lớp Kongo, 2 tàu khu trục này cũng được trang bị radar AN/SPY-1D và hệ thống chiến đấu Aegis, tuy nhiên, chúng không tham gia vào chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo giữa hai nước.

Nếu xảy ra một cuộc xung đột vũ trang, những tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis này là vũ khí chủ lực của Nhật Bản để vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình chống hạm của Trung Quốc.

Ngoài ra, Hải quân Nhật Bản còn có khoảng 30 tàu khu trục các loại như: Lớp Hatakaze, Akizuki, Murasame.. đây đều là những tàu chiến đẳng cấp thế giới với khả năng tấn công và phòng thủ toàn diện. Bỏ qua vai trò của tàu khu trục Aegis thì những tàu chiến trên cũng đều có thể “át vía” tàu chiến của Hạm đội Đông Hải.

Về tàu ngầm, Hải quân Nhật Bản có 21 tàu ngầm điện diesel gồm 3 lớp Soryu, Oyashio và Harushio, là những tàu ngầm điện-diesel hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. Hạm đội tàu ngầm này hoàn toàn có thể khắc chế hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc. Ngoại trừ 12 chiếc tàu ngầm Kilo nhập khẩu từ Nga, những tàu ngầm còn lại do Trung Quốc chế tạo đều bị đánh giá thấp hơn so với tàu ngầm Nhật Bản.

Hố đen đại dương Kilo của Trung Quốc(ở trên) và Rồng đen Soryu của Nhật Bản ở dưới ai sẽ thắng ai trong cuộc chạm trán trên biển Hoa Đông.

Tàu ngầm Kilo của Trung Quốc (ở trên) và Rồng đen Soryu của Nhật Bản (ở dưới), ai sẽ thắng trong cuộc chạm trán trên biển Hoa Đông?

Bên cạnh sự vượt trội về chất lượng tàu chiến, Hải quân Nhật Bản còn lực lượng chống ngầm rất hùng hậu. Lực lượng này sẽ khiến cho hạm đội tàu ngầm Trung Quốc phải bận rộn và không còn nhiều thời gian để quấy rối hạm đội tàu chiến Nhật Bản.

Một cuộc hải chiến trên biển Hoa Đông lợi thế nghiêng hẳn về phía Nhật Bản, ngoài lợi thế về chất lượng, Hải quân Nhật Bản có khá nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động tác chiến xa bờ. Tuy nhiên, những yếu tố trên vẫn chưa phải là chìa khóa để quyết định bên nào sẽ giành chiến thắng.

Xem thêm:

Phần 1: Không chiến Hoa Đông: Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ thắng?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại