Chuyên gia Mỹ: Đừng ảo tưởng rằng Hải quân Nga sẽ sụp đổ

Nhật Minh |

Trong một bài viết đăng trên trang mạng War is Boring, tác giả Dmitry Gorenburg đã phân tích về tương lai của hải quân Nga, vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu David Axe từng nhận định rằng Hải quân Nga đang đứng trước rất nhiều khó khăn và có nguy cơ sụp đổ.

Nhận định này được đưa ra dựa trên những số liệu của Tiến sĩ Dmitry Gorenburg, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm phân tích hải quân (CNA, trụ sở tại Virginia, Mỹ) về chương trình đóng tàu và các ưu tiên của Hải quân Nga.

Theo đó, Kremlin từng tuyên bố Nga sẽ tăng cường mạnh mẽ các hoạt động hải quân vào năm 2015.

Tuy nhiên, theo Axe đây là một lời nói suông, hay có thể coi là một lời đe dọa.

Axe cho rằng, trên thực tế, hạm đội của Nga đang có nguy cơ suy giảm chóng mặt số lượng tàu chiến và khả năng chiến đấu, do những thâm hụt khổng lồ trong ngành công nghiệp từ nhiều thập kỷ nay.

Thế nhưng, theo Tiến sĩ Gorenburg, cách suy luận của David Axe từ những số liệu của ông là không chính xác.

Dưới đây là những lập luận phản bác của Tiến sĩ Gorenburg:

Hải quân Nga tăng cường sức mạnh

Hải quân Nga đang được đầu tư để nâng cấp theo giai đoạn trong hơn 20 năm tới.

Tàu ngầm nằm trong đợt nâng cấp đầu tiên và hiện nay, công việc đại tu, phục hồi những con tàu này đang được tiến hành.

Tiếp theo là tới các tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ hơn và sau đó là tăng cường khả năng đổ bộ.

Kế hoạch nâng cấp các tàu tuần dương và tàu khu trục sẽ dời sang thập kỷ tới.

Vì vậy, số lượng các tàu chiến lớn sẵn sàng hoạt động của Nga sẽ giảm đi trong tương lai gần nhưng sẽ bắt đầu tăng lên trong trung và dài hạn.

Tàu ngầm Nga được vận chuyển đi nâng cấp

Tàu ngầm Nga được vận chuyển đi nâng cấp

Hải quân Nga vốn có 4 sứ mệnh chủ đạo, đó là: răn đe chiến lược, phòng thủ bờ biển, bảo vệ các tuyến đường giao thông và liên lạc trên biển, triển khai ngoài khu vực.

Dưới sự chỉ huy của Đô đốc Gorshkov trong giai đoạn cuối thời Xô Viết, Hải quân Nga đã tăng cường các đợt triển khai, trong khi vẫn duy trì mức độ quan trọng của những sứ mệnh khác.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thời hậu Xô Viết, Hải quân Nga gần như sụp đổ. Phần lớn các tàu chiến của họ rơi vào tình trạng không hoạt động được và một số lượng lớn các tàu bị loại bỏ.

Thêm vào đó, tình trạng thiếu hụt ngân sách khiến các tàu chiến và tàu ngầm có thể hoạt động còn lại hiếm khi được triển khai trong giai đoạn từ 1994 – 2005.

Khi chính phủ Nga khôi phục lại nguồn tài chính dành cho việc mua sắm trang thiết bị hải quân trong những năm gần đây, các nhà hoạch định kế hoạch hải quân hiểu rằng, họ không thể cùng một lúc tái xây dựng toàn bộ khả năng của Hải quân Nga.

Hiện nay, đối với Hải quân Nga, nhiệm vụ răn đe chiến lược vẫn được đặt lên hàng đầu.

Quá trình phát triển và chế tạo các mẫu tàu ngầm hạt nhân mới, cũng như các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm tiến triển với tốc độ nhanh ngay khi ngân sách được tăng cường (mặc dù tàu ngầm lớp Borei ra mắt muộn so với dự kiến, do các vấn đề với tên lửa Bulava).

Tàu ngầm hiện đại và uy lực nhất của Hải quân Nga hiện nay là các tàu ngầm lớp Borei (đề án 955), các tàu ngầm này có lượng giãn nước lên đến 24.000t và có thể mang đến 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm Bulava.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei

Đối với lực lượng hải quân thông thường, Hải quân Nga quyết định tập trung cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển.

Một số lượng tương đối các tàu chiến nhỏ nhưng có khả năng mạnh mẽ đang được chế tạo trong khuôn khổ chương trình tái trang bị, cho phép Hải quân Nga thực hiện đầy đủ nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, cũng chính vì quyết định trên mà kế hoạch xây dựng khả năng thực hiện các nhiệm vụ viễn dương bị lùi lại.

Điều đó đồng nghĩa với việc, trong 5-10 năm tới, khả năng triển khai lực lượng tầm xa của Hải quân Nga sẽ suy yếu ở một mức độ nào đó, do những tàu chiến lớn còn lại từ thời Xô Viết đã trở nên cũ kỹ và kém tin cậy.

Dẫu vậy, đây chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. Trong trung hạn và dài hạn, Hải quân nga dự định tái xây dựng khả năng này, với các tàu khu trục mới đang được thiết kế và dự kiến sẽ gia nhập hạm đội trong năm 2025.

Ngoài ra, Nga có kế hoạch đóng mới các tàu đổ bộ để tăng cường năng lực nói trên vào giữa thập kỷ tới.

Bên cạnh đó, vẫn có những tranh luận về vấn đề đóng mới các tàu sân bay, mặc dù chiếc đầu tiên sẽ không thể đi vào hoạt động trước năm 2030.

Như vậy, có thể thấy thay vì ở bên bờ vực sụp đổ, Hải quân Nga đang tiếp tục lớn mạnh, mặc dù chủ yếu trang bị các tàu chiến nhỏ trong ngắn hạn nhưng các tàu chiến lớn hơn sẽ gia nhập hạm đội trong khoảng 8-10 năm tới.

Những khó khăn

Hải quân Nga chắc chắn không từ bỏ sứ mệnh triển khai ngoài khu vực nhưng việc đóng mới các tàu chiến cỡ lớn (như tàu khu trục, tàu sân bay) còn phụ thuộc vào nguồn tài chính trong dài hạn.

Thêm vào đó, với năng lực hiện tại, các nhà máy của Nga không đủ khả năng thực hiện toàn bộ kế hoạch đóng tàu đúng như thời gian dự kiến.

Ngay cả khi có đủ tài chính, Hải quân Nga cũng không thể triển khai các nhóm tác chiến lớn tới những khu vực lân cận trong ít nhất 10 năm tới.

Trong ngắn hạn, lực lượng này có thể tiếp tục triển khai tàu ngoài khu vực, nhưng không thể đạt đến mức độ khiến Mỹ lo ngại.

Nhìn chung, có thể kết luận rằng, mặc dù vẫn còn khó khăn nhưng nếu chương trình đóng tàu của Hải quân Nga được tiến hành đầy đủ, lực lượng này sẽ trở lại là một lực lượng hùng mạnh trên đại dương vào cuối thập kỷ tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại