Công cuộc "đại tu" các lực lượng vũ trang Nga - Kỳ 2
NHỮNG THÁCH THỨC CHÍNH
Dmitry Gorenburg, chuyên gia thuộc Trung tâm phân tích Hải quân, lưu ý rằng các kế hoạch xây dựng quân đội của Bộ Quốc phòng Nga dựa trên những đánh giá quá lạc quan rằng quá trình này sẽ không bị trì hoãn hay gặp các vấn đề về kỹ thuật và thiết kế.
Thực tế, các trở ngại về thiết kế đã khiến việc thực hiện hợp đồng của chính phủ mua 37 chiến đấu cơ Su-35 bị trì hoãn 2 năm, tức phải đợi tới năm 2016 Nga mới có được loại máy bay tân tiến này.
Gorenburg và các chuyên gia khác cũng lập luận rằng khó có khả năng việc xây dựng quân đội Nga sẽ đáp ứng được các mục tiêu đề ra trước đó.
Hơn nữa, tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga còn lâu mới đạt tới được tiêu chuẩn hoàn hảo trong việc sản xuất trang thiết bị.
Những vụ phóng tên lửa thất bại (như vụ phóng từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Bulava), các vụ tai nạn máy bay quân sự, những trì hoãn trong việc hạ thủy tàu chiến mới hoặc bàn giao tàu sân bay Đô đốc Gorshkov (Vikrramaditya theo cách gọi của Ấn Độ) cho New Delhi; và các vấn đề về kiểm soát chất lượng hàng hóa đã đặt ra nhiều nghi vấn về độ tin cậy của các sản phẩm quốc phòng do Nga sản xuất.
Quyết định trì hoãn bàn giao tàu chiến Mistral của Pháp cho phía Nga mới đây cho thấy Nga đang bị cô lập trên thị trường quốc phòng toàn cầu, nhất là việc mua sắm những thiết bị nền tảng mà ngành công nghiệp trong nước hiện không thể đáp ứng.
Hợp tác quốc phòng giữa Nga với các tập đoàn của Italy và Đức cũng đang gặp trắc trở khi NATO kêu gọi các nước thành viên hạn chế hợp tác quốc phòng với Moskva.
Cuộc khủng hoảng với Ukraine cũng đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Nga vào tình thế khó khăn hơn. Tới nay, quân đội Nga vẫn phụ thuộc vào những trang bị do các công ty của Ukraine sản xuất.
Tuy có những thông tin rằng một số công ty của Ukraine đã tìm cách lách lệnh của chính phủ cấm bán thiết bị quân sự cho phía Nga bằng cách xuất hàng cho các công ty trung gian, rồi bán chúng cho Moskva hoặc lợi dụng các kẽ hở luật pháp để bán thành phẩm cho Belarus - một đồng minh thân cận của Moskva, thì lệnh cấm cho thấy Ukraine dường như không còn là một nguồn cung ổn định những mặt hàng quốc phòng cho Nga trong tương lai.
Trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các hệ thống và thiết bị điện tử tự động dùng cho hoạt động chỉ huy kiểm soát, Nga đã chuyển hướng sang tìm kiếm các đối tác khác, như Israel - quốc gia dẫn dầu thế giới về mảng này.
Nhưng theo nhiều nguồn tin từ Israel, dưới áp lực của Mỹ, nước này đã bỏ các hợp đồng bổ sung bán thiết bị cho quân đội Nga.
Với Ấn Độ, đối tác quốc phòng truyền thống của Nga mà tên lửa siêu thanh BrahMos là một sản phẩm ấn tượng của hợp tác quốc phòng song phương, cũng đang tính toán tới việc thắt chặt hơn quan hệ với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Các quốc gia mới nổi như Brazil và Nam Phi có thể quan tâm tới tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga, nhưng những nước này chỉ có thể là bên mua chứ không phải là một phần trong bất kỳ dự án phát triển công nghệ quân sự chung nào.
Nhận thức được thách thức trên, Phó Thủ tướng Nga phụ trách công nghiệp quốc phòng Dmitry Rogozin đã liên tục kêu gọi Nga tăng cường khả năng tự sản xuất và hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế, nhất là các thành phẩm công nghệ cao.
Theo ông, nguồn dự trữ ngoại tệ của Nga có được từ việc xuất khẩu năng lượng cần phải được sử dụng để tạo sự nhảy vọt trong quá trình tái công nghiệp hóa.
Vấn đề là liệu Moskva có khả năng thực hiện đầu tư hiệu quả hay không hay chỉ vung tiền lãng phí và không đúng hướng.
Vấn đề “chi quá nhiều nhưng hiệu quả thấp” là bài toán nan giản khác cho chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Nga.
Trong bối cảnh bị cấm vận và tình hình giá dầu mỏ biến động bất lợi như hiện nay, viễn cảnh trì trệ của nền kinh tế sẽ buộc Điện Kremlin phải đầu tư cho quốc phòng một cách khôn ngoan hơn.
Việc tung ra một lượng lớn tiền chi cho quân sự không phải là một lựa chọn hợp lý với Nga thời điểm hiện nay.
Nga cần phải tránh sai lầm mà Liên Xô từng mắc phải khi chi tiêu quân sự không được ứng dụng sang cho lĩnh vực dân sự nhằm sản xuất hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho thị trường dân sinh rộng lớn hơn.
Một bài trắc nghiệm quan trọng cho chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Nga là kế hoạch bơm 28 tỷ USD vào ngành công nghiệp hàng không vũ trụ trong thập kỷ tới.
Khoản đầu tư này sẽ dọn đường cho việc sản xuất hàng loạt các chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo như PAK-FA.
Đây sẽ là nền tảng quan trọng cho nỗ lực duy trì một lực lượng phòng không mạnh và chứng tỏ sức hút với các khách hàng sẵn sàng chi tiền mua máy bay chiến đấu, trực thăng quân sự để qua đó, nỗ lực giành được thị phần trên thị trường vận tải hành khách và trực thăng dân dụng của thế giới.
Nhưng ngay cả khi không đạt được những mục tiêu tham vọng đã đề ra, quân đội Nga đang lớn mạnh hơn dưới thời của Tổng thống Putin.
Nga có thể chưa đạt tới vị trí thách thức trực tiếp sức mạnh của Mỹ nhưng ở khu vực châu Âu, việc khôi phục khả năng của lực lượng tác chiến thông thường cũng đang củng cố cho vị thế cường quốc mà nước này đang tìm kiếm.