10 trận "tăng chiến" kinh hoàng nhất trong lịch sử (I)
10 trận "tăng chiến" kinh hoàng nhất trong lịch sử (II)
Nhiều cuộc đụng độ “tăng đấu tăng” cũng đã diễn ra trong những năm qua.
7. Trận Arracourt (1944)
Nằm trong tổng thể chiến dịch Lorraine do tướng Lục quân George Patton chỉ huy, diễn ra từ tháng 9 đến thắng 11/1944, rất ít người biết rằng Trận Arracourt là cuộc chiến tăng lớn nhất mà quân đội Mỹ thực hiện tính đến thời điểm đó.
Đây là một cuộc đụng độ lớn giữa các lực lượng thiết giáp của quân Mỹ và Đức gần thị trấn Arracourt, Lorraine, Pháp, từ ngày 18-29/9/1944, trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngày 18/9, hai bên bắt đầu giao tranh trong điều kiện thời tiết xấu và sương mù dày đặc. Lực lượng không quân chiến thuật của Mỹ đã không thể xác định vị trí và tiêu diệt các đơn vị thiết giáp tiên tiến của Đức.
Tuy nhiên, thời tiết cũng đã hạn chế tầm nhìn của phía Đức. Do vậy, ban đầu hai bên chỉ đấu pháo với nhau.
Từ ngày 20-25/9, các đơn vị xe tăng Panzer bắt đầu mở một loạt các cuộc tấn công nhằm vào Arracourt. Nhưng lực lượng này đã bị quân Mỹ đánh bật trở lại và chịu thiệt hại nặng.
Đến ngày 26/9, lực lượng Đức tại đây chỉ còn 25 chiếc xe tăng và không còn đủ sức để tấn công tiếp.
Ngày 29/9, quân Đức buộc phải rút lui về khu vực biên giới nước này.
Trận chiến trên rất có ý nghĩa khi mà toàn bộ lực lượng xe tăng Đức được trang bị xe tăng nổi tiếng Panzers, nhưng đã bị đánh bại bởi một lực lượng Mỹ chủ yếu được trang bị xe tăng Sherman 75mm.
Đây cũng là một trận chiến quan trọng trong cuộc tấn công quyết liệt chung nhằm vào quân Đức của tướng Patton.
Bằng cách phối hợp tấn công giữa xe tăng, pháo binh, bộ binh và không quân, quân Đức đã bị phong tỏa, cho phép quân đoàn số 21 của tướng Montgomery tấn công ở phía bắc.
Khi Trận Arracourt kết thúc, các lực lượng Mỹ đã đánh bại hai lữ đoàn xe tăng Panzer và một phần của 2 sư đoàn tăng Panzer khác.
Trong số 262 xe tăng mà quân Đức triển khai trong trận chiến trên, hơn 86 chiếc bị phá hủy, 114 chiếc khác bị hư hỏng. Ngược lại, quân Mỹ chỉ mất có 25 xe tăng.
Trận Arracourt cũng đã ngăn chặn một cuộc phản công của quân Đức và sau đó quân Đức không còn khả năng giành bất kỳ thắng lợi nào trên chiến trường.
8. Trận Chawinda (1965)
Trận Chawinda là một trong những trận chiến xe tăng lớn nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Diễn ra trong Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1965, đây là cuộc đọ sức của khoảng 132 xe tăng Pakistan với 225 xe tăng, bọc thép của Ấn Độ.
Cuộc chiến kéo dài từ ngày 6-22/9, diễn ra dọc theo tuyến hành lang Ravi-Chenab nối vùng Jammu và Kashmir với Ấn Độ.
Quân đội Ấn Độ đã hy vọng cắt đứt tuyến đường tiếp tế của Pakistan bằng cách chia cắt thành phố Sialkot với khu vực Lahore.
Cuộc chiến lên đến đỉnh điểm vào ngày 8/9 khi quân Ấn Độ tiến vào Chawinda.
Máy bay Pakistan đã tham chiến trước, tiếp theo là cuộc đối đầu giữa tăng với tăng. Một trận chiến xe tăng lớn khác xảy ra sau đó vào ngày 11/9 tại khu vực Phillora.
Cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc vào ngày 21/9 khi quân đội Ấn Độ rút lui. Pakistan mất 40 xe tăng, trong khi Ấn Độ mất hơn 120.
9. Trận chiến Thung lũng Nước mắt (1973)
Trong Chiến tranh Arập-Israel năm 1973 (hay còn gọi là Chiến tranh Yom Kippur hoặc Thũng lũng Nước mắt), quân đội Israel đã chiến đấu với một liên minh bao gồm Ai Cập, Syria, Jordan và Iraq.
Mục tiêu của liên minh là để loại bỏ lực lượng Israel chiếm bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan (6-24/10/1973).
Ngày 6/10, sau khi mở cuộc không kích lớn với chừng 200-250 máy bay, đánh vào 3 sân bay, 10 vị trí tên lửa phòng không, các sở chỉ huy chính, trung tâm gây nhiễu điện tử, trạm radar, hai căn cứ pháo tầm xa và một cứ điểm mạnh ở phía đông Port Fuad của Israel, 8.000 quân Ai Cập tiến hành vượt kênh Suez đợt đầu bằng 1000 xuồng cao su.
Chỉ trong chưa đầy sáu giờ, quân Ai Cập đã hạ 15 đồn, tiến sâu đến vài km. Đến lúc này, quân Ai Cập tiếp tục đưa 5 sư đoàn bộ binh và 850 xe tăng bắt đầu vượt kênh đợt 2.
Trong khi đó, một lữ đoàn chiến xa lội nước gồm một ngàn quân, 20 xe tăng PT-76 và 80 APC vượt Đại hồ Bitter. Mục tiêu của họ là cắt đứt hệ thống liên lạc và chỉ huy dọc theo các con đèo Mitla và Gedy.
Quân Ai Cập hoàn thành cuộc vượt kênh với rất ít tổn thất: 280 binh sỹ, 15 máy bay và 20 xe tăng.
Trong khi đó, tổn thất của Israel lớn hơn nhiều: tới ngày 7/10, tướng Mandler phía Israel thông báo sư đoàn bọc thép của mình từ 291 xe tăng chỉ còn 100 xe, lữ đoàn bọc thép Shomron ở phía nam từ 100 xe tăng chỉ còn 23 xe tăng.
Tổng cộng, có 300 xe tăng của Israel bị phá hủy trong cuộc tấn công của Ai Cập vào chiến lũy Bar-Lev, lữ đoàn bộ binh bảo vệ chiến tuyến bị tiêu diệt.
Trên Cao nguyên Golan, quân Syria sử dụng năm sư đoàn và 188 khẩu đội pháo tấn công hệ thống phòng thủ của Israel gồm hai lữ đoàn và 11 khẩu đội pháo.
Lúc trận chiến mở màn, 180 xe tăng và 60 pháo của Israel phải đọ lại với 1.300 xe tăng Syria. Tất cả các xe tăng Israel tại Cao nguyên Golan đều được tung vào trận.
Iraq cũng đưa một lực lượng viễn chinh tới Golan, bao gồm khoảng 30.000 quân, 500 xe tăng, và 700 xe bọc thép.
Sư đoàn Iraq trên là một bất ngờ chiến lược cho Israel, vì họ tin rằng họ có thể nhận được tin tình báo về sự chuyển quân này trước 24 giờ.
Bất ngờ này chuyển thành bất ngờ chiến thuật, vì quân Iraq đánh vào sườn phía nam để hở của các xe tăng Israel đang tấn công, buộc họ phải rút lui chừng vài km để đề phòng bị bao vây.
Chiến tranh Yom Kippur đã diễn ra trong vòng 19 ngày với sự tham gia của 1.700 xe tăng Israel (trong đó 63% bị phá hủy) và khoảng 3.430 xe tăng liên minh (trong đó có khoảng 2.250 - 2.300 bị phá hủy).
Cuối cùng, Israel chiếm ưu thế và một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian có hiệu lực vào ngày 25/10/1973.
10. Trận 73 Easting (1991)
Trong những gì được mô tả là "cuộc chiến xe tăng vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20", một lực lượng Mỹ bao gồm hơn một chục xe bọc thép M3 Bradley và 9 xe tăng chiến đấu M1A1 Abrams đã đối đầu với hơn 85 xe tăng Iraq (trong đó bao gồm các xe tăng T-55 và T-72 do Nga chế tạo).
Cuộc đấu diễn ra trong bối cảnh chung là Chiến tranh vùng Vịnh, nổ ra trên sa mạc Iraq, và dẫn đến một thảm họa lớn đối với các lực lượng Iraq.
Trong cuộc đối đầu này, xe tăng của Mỹ có một số lợi thế về công nghệ so với lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq, cụ thể những chiếc M1A1 có tầm sát thương ở cự ly 2,5km, trong khi các xe tăng Iraq chỉ có tầm sát thương trong bán kính 2km.
Kết quả là, khoảng 600 quân Iraq thiệt mạng hoặc bị thương, trong khi phía Mỹ thiệt mạng hơn 10 người và và 57 người khác bị thương. 85 xe tăng Iraq đã bị phá hủy trong khi phía Mỹ chỉ có 1 chiếc bị thiệt hại.