Chia tay huyền thoại bầu trời: Như một lời tri ân

Hoàng Anh |

Theo dự kiến, cuối tháng 11 này Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam sẽ tổ chức sự kiện để vinh danh và chấm dứt 50 năm hoạt động của máy bay tiêm kích huyền thoại MiG-21.

Chiếc MiG-21 đầu tiên về Việt Nam vào tháng 12/1965 và tham chiến trận đầu tiên ngày 4/3/1966. Tròn 50 năm trên bầu trời nước Việt, đã đến lúc chúng ta gửi đến MiG-21 lời tri ân sâu sắc.

Khúc tráng ca 50 năm

Một trong những người đề xuất tổ chức chương trình vinh danh và chia tay máy bay tiêm kích MiG-21 là Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng, con trai Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên thật là Nguyễn Hữu Vũ).

Trung tá Hưng từng là những phi công tiêm kích của Trung đoàn 921 - Sao Đỏ huyền thoại - Trung đoàn không quân đón nhận những chiếc MiG-21 đầu tiên do Liên Xô viện trợ vào năm 1965.

Ngoài ra, người đàn ông này từng là tiến sĩ tâm lý học hàng không đầu tiên của Việt Nam sau đó giữ chức Chủ tịch HĐQT của Vietnam Airlines.

Ông Hưng không phải là một phi công lái MiG-21 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, nhưng nói đến loại máy bay này người ta thường nhắc nhiều đến ông vì là chủ biên cuốn sách nổi tiếng "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam 1965-1975 - nhìn từ hai phía”.

Cuốn sách mà ông đã phối hợp với một số tác giả khác dành một thời lượng khá lớn để nói về MiG-21 cũng như chân dung những Anh hùng nổi tiếng, trực tiếp gắn bó với loại máy bay này.

Nó giống như việc, khi nhắc đến MiG-21 ở Việt Nam không thể không nhắc đến Trung đoàn Sao Đỏ, và ngược lại.

Mới đây nhất, trong bài viết chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày chiếc MiG-21 đầu tiên cất cánh lên trời và 50 năm loại máy bay này được trang bị cho Không quân Nhân dân Việt Nam, Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng tóm lược:

Máy bay tiêm kích MiG-21 trở thành huyền thoại không chỉ vì tuổi thọ lâu kỷ lục mà còn là vì dưới bàn tay điều khiển của phi công Việt Nam, các máy bay MiG-21 đã lập nên kỳ tích bắn rơi 167 máy bay Mỹ trong kháng chiến chống Mỹ, lập một loạt các kỷ lục.

Đó là: Phi công đầu tiên và duy nhất bắn rơi 9 máy bay Mỹ, duy nhất bắn rơi máy bay ném bom chiến lược bất khả xâm phạm B-52 của Mỹ, lần đầu tiên trên thế giới bắn rơi EB-66...

Ban đầu, kế hoạch tổ chức chương trình vinh danh và chia tay máy bay tiêm kích MiG-21 dự kiến được tổ chức ở TP Đà Nẵng giữa tháng 10 vừa qua, tuy nhiên sau đó, do nhiều lý do khác nhau nên phải lùi lại thời gian và cả địa điểm tổ chức.

Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng đề xuất: Trước khi chia tay vĩnh viễn MiG-21 để đưa "huyền thoại bầu trời" vào các bảo tàng lưu giữ sẽ tổ chức một buổi bay trình diễn cuối cùng.

Ngày hôm đó, những Anh hùng bầu trời một thuở mà tên tuổi họ gắn bó mật thiết với máy bay tiêm kích MiG-21 như Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Đức Soát... sẽ in những dấu bàn tay cuối cùng, lưu danh vĩnh viễn lên thân những chiếc MiG huyền thoại...

Rất có thể, trong buổi lễ vinh danh và chia tay ấy, nhiều tài liệu quý giá liên quan đến MiG-21, liên quan đến những Anh hùng không quân Việt Nam sẽ được công bố.

Nhờ lời giới thiệu của Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng, chúng tôi lần lượt tìm gặp một số phi công thuộc Trung đoàn không quân lẫy lừng 921 - Sao Đỏ.

Đa phần trong số họ sau này đều thành đạt, nhiều người trở thành Anh hùng nức tiếng của không quân Việt Nam... 50 năm, ký ức về MiG-21 trong những phi công anh hùng năm ấy vẹn nguyên.

Ký ức Tướng Nguyễn Đức Soát

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) cũng là một trong những người đề xuất tổ chức chương trình vinh danh và chia tay máy bay MiG-21.


Trung tướng Nguyễn Đức Soát

Trung tướng Nguyễn Đức Soát

21 năm lái chiếc MiG-21PFM Fishbed số hiệu 5020, trở thành “anh hùng bầu trời” khi 6 lần bắn rơi máy bay Mỹ, ông nói với tôi rằng, với máy bay tiêm kích MiG-21 thì chúng ta có tôn vinh bao nhiêu đi nữa thì cũng là không đủ.

MiG-21 - 50 năm. Tất cả như một cuốn phim tua chậm qua lời kể của vị tướng già.

Năm 1965, sau khi nhập ngũ được chừng 20 ngày ông được cử đi học lái máy bay ở Liên Xô cùng với 119 thanh niên khác. Họ đều là những học sinh, sinh viên còn rất trẻ.

Theo quy định thông thường, mỗi một khóa học lái máy bay tiêm kích MiG 21 phải kéo dài ít nhất chừng 4 - 5 năm, nhưng lúc ấy, ở Việt Nam, chiến tranh leo thang, đòi hỏi bức thiết phải có thêm lực lượng phi công bổ sung nên thời gian đào tạo buộc phải rút gọn xuống chỉ còn một nửa.

Tháng 11/1967 lớp phi công trẻ tốt nghiệp chương trình đào tạo loại máy bay mà ngay cả những chuyên gia quân sự các nước đều đánh giá là rất khó lái vì cánh nhỏ và tốc độ hạ cánh quá nhanh. Họ lập tức để bổ sung đủ số lượng thành lập thêm một trung đoàn không quân.

Cũng phải nói thêm rằng, thời điểm đó, khi bước vào cuộc đọ sức cam go, Việt Nam chỉ có 4 trung đoàn không quân chiến đấu, có 2 trung đoàn trang bị MiG-21, tổng số máy bay lúc bấy giờ là khoảng hơn 150 chiếc.

Trong khi đó, phía Mỹ có 3 tàu sân bay, cao điểm có lúc đến 4 tàu sân bay được bố trí ở vịnh Bắc bộ và Biển Đông với mỗi tàu sân bay có từ 80 đến 90 máy bay.

Những con số thống kê khẳng định, trong những cuộc không chiến chúng ta hầu như không có bất kỳ lợi thế nào ngoài tài năng của các phi công.

Chưa hết, một số thông tin khác cho biết, kể từ thời điểm MiG-21 xuất xưởng, những phi công tài ba, gan dạ trong chiến tranh Trung Đông, những phi công Ai Cập và Syria đã không thể thành công với MiG-21.

Nguyên nhân được chỉ ra là các đặc tính ưu việt của "cánh én bạc" đã không được những phi công những quốc gia này phát huy.

Và trong lời giới thiệu cuốn sách "Vietnam air war debrief", các chuyên gia quân sự Mỹ đã đánh giá MiG-21 có tầm bay không xa và rất khó khi học bay, họ đánh giá, những "anh hùng bầu trời" ở Việt Nam đã đưa MiG-21 lên một tầm cao mới...

Trung tướng Soát lấy cho tôi xem cuốn "Nhật ký chiến đấu" của ông. Cuốn sổ không dày lắm, nhưng vị tướng già tâm sự, trong suốt cuộc đời mình, mỗi một lần lên máy bay, mỗi một lần đối mặt với kẻ thù ông đều cất vào lồng ngực mình.

Rồi ông đọc to những dòng viết về MiG-21: "Mình tin rằng, chỉ khi ở trên không, trong buồng lái chiếc MiG 21 thì mình mới phát huy được hết trí tuệ, hiểu biết khả năng, thể hiện được lòng yêu nước và chí căm thù của mình...

Từ một thằng lính, sau 8 tháng đánh nhau trên chiếc MiG 21 mình trở thành đại đội trưởng của một đơn vị được cả nước biết đến. Mình thấy giá trị không phải ở chỗ ấy… Đêm nay mình nằm đây và nhớ về những người bạn mãi mãi không về. Những Giáp, những Đức, những Thiều...".

Những dòng này được ghi chép vào đêm 31/12/1972.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại