Quá trình nâng cấp của xe tăng diễn ra rất nhanh chóng. Hệ thống khung gầm được hiện đại hóa, hệ thống bánh xích con sâu cũng được cải thiện và những phương tiện trên đường bộ và đường sắt đã được sử dụng để đưa chúng ra tiền tuyến nhanh chóng.
Tuy vậy, trong những trường hợp không có phương tiện vận chuyển, các nhà thiết kế Liên Xô kết luận rằng xe tăng phải được kéo hẹp lại và phải có khả năng bay lên cao.
Ý tưởng về những chiếc xe tăng trọng lượng nhẹ có thể cất cánh bắt nguồn từ Mỹ. Chiếc xe tăng M-1932 nặng 4 tấn là một chiếc xe bánh xích không có pháo được làm bằng hợp kim nhôm và được gắn cánh và động cơ đẩy có thể tách rời khi hạ cánh xuống vùng địch.
Nhà chế tạo xe tăng J. Walther Christie từng nói rằng: “Chỉ cần một đàn xe tăng bay thả vào lòng quân địch thôi là chiến tranh nào cũng có thể chấm dứt”.
Christie được biết đến không chỉ vì tính lập dị mà còn vì tài năng thiên bẩm. Ông là người đã đi tiên phong trong việc đặt hệ thống giảm xóc trên xe tăng, sau này được sử dụng trên các xe T-34 của Liên Xô. Thế nhưng xe tăng bay của Mỹ chưa bao giờ cất cánh lần nào và kế hoạch đã bị hủy bỏ.
Sau đó, Liên Xô cũng tiếp nhận ý tưởng xe tăng bay, nhưng nỗ lực ban đầu vào năm 1933 cho kết quả không mấy khả quan. Lần phóng thử nghiệm xe tăng T-27 đã cho thấy sự phức tạp của kế hoạch xe tăng bay, bởi các nhà sản xuất phải giảm trọng lượng xe và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng chiến đấu của xe tăng.
Một hệ thống giảm xóc đặc biệt được thiết kế cho xe tăng bay và vào năm 1935 các nhà thiết kế đã thành công trong việc đưa xe tăng thủy bộ T-37A cất cánh nhờ một máy bay chuyên chở. Người dân gần Moscow đã theo dõi trong sự kinh ngạc khi một chiếc máy bay lớn lượn xuống một cái hồ gần đó và thả xe tăng xuống.
Trong khi đó, công việc vẫn tiếp diễn nhằm đạt được mục tiêu chính là gắn cánh vào chính xe tăng. Một bản thiết kế nháp đã được đệ trình xem xét vào năm 1933 nhưng nhanh chóng bị từ chối.
Khả năng sản xuất của Liên Xô vào thời đó không thể chế tạo nên một động cơ đủ mạnh để đạt vận tốc cất cánh. Tuy vậy, ý tưởng về xe tăng bay lại xuất hiện khi Thế chiến II nổ ra, khi một tàu lượn được thiết kế để bay cùng với xe tăng T-60 từ bên dưới bụng một máy bay ném bom.
Theo đó, xe tăng - tàu lượn sẽ tách rời khỏi máy bay, bay qua chiến tuyến và hạ cánh sâu trong lòng địch hay gần các đơn vị du kích. Tàu lượn sau đó được gỡ bỏ và xe tăng sẽ tham chiến.
Tuy nhiên, tải trọng giới hạn của máy bay thời đó khiến ý tưởng không thể trở thành hiện thực, và thực tế xe tăng - tàu lượn chỉ bay cao được 40m.
Một xe quân sự được thả từ máy bay xuống.
Dù vậy ý tưởng xe tăng bay vẫn chưa chấm dứt. Các nhà thiết kế Liên Xô bắt đầu thử nghiệm lần nữa sau năm 1945 và nhanh chóng vượt mặt các nước khác.
Vào đầu những năm 1950, họ đã chế tạo thành công pháo tự hành ASU-57 có thể được thả bằng dù hay các loại khung cánh từ các máy bay An-8 và An-12 mạnh mẽ hơn.
Dự án của Liên Xô thành công đến mức Mỹ đã đáp trả vào năm 1968 với xe thiết giáp bay do thám M551 Sheridan với cùng phương thức hoạt động. Tuy nhiên, Moscow vẫn luôn đi trước và vào năm 1975, Liên Xô đã sản xuất được xe tăng thủy bộ hoàn toàn tại nhà máy Volgograd.
Được điều khiển bởi một đội 3 người và có trọng lượng 17 tấn, xe được trang bị một pháo 100mm, súng máy và các hệ thống chống tên lửa máy bay. Nhưng ưu điểm lớn nhất của nó là khả năng hoạt động trong môi trường nước và có thể hỗ trợ lính dù chiến đấu trên mọi địa hình.
Một sản phẩm khác cũng được phát triển bởi nhà máy Kurgan, và các dự án này được đặt tên hiệu là Xe 934 và 685.
Các xe tăng đều này đã được thử nghiệm đầy đủ, tuy nhiên chúng chưa một lần được đưa vào sử dụng do thiếu hụt ngân sách làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quân sự Liên Xô trong những năm "đổi mới".
Thế nhưng, những dự án này là tiền đề cho các loại xe tăng trọng lượng nhẹ, phản ứng nhanh mà quân đội phương Tây bắt đầu chế tạo vào những năm sau này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report (RIR), ấn bản tại Ấn Độ của website tin tức Russia Beyond the Headlines của Nga.